Dù nắng hay mưa, mỗi ngày xe bánh mì của Loan cũng lăn bánh ra vỉa hè. Bánh xe cứ lăn đều đều, nhọc nhằn, kham khổ như số phận của Loan.
Loan nói khi nhập học sẽ kiếm việc làm thêm để trang trải – Ảnh: P.C.
Loan ở xã Điền Lộc, huyện Phong Điền, Thừa Thiên – Huế, vừa thi đậu vào khoa du lịch Đại học Huế và giáo dục tiểu học Cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên – Huế. Loan không cha, nhà chỉ có hai mẹ con, mẹ bệnh nặng…
Đứa bé mồ côi
Loan mồ côi cha từ khi lọt lòng mẹ. Sinh Loan được ít lâu, mẹ mắc căn bệnh phong quái ác. Đau đớn, túng quẫn. Nhưng Loan lúc đó như một món quà trời ban để bà tiếp tục sống, vật lộn với bệnh tật.
Hai mẹ con với một mái lều tranh, không tấc đất cày cấy. Quán nhỏ trước nhà nuôi sống hai mẹ con nhờ vào tình thương của làng xóm.
Loan kể: “Cuộc sống thiếu thốn nhưng mẹ cố không để em thiệt thòi. Em được đến trường như mấy đứa trẻ trong xóm là ước mơ của mẹ”.
Đứa trẻ tựa vào người mẹ bệnh tật sống giữa cuộc đời cơ cực. Loan cố gắng học giỏi chỉ với mục đích để mẹ vui. Đồng tiền ít ỏi từ quán nhỏ phải dè sẻn, chút ít lo mắm muối nuôi sống hai mẹ con qua ngày, phần nữa lo thuốc thang cho mẹ.
Mẹ Loan nay ốm mai đau, mới tí tuổi đầu Loan đã biết trông coi hàng quán, lúc rảnh rỗi lại đi phụ việc cho bà con trong làng để đổi lấy gạo cơm.
Học THPT, nhà cách trường 17 cây số, thương gia cảnh khó khăn nên bạn bè cho Loan đi chung xe đạp. “Đến năm học lớp 12, một hôm em bất ngờ nhận được tin của thầy giáo. Một món quà có ý nghĩa với đời em: đó là chiếc xe đạp của thầy giáo dạy văn hồi lớp 11. Rồi chiếc xe ấy là phương tiện và cũng là con thuyền đưa ước mơ em đi xa hơn” – Loan ngậm ngùi nhớ lại người thầy chắp cánh cho em giữa bước đời gian khổ.
Mùa hè năm 2013, Loan thi cao đẳng ở TP.HCM. “Lúc đó em chỉ nghĩ cao đẳng học ba năm là xong, với lại dễ kiếm được việc làm, nuôi được bản thân, sớm giúp được mẹ. Nhưng em đã sai, cuộc sống ở Sài Gòn quá khó khăn, chi phí cao quá em không trụ nổi” – Loan tâm sự.
Xe bánh mì trong mưa nắng
Chuẩn bị cho Loan vào TP.HCM dự thi, mẹ Loan vào trước mấy tháng để “tiền trạm”. Vào Sài Gòn bà đi ở đợ kiếm tiền chuẩn bị cho đứa con mồ côi cha ăn học.
“Nhưng vì sức khỏe yếu nên mẹ không kham nổi công việc. Thương em, mẹ tiết kiệm từng đồng. Đau lòng trước cảnh ngày ngày mẹ làm lụng vất vả lúc tuổi đã xế chiều em quyết định thôi học” – Loan kể. Mẹ con khăn gói về quê, rau cháo nuôi nhau. Bà khóc vì tương lai con dở dang. Loan lại nung nấu…
Rồi một sáng mai, đứa con gái nắm tay mẹ thật chặt, ôm xách ra đi. Mẹ Loan nhìn theo khóc, nhưng làm sao dám ngăn cản ước mơ của con. Cô gái 18 tuổi rời quê vào Đà Nẵng kiếm việc. Không người thân thích, hai bàn tay trắng. Ngày làm hai ca. Sáng đi bán cà phê tới 14g. Chiều lại đi phụ bán mũ bảo hiểm đến tận 22g đêm.
Làm được một thời gian, Loan đuối sức. Nghe mọi người mách bảo, Loan chuyển sang đẩy xe bán bánh mì thuê ở vỉa hè, tháng 2 triệu đồng. Giữa ngã ba đường, Loan gặp người phụ nữ tốt bụng. Thấy Loan bằng tuổi con gái mình, cảnh đời bi thương, bà dắt Loan về cho ở nhờ trong nhà. Có được chỗ dựa, cứ thế ngày ngày Loan đẩy chiếc xe bánh mì ra ngã ba đường nuôi ước mơ lặng lẽ.
Đợt vừa rồi thi xong Loan lại trở vào Đà Nẵng tiếp tục cuộc mưu sinh. Một chiều khi đang đẩy xe bánh mì ra vỉa hè ở quận Hải Châu, Đà Nẵng thì có người bạn báo tin “mi đậu cả hai trường rồi”. Loan nói giờ này chắc mẹ sẽ khóc rất nhiều khi nhận được giấy báo trúng tuyển đại học của Loan.
Bây giờ chiếc xe bánh mì ra phố sớm hơn và trở về muộn so với mọi khi, ước mong kiếm thêm ít tiền cho ngày đi học lại.
“Mẹ em bây giờ sức khỏe ngày càng yếu, lại nhiều bệnh tật. Nhưng lần này em sẽ không bỏ cuộc đâu, chắc sau ngày nhập học em sẽ kiếm việc làm thêm để có tiền trang trải cho đến ngày ra trường” – lời của cô gái tuổi 20 tràn đầy nghị lực.
HỮU KHÁ (TTO)
Bình luận (0)