Với khát vọng tìm một lối đi giúp đồng bào miền núi phát triển kinh tế theo hướng chăn nuôi bền vững và bảo vệ môi trường, chàng trai Đà Nẵng – Đặng Thái Tuấn (SN 2001) đã khởi nghiệp bằng mô hình chăn nuôi heo, gà theo hướng xanh, sạch tự nhiên. Hành trình bước đầu còn nhiều gian nan nhưng càng khó khăn, ước mơ vì cộng đồng càng lớn…
Mong muốn giúp đồng bào thiểu số phát triển kinh tế, chàng trai Đà Nẵng Đặng Thái Tuấn đã xây dựng trang trại chăn nuôi theo hướng tự nhiên ở rừng Nam Giang
1. 22 tuổi, Đặng Thái Tuấn đã đi trên hành trình khởi nghiệp riêng mình tròn 2 năm. Câu chuyện về những ngày đầu gian khổ ở Tuấn vẫn luôn chất chứa nhiều niềm tin và khát vọng. Tuấn kể, sinh ra và lớn lên ở TP.Đà Nẵng, bản thân yêu thích núi rừng từ nhỏ, mỗi lần có dịp đến vùng cao Quảng Nam, nhìn thấy điều kiện thiếu thốn của bà con, trong lòng lại muốn làm một điều gì đó để cùng bà con có cuộc sống tốt hơn. “Hồi học phổ thông, cuối tuần tôi hay đạp xe lên miền núi Đông Giang, mua các loại cua, cá… của bà con đánh bắt được từ suối để mang về nuôi, rồi bán. Đam mê kinh doanh đó cũng là để tạo điều kiện cho bà con có thể bán được các sản vật của mình”. Tốt nghiệp THPT, Tuấn chọn ngành công nghệ sinh học (ĐH Sư phạm – ĐH Đà Nẵng) để theo đuổi ước mơ. Ra trường, Tuấn tham gia nhiều hoạt động, từ tham gia CLB ENV Đà Nẵng hỗ trợ ươm cây giống cho bà con vùng lũ Quảng Trị; sản xuất nông sản Tâm An Farm (Đà Nẵng); hỗ trợ người dân vùng cao Tây Giang (Quảng Nam) phát triển sinh kế trồng cây sâm ba kích dưới tán rừng nguyên sinh…
Trải nghiệm thực tế ở miền núi nhiều, Tuấn bắt đầu xây dựng ý tưởng sẽ khởi nghiệp từ đó để hỗ trợ đồng bào thiểu số phát triển kinh tế. “Tôi nhận thấy rằng, vấn đề gốc rễ cho bài toán phát triển kinh tế giúp đồng bào thiểu số vẫn cần một giải pháp triệt để hơn. Đó là, thực tế bà con vẫn sống phụ thuộc vào rừng, lấy việc khai thác sản vật làm sinh kế. Vì vậy cần phải tạo ra một sinh kế khác có thể dựa vào rừng nhưng không khai thác tận diệt để bảo vệ rừng. Quá trình tham gia các hoạt động, tôi tích lũy được một ít kinh nghiệm. Cơ duyên đến khi tham gia làm việc cho một công ty trong lĩnh vực nông nghiệp, tôi có dịp vào công tác ở TP.HCM và biết đến việc nuôi ấu trùng ruồi lính đen phục vụ chăn nuôi. Khi thấy mình hiểu biết căn bản, tôi quyết định mở trang trại chăn nuôi heo, gà để khởi nghiệp”, Tuấn kể.
Trang trại chăn nuôi của Thái Tuấn với heo và gà giống bản địa
2. Năm 2021, HTX Nông nghiệp và dịch vụ Mộc An Farm được Tuấn xây dựng trên diện tích rộng 7.000m2 tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam). Hàng trăm con heo thịt và hàng ngàn gà giống được đưa vào chăn nuôi. Tuấn bảo, tiêu chí của Farm là chăn nuôi theo hướng “Bảo tồn – chăn nuôi – giáo dục và chuỗi liên kết”. Với mục tiêu bảo tồn giá trị văn hóa về ẩm thực, tinh thần, đặc trưng của đồng bào đồng thời không làm ảnh hưởng đến thiên nhiên; chăn nuôi sạch, nâng cao giá trị chăn nuôi địa phương. Thay thế sản phẩm phụ thuộc vào rừng và thiên nhiên; Vì một hệ thống giáo dục tự do, hướng về bền vững và năng lực nội tại của địa phương; Cuối cùng là tạo ra chuỗi liên kết giúp người dân đẩy mạnh phát triển kinh tế bền vững, thoát nghèo, từ đó chia sẻ và lan tỏa để tạo ra môi trường sống xanh.
Để làm được điều đó, Tuấn chú trọng từ khâu thức ăn đến phòng dịch bệnh. “Tôi liên kết với các siêu thị, các công ty thực phẩm để thu các thực phẩm thừa như bột làm bánh, bã bia theo hướng phúc lợi xã hội. Để phòng bệnh cho gà heo, tôi còn tìm đến Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng, kết nối xin các bã thuốc bắc về phơi khô và chế biến để cho vào thức ăn nhằm phòng chống dịch bệnh cho gà, heo…”.
Để giúp người dân địa phương có công ăn việc làm, tuấn tuyển dụng vào làm việc tại HTX của mình. Từng bước hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi để giúp bà con có thêm kinh nghiệm. “Ước mơ của tôi là tạo nên chuỗi liên kết, giao công việc chăn nuôi cho bà con để chính tay họ làm ra sản phẩm chất lượng. Khi bà con được trao sinh kế thì đó là cách bảo vệ rừng bền vững. Mục tiêu của tôi là làm sao giúp bà con các địa phương miền núi tiêu thụ nông sản để mưu sinh, phát triển kinh tế, góp phần thay đổi nhận thức của cộng đồng: Khai thác lợi ích từ rừng nhưng không hủy hoại môi trường”, Tuấn chia sẻ.
3. Mới đây, Tuấn quyết định mở thêm chuỗi cửa hàng cháo dinh dưỡng tại Đà Nẵng. Thực đơn là những món cháo được chế biến từ gà, heo nuôi thả tự nhiên ở HTX Nông nghiệp và dịch vụ Mộc An Farm và thu mua của bà con đồng bào thiểu số ở Nam Giang. Tuấn nói, đây là hướng đi tạo nên chuỗi liên kết bền vững trên hành trình khởi nghiệp của mình. Một mình với hành trình hàng tuần đi lại hàng chục cây số từ TP.Đà Nẵng đến Nam Giang, Tuấn bảo, rất khó khăn để đưa ý tưởng trở thành hiện thực. Không chỉ bởi cách trở địa lý mà còn là cả một quá trình thay đổi nhận thức của đồng bào về chăn nuôi gắn với giữ gìn, bảo vệ rừng. Muốn bà con tin thì bản thân anh phải đi trước, làm đầu. Đó là chưa kể nhiều khó khăn khác đến từ lý do khách quan… Tuy vậy, Đặng Thái Tuấn vẫn bền bỉ với khát vọng chung tay cùng đồng bào thiểu số để hướng đến một cuộc sống tốt hơn và xanh, sạch. “Dự án ở HTX Nông nghiệp và dịch vụ Mộc An Farm vẫn đang trong quá trình hoàn vốn. Dù biết rất khó khăn, nhưng khi làm được việc gì dù nhỏ nhưng nếu nó có ý nghĩa, đem lại niềm vui cho chính mình và mang lại lợi ích cho cộng đồng, nhất là đồng bào miền núi thì tôi sẽ luôn nỗ lực thực hiện, hướng tới”, Tuấn bộc bạch.
Hàn Giang
Bình luận (0)