Một cuộc thi tiếng Anh của các học sinh Trường THDL Đoàn Thị Điểm – một trong những trường TH CLC ở Hà Nội. Ảnh: I.T |
Phải xây thêm trường mới, cơ chế tài chính khó khăn, tiêu chí đội ngũ… Đó là những vấn đề mà các quận, huyện của Hà Nội đang gặp phải trong quá trình triển khai xây dựng trường chất lượng cao (CLC). Tuy nhiên, TP cũng như ngành giáo dục Hà Nội vẫn quyết tâm xây dựng trường CLC.
Phải xây thêm trường mới
Ông Phạm Văn Đại – Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội – cho biết mục tiêu đến 2015, Hà Nội có 35 trường CLC ở tất cả các cấp học. Năm học 2013-2014, Sở GD-ĐT Hà Nội thí điểm 14 trường CLC trong đó có 8 trường công lập và sẽ trình UBND TP kiểm định ít nhất mỗi cấp học phải có một trường CLC. Trong năm 2014-2015 sẽ thí điểm xây dựng 20 trường, trong đó có 10 trường công lập và sẽ đưa vào kiểm định, trình UBND TP công nhận 19 trường ngoài công lập. Tuy nhiên, công cuộc xây dựng trường CLC dường như mới chỉ là sân chơi của các quận nội thành và các huyện ngoại thành Hà Nội cũ. Còn đối với các huyện thuộc Hà Nội mới sáp nhập, trường CLC vẫn còn ở rất xa.
Ông Thế Mạnh Khôi – Trưởng phòng GD-ĐT huyện Đan Phượng – cho rằng việc xây dựng trường CLC ở ngoại thành rất khó. Hiện nay, mỗi xã có một trường MN, một trường TH, một trường THCS. Vì vậy, muốn có trường CLC phải xây một trường mới không thuộc địa phận của xã nào. Còn các trường cũ phải đảm bảo mục tiêu đào tạo đại trà. Theo ông Khôi, chỉ có thể xây dựng các lớp CLC trong các trường đại trà. Ông Khôi cũng cho biết trong thời gian tới, Phòng GD-ĐT huyện Đan Phượng sẽ đề xuất với UBND huyện cho xây Trường MN B tại xã Tây Mỗ để thí điểm mô hình trường CLC. Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định Ban chỉ đạo đã chỉ rõ không có sự phân biệt trong một trường nên đã là CLC phải toàn trường chứ không công nhận một lớp nào đó. Ông Độ cũng cho biết phải đáp ứng được đào tạo đại trà rồi mới tính đến CLC. Do đó phải có hai trường.
Một khó khăn khác của các trường nội thành theo bà Phạm Thị Hòa – Phó chủ tịch UBND quận Hà Đông – thì chọn một trường công lập để chuyển đổi theo mô hình trường CLC mà không nằm trong tuyến tuyển sinh nào cả, chỉ tuyển sinh theo nguyện vọng của phụ huynh. Bà Hòa cũng đề nghị bên cạnh việc kiểm định theo tiêu chí thì sau một năm hoạt động cũng cần phải lấy đánh giá từ phụ huynh học sinh về mô hình này.
Công – tư đều khó
Trong thời gian vừa qua, nhiều quận nội thành đã thí điểm mô hình trường CLC. Ông Đinh Hồng Phong – Phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm – cho biết quận có 6 trường thí điểm từ năm học 2009-2010 gồm: MN 20-10, MN Quang Trung, MN Tuổi Thơ, MN Bà Triệu, MN A, TH Tràng An. Sau khi có QĐ20, QĐ21 của UBND TP.Hà Nội năm 2013, và NQ15 của UBND TP, quận đã rà soát lại và lựa chọn 3 trường để thực hiện là MN 20-10, MN Quang Trung và TH Tràng An. 3 trường còn lại chưa đủ điều kiện sẽ phải tiếp tục hoàn thiện để được công nhận. Trong quá trình triển khai mô hình trường CLC, ông Phong cho biết có một số khó khăn như cơ chế tài chính đối với năm đầu cấp. Còn các khối lớp khác không thực hiện đồng đều. Ông Phong đề nghị nên triển khai thu đồng đều trong toàn trường. Một khó khăn nữa đó là văn bản của Bộ GD-ĐT về dừng tổ chức dạy thêm tiếng Anh trong trường MN. Trong khi đó, một tiêu chí của trường CLC của Hà Nội đó là dạy tiếng Anh cho trẻ MN. Các trường đang băn khoăn về vấn đề này. Giải đáp thắc mắc của quận Hoàn Kiếm, ông Độ cho biết Bộ GD-ĐT vừa có văn bản dừng vấn đề này. Nhưng dừng ở đây là để đưa vào nền nếp, đưa vào quy củ, có sự lựa chọn những đơn vị có đủ năng lực để có thể triển khai, cho nên phải chọn những đơn vị thật tốt, vì vậy những chương trình dạy CLC phải thực sự tốt để trình Bộ GD-ĐT phê duyệt.
Đứng ở góc độ người thực hiện, bà Nguyễn Thị Nhiếp – Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú lại đưa ra những khó khăn rất cụ thể. Bà Nhiếp cho biết Trường THPT Phan Huy Chú đã thực hiện tự chủ tài chính được 6 năm nhưng hiện mới có 18/29 lớp đạt CLC. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân về cơ sở vật chất về cơ chế tài chính và tư duy bao cấp của phụ huynh. Theo bà Nhiếp, nhìn thấy được tự chủ tài chính ai cũng nghĩ là được tự thu, tự chi. Nhưng thực tế, các trường phải tính toán thu thế nào chi thế nào để đảm bảo mục tiêu giáo dục, phúc lợi xã hội… Hơn nữa, tư duy bao cấp đã ăn sâu vào tiềm thức người dân. Học phí giữa trường công và trường tự chủ tài chính cũng khiến phụ huynh cân nhắc. Khảo sát của Trường THPT Phan Huy Chú cho thấy, hàng năm chỉ có 1/3 số học sinh vào lớp 10 là bỏ nguyện vọng 1 trường công để vào trường, 2/3 học sinh trượt vào các trường công lập mới quay về học.
Trong khi đó, là một trường ngoài công lập CLC, bà Nguyễn Thị Hiền – Hiệu trưởng Trường TH Đoàn Thị Điểm (Từ Liêm, Hà Nội) cũng nêu lên những khó khăn riêng của mình. Theo bà Hiền, khó khăn lớn nhất đối với trường chính là tiêu chí phải có 60% giáo viên giỏi cấp huyện và 40% giáo viên giỏi cấp TP. Nếu mỗi năm trường được thi từ 15-20 giáo viên thì sẽ đủ nhưng chỉ tiêu huyện giao chỉ vài giáo viên thì có lẽ phải 5-6 năm nữa trường mới hoàn thành mục tiêu này. Bà Hiền đề nghị nên chăng có một hội đồng thẩm định năng lực của giáo viên các trường để đánh giá chất lượng giáo viên. Ông Nguyễn Hữu Độ – Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội – cho rằng sẽ có hội đồng thẩm định năng lực của giáo viên và đây là cơ chế đặc thù, giáo viên không cần phải thi giáo viên giỏi cấp huyện. Ông Độ cũng cho biết đến 20-3 tới, các quận huyện phải có kế hoạch triển khai cụ thể, đăng ký số trường CLC.
Nghiêm Huê
Bình luận (0)