Bộ sưu tập đèn dầu ý nghĩa trong Bảo tàng Điện Bàn
|
Những đứa trẻ chân đất, đầu trần lam lũ ở xã Điện Hồng, huyện Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) một thời chen chúc trong lớp học tối tăm, ẩm thấp và chật hẹp nay đã được học hành, vui chơi trong một ngôi trường khang trang bậc nhất huyện.
Để có được ngôi trường như vậy, người dân nghèo ở xã Điện Hồng không quên tấm lòng hào hiệp của anh kỹ sư đoản mệnh Lê Công Anh Đức với khát vọng sưu tầm đèn dầu cổ để hỗ trợ xây trường cho trẻ học.
1. Bảy giờ sáng, cổng trường mầm non mang tên anh kỹ sư vô tuyến điện Lê Công Anh Đức rộn rã tiếng trẻ thơ. Những người nông dân với gương mặt rạng rỡ đèo con, cháu đến trường trên chiếc xe đạp cà tàng, buộc kèm phía sau là cái cuốc, cây móc sắt để dặm lúa. “Hai năm nay, nhờ có ngôi trường mới này mà các cháu đi học đỡ khổ, phụ huynh không còn nơm nớp lo con bị cảm lạnh như hồi còn học trong ngôi trường ẩm ướt, cũ nát nữa. Phụ huynh vì thế an tâm gửi con để lo việc đồng áng”, bà Nguyễn Thị Hoa, một người dân ở xã Điện Hồng, phấn khởi nói khi đưa đứa cháu nội 5 tuổi đến trường.
Dẫn chúng tôi dạo một vòng quanh sân trường, cô Nguyễn Thị Phương Liên, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Trường được xây dựng, đưa vào sử dụng từ năm học 2012-2013 với tổng kinh phí hơn 6 tỷ đồng. Ngôi trường này được đầu tư cơ sở vật chất hiện đại bậc nhất huyện Điện Bàn đấy. Từ ngày có trường lớp khang trang, bà con phấn khởi tự nguyện đưa các cháu đến trường, việc vận động trẻ trong độ tuổi ra lớp không còn gặp khó khăn nữa”. Theo hướng chỉ của cô Liên, khung cảnh ngôi trường thanh bình tọa lạc trên diện tích hơn 5.000m2 giữa cánh đồng thôn Đa Hòa ngút ngát màu xanh của lúa non với 13 phòng học, đầy đủ các phòng chức năng, trang thiết bị đạt chuẩn. Cô Liên cho biết thêm, toàn trường có gần 400 trẻ, từ 3 đến 5 tuổi, chia làm các lớp mẫu giáo nhỏ, nhỡ và lớp lớn. “Trước đây các cháu học trong ngôi trường của xã đã xuống cấp. Mùa nắng thì nóng như đổ lửa. Mùa mưa nước xăm xắp khiến căn phòng nào cũng ẩm ướt. Trẻ con tới lớp cứ co ro và rất dễ cảm lạnh, rất tội nghiệp. Từ ngày có trường mới, sức khỏe các cháu ổn định, ít ốm đau. Thầy cô giáo và cả phụ huynh đều an tâm hơn”, cô Liên nói.
Ngôi trường dành cho trẻ em nghèo mang tên anh thanh niên Lê Công Anh Đức
|
2. Chuyện một xã nghèo được đầu tư xây dựng ngôi trường khang trang như cổ tích. Cô Liên trầm giọng chia sẻ: “Ngôi trường này được xây từ mơ ước của một người con quê hương Điện Hồng. Đây là tâm nguyện của anh ấy suốt cả chục năm nuôi dưỡng, gửi khát vọng vào việc sưu tập những bộ đèn dầu cổ, xây dựng bảo tàng tư nhân để từ đó trích nguồn kinh phí thu được từ việc tham quan dùng xây trường học”. Ngừng giây lát, cô Liên buồn buồn: “Không may anh ấy mất vì tai nạn giao thông khi mới 32 tuổi. Ước mơ còn dang dở. Ngôi trường này được chính bố mẹ của anh ấy thay mặt xây tặng bà con trong xã”.
Anh Lê Công Anh Đức sinh năm 1970, tốt nghiệp kỹ sư vô tuyến điện và cử nhân luật. Anh là chuyên viên Cục Tần số vô tuyến điện Bộ Bưu chính – Viễn thông. Năm 22 tuổi, anh đã nuôi dưỡng ước mơ làm nhà sưu tập các bộ đèn dầu cổ để xây dựng bảo tàng tư nhân. Bên cạnh niềm đam mê những ngọn đèn dầu xưa cổ – kỉ vật lưu giữ những thời kì đã đi qua, anh còn có khát vọng sẽ trích từ chính số quỹ thu được sau khi mở bảo tàng cho khách tham quan để xây dựng những ngôi trường cho học sinh nghèo ở quê hương mình. Bước chân anh Đức đã đi khắp các tỉnh/thành trên cả nước, thậm chí cả nước ngoài để sưu tầm đèn dầu cổ. 32 tuổi với 10 năm cất công sưu tầm, anh Đức đã có trong tay 500 bộ đèn dầu cổ – một gia sản mà nhiều người chơi đồ cổ mơ ước. Dự định đang dần thành hiện thực thì năm 2002, tai nạn bất ngờ, anh ra đi mãi mãi. “Sau khi anh Đức mất đi, nghe đâu nhiều người tìm đến trả bộ sưu tập đó với giá rất cao nhưng ba mẹ anh không đồng ý bán. Sau đó, hai ông bà thay con trai thực hiện ước mơ dang dở bằng cách hóa giá bộ đèn dầu cổ hơn 6 tỷ đồng cho Bảo tàng huyện Điện Bàn và dùng số tiền này hỗ trợ xây trường mầm non ở xã Điện Hồng mang tên anh”, cô Liên gạt nước mắt, kể lại.
3. Hai năm trở lại đây, vào ngày khai giảng năm học mới hoặc lễ tết, thầy cô giáo Trường Mầm non Lê Công Anh Đức đều đón ông bà Lê Công Chiêm – Phan Thị Nhã (bố mẹ anh Đức) về thăm trường. Ông Chiêm bảo: “Vợ chồng chúng tôi đầu tư xây trường mầm non là để thỏa ước nguyện của con lúc còn sống. Hồi đó, mỗi lần từ TP.HCM về thăm quê, lần nào con tôi cũng trăn trở về sự khó khăn, thiệt thòi của trẻ em ở quê hương”.
Hai năm sau ngày ngôi trường mang tên người con của quê hương Điện Hồng mọc lên khang trang, vững chãi, dù cuộc sống của bà con vẫn còn bộn bề khó khăn nhưng cảm phục tấm lòng anh Đức, ai cũng làm ăn với tinh thần hăng hái. “Sự đóng góp của anh Đức và gia đình đã thực sự tạo động lực, tiếp sức cho những đứa trẻ tới trường. Cũng là động lực cho những người làm công tác khuyến học trong xã nối dài câu chuyện khuyến học để cho con em trong xã có tương lai tươi sáng hơn!”, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Điện Hồng trải lòng.
Bài, ảnh: Phan Lệ
“Năm nào vợ chồng tôi cũng thu xếp về thăm trường, thấy các cháu vui khỏe, có nơi chốn học hành vui chơi, lòng như ấm lại, như được gặp lại đứa con yêu quý của mình”, ông Lê Công Chiêm cho biết. |
Bình luận (0)