Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Xe buýt ngày càng “thất thế”

Tạp Chí Giáo Dục

Hành khách lèo tèo, doanh nghiệp xe buýt lay lắt đến mức dọa ngưng hoạt động, hệ thống vận tải hành khách công cộng duy nhất tại TP.HCM đang ngày càng “nguy kịch”.
Xe buýt TP.HCM vắng khách	 /// Ảnh: Ngọc Dương
Xe buýt TP.HCM vắng khách. ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Nhiều tuyến ngưng hoạt động
Sáng 7.7, ông Nguyễn Văn Lèo, Tổng giám đốc Công ty CP vận tải TP.HCM, cho biết 11 doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) vận tải xe buýt trên địa bàn TP đang soạn thảo, chuẩn bị trình đơn kiến nghị nhanh chóng gỡ khó cho các DN. Cụ thể, theo ông Lèo, Trung tâm quản lý giao thông công cộng TP.HCM (TTQLGTCC) đã khoán sản lượng hành khách quá cao, khoán tăng thêm doanh thu bán vé để bù đắp phần thiếu hụt kinh phí trợ giá xe buýt. Trong khi đó, các khoản công nợ chậm thanh, quyết toán và đến nay TTQLGTCC vẫn chưa ký hợp đồng đặt hàng với các DN để phân bổ tiền trợ giá năm 2020. Khoản chi phí trợ giá phân bổ về cho DN những tháng qua chỉ là tạm ứng nhỏ giọt ở mức khoảng 50% của đơn giá năm 2019, nhưng cũng chưa quyết toán. Tình hình kinh doanh quá khó khăn, để cố cầm cự, Công ty CP vận tải TP đã phải vay tiền ngân hàng để trả lương cho nhân viên cũng như thanh toán tiền xe cộ, nhiên liệu…
Xe buýt là phương tiện giao thông công cộng phổ biến nhất trên thế giới. Xe buýt “chết” đồng nghĩa với giao thông công cộng “chết”
TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn giao thông và đô thị TP.HCM
Hầu hết DN xe buýt đều đang rơi vào tình trạng vô cùng khó khăn, nhiều đơn vị như HTX vận tải 19/5, HTX Quyết Thắng, Công ty cổ phần xe khách Sài Gòn… đều đang nợ ngân hàng khoản vay lớn, lên đến hàng chục tỉ đồng.
“Do khó khăn, nợ nhiều, một số đơn vị đã phải tạm dừng hoạt động, giảm chuyến. Nếu các cơ quan chức năng không giải quyết sớm, quan tâm và hỗ trợ thì chúng tôi chỉ có thể cố gắng cầm cự đến 15.8 tới là phải ngưng hoạt động”, ông Lèo nói.
Chiều cùng ngày, TTQLGTCC có văn bản gửi Trung tâm báo chí TP phản hồi các thông tin trên. Theo đơn vị này, ngày 7.7, TTQLGTCC đã có buổi làm việc với 12 DN đang hoạt động xe buýt có trợ giá trên địa bàn TP. Tại buổi làm việc, các DN vận tải khẳng định mặc dù gặp một số khó khăn về chi phí hoạt động nhưng các đơn vị vẫn nỗ lực, ổn định hoạt động xe buýt để phục vụ người dân, không có việc ngưng hoạt động từ ngày 15.8.
Chưa biết đến 15.8, các DN vận tải xe buýt tại TP.HCM sẽ ra sao nhưng thực tế, thời gian gần đây, TP đã phải chính thức tạm ngưng nhiều tuyến xe buýt do tình hình sản lượng đi xe buýt tụt dốc, DN thu không đủ bù chi. Mới nhất, từ 1.7, ba tuyến xe buýt gồm số 2, 11 và 144 đã ngừng khai thác. Đây đều là các tuyến xe có trợ giá lộ trình kết nối giữa nhiều đầu mối vận tải, khu chợ, trường học như Bến xe Miền Tây tới Bến Thành, Đầm Sen, Chợ Lớn… Tính từ năm 2018 đến nay, TP.HCM đã có tới 10 tuyến xe buýt có trợ giá ngưng hoạt động.
Xe buýt ngày càng “thất thế”
Mạng lưới xe buýt của TP.HCM đang hoạt động ngày càng teo tóp. ẢNH: NGỌC DƯƠNG
20 năm vòng luẩn quẩn trợ giá
Giám đốc một HTX xe buýt cho biết bất cập lớn nhất hiện nay là việc chậm trễ ký hợp đồng đặt hàng giữa TTQLGTCC và các HTX. Dù đã được UBND TP dự toán nguồn kinh phí trợ giá từ cuối năm trước nhưng thông thường, phải đến hết quý 2, có khi tới tháng 8 các bên mới triển khai xong công tác đặt hàng để được phân bổ tiền trợ giá. Như năm nay, TP hiện vẫn đang chờ thông qua mức bổ sung trợ giá cho xe buýt nên DN cũng phải đợi theo. “Chờ thêm ngày nào là DN khổ ngày ấy. Chi phí nhiên liệu, nhân viên, bến bãi, trả nợ ngân hàng… bủa vây từng ngày. Tại sao TP không ký trước hợp đồng, quyết toán trước cho chúng tôi dựa trên mức dự toán của TP, sau đó thiếu đến đâu, xin bổ sung thêm đến đó mà phải chờ đợi TP thông qua rồi mới giải quyết cho DN?”, vị này đặt vấn đề.
Gần 400.000 tỉ đồng cho giai đoạn 2021 – 2030
Sở GTVT TP vừa trình UBND TP dự thảo hồ sơ "Đề án phát triển vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) kết hợp với sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân". Theo đó, xe buýt vẫn giữ vai trò quan trọng cho đến khi các hệ thống VTHKCC khối lượng lớn như metro, monorail… hình thành theo quy hoạch (dự kiến sau năm 2030). TP sẽ tập trung ưu tiên phát triển đồng bộ hệ thống VTHKCC đảm bảo thị phần khu vực đô thị trung tâm đạt 15% nhu cầu đi lại vào năm 2025 và 25% nhu cầu đi lại vào năm 2030. Tổng kinh phí thực hiện đề án dự kiến là 393.792 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước là 47.644 tỉ đồng, ưu tiên cho phát triển VTHKCC tập trung thực hiện các nội dung như trợ giá, hỗ trợ lãi vay cho DN vận tải đầu tư phương tiện, hiện đại hóa hệ thống quản lý và điều hành giao thông thông minh…
PGS-TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học kỹ thuật môi trường – Ủy ban MTTQ VN TP.HCM, cho rằng: “Trợ giá xe buýt là vấn đề đã nổi lên từ cách đây 20 năm nhưng đến nay vẫn trong vòng luẩn quẩn. Vận hành những phương tiện công suất lớn, tiêu hao nhiên liệu lớn nhưng quá ít hành khách nên không DN nào có thể kham nổi, buộc phải nhờ đến sự hỗ trợ từ phía nhà nước. Thế nhưng tiền trợ giá suy cho cùng là tiền của dân, ngân sách muốn chi tiêu gì cũng phải cân nhắc, ưu tiên những dự án cấp bách, có tác động lớn hơn đến quyền lợi, lợi ích của người dân. Xe buýt thì không ai đi, trợ giá cho DN tất nhiên không quan trọng bằng, nên thời gian giải ngân cứ thế lùi lại, DN chờ “dài cổ”.
 

Cũng theo TS Ninh, TP.HCM nên bỏ hẳn trợ giá xe buýt. Chính sách trợ giá xe buýt chỉ phù hợp vào những năm 1970 – 1980, khi các HTX chủ yếu dựa vào nhà nước, cần hỗ trợ đầu tư phương tiện. Giờ hình thái kinh tế đã thay đổi, HTX vốn đến đâu thì làm đến đó, cứ kéo dài chính sách cũ này sẽ khiến các hợp tác xã ỷ lại, trông chờ, dòm vào “bát cơm chung” của xã hội.
Xe buýt ngày càng “thất thế”
Đồ họa: Đông Xuân
Mô hình “toàn không”
Thực tế, mức trợ giá đối với xe buýt tăng đều theo từng năm, tính đến 2018 đã tăng lên 1.000 tỉ đồng nhưng nghịch lý là khối lượng vận chuyển trên các tuyến buýt có trợ giá lại giảm đều.
Từ 2009, TP đã đặt mục tiêu đến năm 2020, vận tải hành khách công cộng đáp ứng khoảng 25 – 30% nhu cầu đi lại của người dân nhưng sau 10 năm chật vật, tỷ lệ này không những không tăng mà giảm xuống còn 4,3%.
Mới đây, Sở GTVT tiếp tục có văn bản gửi Sở Tài chính đề xuất điều chỉnh, bổ sung dự toán chi ngân sách trợ giá xe buýt năm 2020 lên hơn 1.300 tỉ đồng. Con số này tăng hơn 161 tỉ đồng so với dự toán được giao trong năm 2020.
TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn giao thông và đô thị TP.HCM, nhận định trợ giá hay không thì các HTX, DN vận tải xe buýt vẫn sẽ “chết”. Ông Nam lý giải mô hình vận tải xe buýt của TP hiện nay là "mô hình toàn không": Không có làn đường xe buýt; Không có hệ thống nhà ga, trung tâm trung chuyển xe buýt; Không có đội xe buýt chất lượng; Không có DN xe buýt chuyên nghiệp và người dân không có văn hóa, thói quen đi xe buýt. Vấn đề lớn nhất của mạng lưới xe buýt của TP hiện nay là hạ tầng và thị trường. Không có đường cho xe buýt chạy, không có hành khách để bán vé thì có trợ giá bao nhiêu, HTX và DN kinh doanh xe buýt hiện nay cũng vẫn “chết”. Chưa kể không thể phát triển giao thông công cộng với 1 mô hình lạc hậu như HTX. Đây chỉ là tập hợp các DN cá thể vừa và nhỏ, không đồng bộ được về phương tiện, khó đưa các yếu tố công nghệ vào quy trình quản lý, vận hành hiện đại…
“TP.HCM hiện đang quá tập trung phát triển hệ thống metro, phương thức vận tải công suất lớn và cần chú ý nếu mạng lưới xe buýt không hoàn thiện, metro ra đời cũng không thể hoạt động hiệu quả được. Xe buýt là phương tiện giao thông công cộng phổ biến nhất trên thế giới. Xe buýt “chết” đồng nghĩa với giao thông công cộng “chết”, TS Lương Hoài Nam nhấn mạnh.
TS Lương Hoài Nam hiến kế: TP nên lập đề án chi tiết phát triển mạnh xe buýt và các phương tiện vận tải hành khách công suất nhỏ, đồng bộ với việc phát triển hạ tầng phù hợp. Đặc biệt, cần nhanh chóng xây dựng hệ thống các nhà ga và trung tâm trung chuyển xe buýt, các làn đường dành riêng cho xe buýt sát vỉa hè bởi vì đây là các hạng mục hạ tầng quan trọng nhất mà thiếu chúng, xe buýt không thể hoạt động và phát triển hiệu quả. Song song, đồng bộ với các chính sách hạn chế xe cá nhân (xe con, xe máy), tiến tới loại bỏ xe máy trong nội thành sau 10 – 12 năm tới.
Theo Hà Mai/TNO

 

 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)