Chưa đầy 3 năm nữa, loại xe buýt 12 chỗ chạy bằng xăng sẽ bị loại bỏ hoàn toàn. Nguyên nhân được cho là xe này không đáp ứng tiêu chuẩn của một xe buýt. Tuy nhiên, mới đây Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho TP.HCM thí điểm 3 tuyến xe buýt loại 12 chỗ chạy bằng điện. Điều này cho thấy, vai trò của xe buýt 12 chỗ hết sức quan trọng trong việc vận chuyển hành khách công cộng cũng như phù hợp với tình hình giao thông hiện tại của TP.
Chưa đầy 3 năm nữa, loại xe buýt 12 chỗ chạy bằng xăng sẽ bị loại bỏ hoàn toàn |
Tiện lợi, hút khách
Tại Bến xe Miền Đông, Ngã tư Ga hay Bến xe Bình Hưng Hòa, hàng chục chiếc xe 12 chỗ chạy bằng xăng vẫn hoạt động mỗi ngày với khoảng 10 chuyến đi – về/xe/ngày. Khách đi xe đa dạng từ học sinh, sinh viên đến mọi người dân. Giá vé 2 ngàn đồng/học sinh sinh viên và 5 ngàn đồng cho một người dân bình thường.
Bà Hai Ánh (Q.Gò Vấp) thường phải ra Bến xe Miền Đông đi Bình Dương lấy hàng về bán, để có thể ra được bến xe, bà thường di chuyển bằng xe buýt. Cả chục năm nay, bà thường đi bằng loại xe 12 chỗ tuyến số 40. Bà Hai Ánh cho biết: “Xe tuy nhỏ nhưng thoáng mát, chạy nhanh, giá lại rẻ nên tôi đã đi như một thói quen. Điều khiến tôi ưng ý đó là thỉnh thoảng xách quà cáp gia cầm thì đi xe này là tiện nhất vì xe lớn có máy lạnh, không thể đi”.
Chị Thu Hường (Q.Tân Phú), hành khách xe tuyến số 51 cũng chia sẻ, so với xe buýt lớn, đi xe này khá thoải mái. Mặc dù lượng khách lên xuống thường xuyên nhưng không đông đúc như một số xe lớn. Đoạn đường từ nhà chị Hường ra Bến xe Miền Đông, nếu đi xe buýt lớn phải mất 2 chặng, tuy nhiên xe nhỏ chỉ cần 1 chặng vì thế mỗi lần có công việc ra bến xe, chị thường đón xe này.
Xe buýt 12 chỗ đã xuất hiện ở thành phố vào thời điểm năm 2002 với khoảng hơn 700 chiếc các loại Daihatsu, Suzuki… Tính đến thời điểm hiện tại, TP.HCM còn khoảng hơn 400 xe. Nguyên nhân giảm số lượng được cho là tiền trợ giá giảm, xe không còn đảm bảo giá trị sử dụng vì thế chủ xe chuyển đổi sang các hình thức vận tải khác. Theo một số tài xế xe tuyến số 40, 51, loại xe này luôn đông khách, mỗi ngày một xe cũng chở được trên dưới 100 khách lên xuống.
“Trước thực trạng đường sá, giao thông hiện nay của thành phố, Nghị định 110 của Chính phủ, đòi hỏi xe buýt phải có 17 chỗ ngồi trở lên mới được hoạt động thì quá cứng nhắc. Chính phủ, Bộ GTVT cũng nên dựa vào kết quả vận chuyển, tình hình giao thông thực tại của TP.HCM để có những sửa đổi nhằm duy trì loại xe này. Nếu có thay đổi, nên chăng chú trọng vào yếu tố bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn cho hành khách chứ không nên xóa bỏ hoàn toàn hoặc hạn chế số tuyến”, TS. Phạm Sanh cho biết. |
Ông Huỳnh Đại Minh, tài xế xe tuyến số 40 (Hợp tác xã Đông Nam) cho biết: “So với xe lớn, mặc dù không có chỗ đứng, không máy lạnh, tuy nhiên xe lúc nào cũng hút khách. Cứ khách xuống lại có khách lên. Có không ít người lớn tuổi, hàng ngày thường sử dụng xe này để đi chợ búa mua thức ăn như thói quen. Đặc biệt chạy về các vùng ngoại thành, có những đoạn đường không có xe buýt lớn, việc sử dụng xe gắn máy có thể không tiện do đường xa nên khá nhiều người thích đi xe này, trong đó phải kể đến hành khách trung niên, lớn tuổi”.
Không nên xóa bỏ hoàn toàn
Mới đây Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho TP.HCM thí điểm 3 tuyến xe buýt 12 chỗ chạy bằng điện để vận chuyển hành khách công cộng, nhất là hành khách du lịch tại khu trung tâm thành phố, dọc kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè và khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Quyết định này khiến nhiều người vui mừng bởi theo kế hoạch của Sở GTVT TP.HCM, từ nay đến năm 2018, loại xe 12 chỗ chạy bằng xăng nói trên sẽ không còn được hoạt động, mặc dù công tác vận chuyển hành khách công cộng đạt hiệu quả tốt, đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhiều người dân. Nguyên nhân do xe hết niên hạn sử dụng, không đáp ứng yêu cầu Nghị định 110 của Chính phủ, đó là đòi hỏi xe buýt phải có 17 chỗ ngồi trở lên, có chỗ ngồi, đứng cho khách, gầm xe phải cao…
Ông Nguyễn Văn Hải, đội trưởng xe 40, 51, Hợp tác xã Đông Nam cho hay, quyết định thí điểm xe buýt 12 chỗ chạy bằng điện là hết sức hợp lý. Dù thế nào đi chăng nữa, không thể xóa bỏ hoàn toàn loại phương tiện này. Hiện thành phố có không ít đoạn đường có bề ngang nhỏ, chỉ 6 đến 8m khiến xe buýt lớn khó có thể hoạt động nhưng loại 12 chỗ thì chạy vô tư. Mặt khác trên các tuyến đường liên xã, qua các cây cầu hẹp, tải trọng cầu thấp thì xe nhỏ vô cùng phù hợp.
Đứng ở phương diện chuyên gia nghiên cứu, TS. Phạm Sanh cũng cho rằng, ngoài hạn chế nhiều tuyến đường có bề ngang nhỏ, việc mở rộng đường không dễ dàng do liên quan đến giải phóng mặt bằng, chi phí bồi thường, trong khi đó lượng xe gắn máy có xu hướng tăng mỗi năm gây kẹt xe. Việc duy trì hoạt động xe 12 chỗ là hết sức phù hợp, góp phần giảm kẹt xe, ùn tắc, ô nhiễm môi trường, đảm bảo vận chuyển hành khách. Đơn cử, một xe 12 chỗ chiếm diện tích khoảng 3 xe máy, nhưng lại chở được 12 người mỗi lượt.
Bài, ảnh: Trinh Ngọc
Bình luận (0)