Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

“Xe buýt đồng hành cùng người khuyết tật”

Tạp Chí Giáo Dục

Vừa qua, Đoàn Thanh niên thuộc Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) TP.HCM đã phối hợp với Hợp tác xã vận tải 19-5 triển khai chương trình “Xe buýt đồng hành cùng người khuyết tật”. Mục đích của chương trình nhằm khuyến khích người khuyết tật (NKT) tham gia phương tiện giao thông công cộng hòa nhập với cộng đồng và nhân rộng mô hình giúp đỡ NKT khi đi xe buýt trong thời gian sắp tới.

Độ dốc của thang nâng khiến NKT lo lắng nếu người hỗ trợ không đủ sức để giữ chặt xe lăn trong lúc di chuyển họ vào trong xe buýt (ảnh do DRD cung cấp)

100 lớp tập huấn kỹ năng hỗ trợ NKT

Tại buổi lễ triển khai chương trình “Xe buýt đồng hành cùng NKT”, Ban tổ chức đã hướng dẫn cho các tiếp viên xe buýt các kỹ năng hỗ trợ NKT một cách chi tiết. Cụ thể, các tiếp viên cần chủ động quan sát nhà chờ từ xa, khi thấy có NKT chờ xe buýt, thì cần nhanh chóng báo cho tài xế biết nhằm chủ động dừng chờ trong thời gian lâu hơn. Khi đó, tiếp viên sẽ trực tiếp hỗ trợ bằng cách dắt tay người khiếm thị, làm tay vịn cho người đi nạng lên xe, hoặc thậm chí bế, cõng NKT (sử dụng xe lăn) vào vị trí ghế ngồi dành riêng. Sau đó, người tiếp viên hoặc người hỗ trợ cần nhanh chóng khiêng xe lăn lên xe buýt, cẩn trọng thắng bánh xe lăn lại và xếp lại một cách gọn gàng vào vị trí phù hợp. Khi NKT xuống xe, các tiếp viên cũng sẽ thực hiện các động tác tương tự. Tuy nhiên, cần chú ý quan sát dưới lòng đường để đảm bảo an toàn cho hành khách và bản thân mình.

Nhằm phổ biến rộng rãi mô hình hỗ trợ NKT tham gia phương tiện giao thông công cộng trên toàn địa bàn TP, sắp tới Trung tâm Quản lý và điều hành VTHKCC sẽ tổ chức khoảng trên 100 lớp tập huấn kỹ năng nâng cao nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng hỗ trợ NKT đi xe buýt cho các tài xế và tiếp viên đang làm việc trong hệ thống xe buýt của TP.

Nhân dịp triển khai chương trình “Xe buýt đồng hành cùng NKT”, 40 sinh viên khuyết tật thường xuyên đi lại bằng xe buýt đã được Ban tổ chức tặng quà như là một hình thức khuyến khích tinh thần cho các em. Sinh viên Phan Thị Kim Vân, một trong những hành khách thường xuyên của tuyến xe buýt số 30 (chợ Tân Hương – Đại học Quốc tế) và xe buýt số 52 (Bến Thành – Đại học Quốc tế) cho biết, em rất xúc động khi nhận được sự quan tâm của Ban tổ chức. Đây cũng là cơ hội giúp em gửi lời cảm ơn đến bác tài xế và các tiếp viên đã luôn tận tình giúp đỡ và đối xử tốt với em trong suốt thời gian qua.

Đề xuất từ NKT sau chuyến đi thực địa

Vào ngày 19-3, khoảng 1 tuần trước khi triển khai chương trình “Xe buýt đồng hành cùng NKT”, nhóm khảo sát bao gồm người sử dụng xe lăn, chống nạng, khiếm thị thuộc Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD) đã có chuyến đi thực địa bằng xe buýt số 71 (tuyến Bến xe An Sương – Phật Cô Đơn).

Kết quả khảo sát cho thấy, xe buýt số 71 với kích cỡ tương đương loại xe 29 chỗ có cơ cấu thang nâng hỗ trợ người sử dụng xe lăn, hệ thống âm thanh, âm báo bằng tiếng nói, tạo sự dễ dàng cho người khiếm thị chủ động biết trước trạm dừng cần đến. Tuy nhiên, quá trình vận hành của thang nâng khá phức tạp và không tiếp cận với NKT. Nguyên nhân do thang nâng lắp đặt ở cửa lên xuống xe được tài xế điều khiển bằng tay khá vất vả mỗi khi đưa thang nâng ra khỏi gầm xe và hạ xuống mặt đường hoặc vỉa hè nơi xe dừng trạm.

Theo thông tin từ Sở GTVT TP.HCM, từ năm 2006, TP đã triển khai chính sách hỗ trợ NKT tiếp cận sử dụng xe buýt thông qua việc miễn vé. Cho đến nay, hệ thống xe buýt trên địa bàn TP đã dành 2 hàng ghế đầu ưu tiên cho NKT. Đặc biệt, 263/2.512 phương tiện (chiếm hơn 10% tổng phương tiện) có trang bị thiết bị nâng hạ hoặc sàn thấp thuận lợi cho NKT sử dụng. 350/497 nhà chờ xe buýt đã được cải tạo lối lên xuống thuận lợi cho NKT sử dụng xe lăn tiếp cận. Trong giai đoạn 2014-2017, Sở GTVT đã triển khai đề án đầu tư thay thế mới 1.680 xe buýt, trong đó có 300 xe buýt sàn thấp, tạo thuận lợi cho NKT khi tham gia phương tiện giao thông công cộng này.

Chưa kể thang nâng khi được lắp đặt ở cửa tạo độ dốc lớn làm cho NKT rất lo lắng khi di chuyển vào xe. Chị Phương, một thành viên trong đội khảo sát trăn trở: “Mặc dù đường dốc có thiết kế gờ hai bên để tránh cho bánh xe lăn trượt ra ngoài, nhưng chúng tôi cảm thấy nguy cơ rủi ro rất cao nếu người hỗ trợ không đủ sức để giữ chặt xe lăn trong lúc di chuyển chúng tôi vào trong xe buýt”. Bên cạnh đó, trong xe có ghế ưu tiên cho NKT nhưng không sử dụng hiệu quả vì không đủ chỗ cho xe lăn.

Được biết, căn cứ vào kết quả khảo sát lần này, DRD sẽ tiếp tục gửi bản kiến nghị đến các cấp ban ngành, nhằm góp phần thúc đẩy NKT hòa nhập xã hội thông qua việc đầu tư hệ thống xe buýt thân thiện và nhân văn.

Vũ Phương

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)