Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Xe buýt TP.HCM được trợ giá hàng ngàn tỉ, vì sao cứ èo uột?

Tạp Chí Giáo Dục

Đó là vấn đề được đặt lên bàn nghị sự của HĐND TP.HCM tại phiên chất vấn diễn ra sáng nay 6.12.

Sự tăng trưởng ngày càng lớn của phương tiện cá nhân, các phương tiện giao thông công cộng mà cụ thể là xe buýt rất khó thu hút. Ảnh: An Huy

Tại phiên thảo luận của HĐND TP.HCM vào ngày 5.12, nhiều đại biểu nêu lên vấn đề “ngàn tỉ ngân sách chi cho xe buýt nhưng không hiệu quả" tuy nhiên Giám đốc Sở GTVT trả lời còn quá chung chung.

Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm: Các thành phố khác trợ giá xe buýt nhiều thì sản lượng tăng theo tương ứng, còn ở TP.HCM thì không… Ảnh: Ngọc Dương

Do vậy, tại phiên chất vấn diễn ra sáng nay 6.12, đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm “muốn được chất vấn sâu hơn về trợ giá xe buýt”.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm, việc trợ giá xe buýt, thì các nước đều thực hiện và khi trợ giá thì sản lượng tăng. Tuy nhiên, TP.HCM thì ngược lại. 

“Vậy vấn đề nằm ở đâu? Mục đích trợ giá là để người dân thụ hưởng trực tiếp, vậy lâu nay việc quản lý, sử dụng trợ giá xe buýt liệu đã hợp lý chưa, có chặt chẽ và đúng đối tượng không? Việc rà soát lại luồng tuyến như thế nào?”, đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm đặt vấn đề, và cho rằng có tình trạng “nơi cần thì thiếu, nơi trợ giá nhiều thì sản lượng ít. Vì vậy, phải có giải pháp để sử dụng tiền trợ giá hiệu quả, không thất thoát ngân sách và đúng đối tượng người dân.

Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT trả lời : sản lượng hành khách không tăng nhưng trợ giá thì giảm trong các năm vừa qua và hiện nay tỷ lệ trợ giá là 40%. “Chúng tôi rất trăn trở và trong năm 2019 sẽ lượng hóa được vấn đề trợ giá”- ông Cường nói.

Theo ông Bùi Xuân Cường : Sở sẽ tập trung các giải pháp kéo giảm trợ giá và kiếm nguồn thu khác để bù đắp. Hiện hệ thống xe buýt của TP.HCM có 139 tuyến, trong đó trợ giá 101 tuyến, 38 tuyến không trợ giá.

Ông Bùi Xuân Cường: "Chúng tôi rất trăn trở và trong năm 2019 sẽ lượng hóa được vấn đề trợ giá”. Ảnh: Ngọc Dương

“Chúng tôi sẽ có thay đổi trong chính sách trợ giá để lượng hóa được sản lượng qua vé thông minh (thẻ từ lên xuống xe buýt và thu phí tự động), sắp tới sẽ thí điểm 6 tháng rồi đánh giá lại trước khi áp dụng đại trà. Cùng với đó là làm lại công thức tính trợ giá, tính bộ đơn giá định mức trợ giá xe buýt bằng tiền ngân sách…”, ông Bùi Xuân Cường thông tin.

Theo Trung tâm Vận tải hành khách công cộng TP.HCM, đặc thù đô thị TP.HCM nhiều hẻm, đường nhỏ; hiện có tới 46% đường khổ rộng dưới 7 m không đủ để tổ chức hoạt động xe buýt. Theo khảo sát, 85% người dân thành phố sống trong hẻm. Với đặc thù này, cộng với sự tăng trưởng ngày càng lớn của phương tiện cá nhân, các phương tiện giao thông cộng mà cụ thể là xe buýt rất khó thu hút.
Theo Đình Phú/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)