Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Xe buýt chật vật tồn tại

Tạp Chí Giáo Dục

Xe buýt tại TPHCM vẫn đang tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, bất chấp những nỗ lực vượt khó của các đơn vị vận tải và ngành chức năng.
Xe buýt lưu thông trên đường Mai Chí Thọ, TP thủ Đức, TPHCM.
Nhiều nỗ lực
Khi lăn bánh khởi hành lúc 5 giờ 45 sáng ngày 12-2 tại Bến xe Miền Đông (BXMĐ) mới, chiếc xe buýt biển số 51B-208.03 chạy tuyến 93 lộ trình Bến Thành – BXMĐ mới mang theo gần 20 hành khách. Chiều cùng ngày, lúc 14 giờ 55, chiếc xe buýt biển số 50F-002.37 (mã số tuyến 55) chạy theo lộ trình Công viên phần mềm Quang Trung – BXMĐ mới xuất bến chỉ với 15 hành khách trên xe.
Tùy từng tuyến, nhưng theo nhiều đơn vị vận tải, tỷ lệ hành khách/công suất của xe đạt khoảng 30%-40%. Số lượng hành khách này tuy không đông như khi dịch Covid-19 chưa bùng phát nhưng đã khá hơn so với cách đây vài tháng. Để có được kết quả này, thời gian qua, đã có nhiều nỗ lực để tăng chất lượng phục vụ của hệ thống xe buýt thành phố. Có thể nhắc đến việc đưa vào hoạt động tuyến xe buýt điện đầu tiên vào đầu tháng 3-2022. Tuyến buýt thân thiện với môi trường này có lộ trình đi qua các tuyến phố đông đúc: Lê Lai, Hàm Nghi, Pasteur, Nguyễn Công Trứ, Ký Con… (quận 1). Tháng 8-2022, tuyến xe buýt liên tỉnh liền kề không trợ giá mã số 63-1 lộ trình Bến xe Tân Phú – Bến xe Tiền Giang chính thức hoạt động. Cũng trong năm 2022, TPHCM đã tăng cường kết nối xe buýt với sân bay Tân Sơn Nhất bằng cách mở mới tuyến xe buýt mã số 72-1 theo lộ trình Sân bay Tân Sơn Nhất – cao tốc Long Thành – Dầu Giây – Vũng Tàu; khôi phục tuyến xe buýt 109 lộ trình Bến xe buýt Sài Gòn – Sân bay Tân Sơn Nhất; điều chỉnh lộ trình tuyến xe buýt 103 kết nối vào Sân bay Tân Sơn Nhất; mở mới và khôi phục 4 tuyến xe buýt liên tỉnh kết nối với tỉnh Đồng Nai.
Trong năm nay, TPHCM sẽ mở mới hàng chục tuyến xe buýt, bao gồm 4 tuyến xe buýt điện, 4 tuyến xe buýt liên tỉnh kết nối với tỉnh Bình Dương và Tây Ninh, 2 tuyến mini buýt, tuyến buýt nối BXMĐ hiện hữu với BXMĐ mới.
Lắm khó khăn
Theo Quyết định 3998/QĐ-UBND ngày 27-10-2020 của UBND TPHCM về phê duyệt đề án Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030 giao thông công cộng phải đáp ứng được 25% thị phần.
Từ đây đến kỳ hạn đó không còn xa, song trước thực trạng hoạt động của xe buýt, xem ra việc đạt hạn mức đề ra là vô cùng khó. Cho đến hiện nay, thị phần của vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt vẫn còn chiếm tỷ trọng nhỏ, không quá 10%.
Xe buýt dùng nhiên liệu sạch bảo vệ môi trường lưu thông trên đường Tôn Đức Thắng, quận 1, TPHCM.
Có một thực tế là trong những năm gần đây, hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đang bị cạnh tranh gay gắt. Ngay từ lúc chưa bùng phát dịch Covid-19, lượng hành khách đi xe buýt đã liên tục giảm. Nguyên nhân không phải vì nhu cầu đi lại giảm mà là vì bị phân tán sang các loại hình vận tải khác, cùng với nhiều lý do khác nhau.
Chỉ cần vài động tác đơn giản trên chiếc điện thoại di động thông minh, người dân có thể đặt xe ôm công nghệ nhanh chóng, dễ dàng. Không những thế, trong mắt không ít người, ưu điểm của xe ôm công nghệ là khách được đón tận nơi và đưa đến tận chốn – đặc điểm mà xe buýt không thể đáp ứng. Một lợi thế khác là xe ôm công nghệ có thể luồn lách cơ động hơn nhiều nếu có ùn tắc, kẹt xe trên đường. Trên thực tế, có nhiều doanh nghiệp tham gia dịch vụ xe ôm công nghệ, và loại hình này liên tục đưa ra nhiều chương trình ưu đãi, từ đó tác động đến số lượng hành khách đi xe buýt.
Số lượng phương tiện giao thông cá nhân tăng cao và tăng liên tục qua từng năm cũng là nguyên nhân dẫn đến sụt giảm hành khách đi xe buýt. Phương tiện giao thông tăng khiến tình trạng ùn ứ giao thông diễn ra thường xuyên, dẫn đến không ít xe buýt không thể đảm bảo thời gian hành trình. Hệ quả là nhiều hành khách, đặc biệt là sinh viên, học sinh, thay vì lựa chọn sử dụng xe buýt khi có nhu cầu đi lại thì chuyển sang đi bằng phương tiện giao thông cá nhân.
Cho đến hiện tại, có lẽ ưu điểm duy nhất của xe buýt là giá rẻ. Còn những yếu tố quan trọng khác như sự thuận tiện, đảm bảo thời gian hành trình… thì không thể so bì với các loại hình phương tiện giao thông cá nhân, bao gồm xe công nghệ.
Năm 2019, xe buýt TPHCM phục vụ khoảng 255 triệu lượt khách, giảm 12,1% so với 289,9 triệu lượt khách đạt được năm 2018. Đến năm 2020, lượng khách đi xe buýt chỉ còn hơn 148 triệu lượt. Năm 2021, do dịch Covid-19 bùng phát, hoạt động xe buýt giảm mạnh hơn, chỉ còn 53 triệu lượt hành khách. Năm 2022, số lượng hành khách đã phục hồi nhiều so với năm 2021, với gần 75 triệu lượt hành khách.
 
THIỆN NHÂN (theo SGGP)

Bình luận (0)