Một số tuyến xe buýt buộc phải tạm ngưng hoạt động, hoặc điều chỉnh cắt giảm lộ trình do vắng khách đang ảnh hưởng ít nhiều đến việc đi lại của người dân TP. Bên cạnh đó, tình trạng lâm vào cảnh nợ nần do giải ngân chậm cũng đang gây khó khăn cho hoạt động xe buýt của các hợp tác xã (HTX).
TP.HCM đầu tư 1.000 tỉ đồng trợ giá xe buýt năm 2018 nhằm thu hút người dân tham gia ngày càng nhiều hơn
Ngừng hoạt động do vắng khách
Tình trạng này xảy ra đối với hoạt động xe buýt trên địa bàn TP trong 3 tháng qua, điều đáng nói là tháng nào cũng có tuyến xe buýt bị tạm ngưng hoạt động. Cụ thể vào ngày 9-8, Sở GTVT TP.HCM đã ký quyết định tạm ngừng hoạt động tuyến xe buýt số 149 (do HTX Vận tải liên tỉnh và Du lịch Việt Thắng đảm nhận) theo đề xuất của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP. Nguyên nhân tuyến 149 (lộ trình Công viên 23-9, quận 1 – Tân Phú – Bến xe An Sương, quận 12) ngừng hoạt động là do vắng khách, thu không đủ bù chi. Trước khi đi đến quyết định này, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng đã nỗ lực “giải cứu” bằng cách điều chỉnh lộ trình, bỏ bớt trạm xe buýt ga Sài Gòn vì lượng khách đến địa điểm này rất thấp, để tránh tình trạng làm kéo dài thời gian di chuyển ảnh hưởng đến những hành khách khác. Tuy nhiên, biện pháp này không thể cải thiện được tình hình nên cuối cùng đành phải đi đến quyết định tạm ngưng hoạt động.
Cùng chung “cảnh ngộ” như tuyến 149, vào tháng 9, Sở GTVT đã cho tạm ngưng hoạt động tuyến xe buýt số 37 (cảng quận 4 – Nhơn Đức) do HTX Vận tải số 26 đảm nhận, và tuyến số 60 (Bến xe An Sương – Khu công nghiệp Lê Minh Xuân) của HTX Vận tải 19/5 phụ trách. Tương tự, vào trung tuần tháng 10, tuyến xe buýt số 40 (lộ trình Bến xe Miền Đông – Ngã tư Ga) của HTX Vận tải và dịch vụ Đông Nam cũng bị tạm ngừng do không đảm bảo chi phí để duy trì hoạt động. Chưa đến mức phải tạm ngưng như các tuyến xe buýt trên, nhưng tuyến số 11 với lộ trình Hàm Nghi – Thảo Điền – An Phú – An Khánh (quận 2) cũng đang trong tình trạng phải cân nhắc do lượng hành khách không ổn định, chưa mang lại hiệu quả khai thác tuyến.
Sau khi khảo sát lại tình hình thực tế, đơn vị phụ trách tuyến số 11 là Công ty cổ phần Xe khách Sài Gòn đã đề xuất Sở GTVT cho điều chỉnh hoạt động của tuyến buýt này bằng cách không đi qua quận 2, nhưng kết nối với bến xe buýt Công viên 23-9 để ổn định điểm đầu và cuối. Theo phương án này, tuyến xe buýt số 11 sẽ đổi tên thành tuyến Bến Thành – Đầm Sen với quãng đường hoạt động dài 8,8km.
Gặp khó vì chậm giải ngân
Từ 9,6% sản lượng hành khách tham gia vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt hiện nay, trong phương hướng hoạt động đến 2020, ngành GTVT TP.HCM phấn đấu đạt 15% nhu cầu đi lại của người dân TP. Theo kế hoạch này, TP dự kiến sẽ mở thêm khoảng 80 tuyến/năm, nhằm đạt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có khoảng 200-220 tuyến so với hiện nay. |
Theo ông Trần Chí Trung (Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP), việc tạm ngưng hoạt động của các tuyến xe buýt là trường hợp bất khả kháng trước nỗ lực đầu tư trợ giá cho xe buýt lên đến 1.000 tỉ đồng/năm của chính quyền TP. Rõ ràng chính sách trợ giá nhằm hạ giá vé để khuyến khích người dân tham gia loại hình phương tiện vận tải hành khách công cộng xe buýt, nhưng thực tế hiệu quả chưa đạt được như kỳ vọng của cơ quan chức năng. Tình trạng này trước mắt sẽ làm ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của người dân, tuy nhiên những người có nhu cầu đi lại bằng xe buýt vẫn có thể sử dụng một số tuyến thay thế cho dù không được thuận tiện bằng các tuyến đã ngừng hoạt động.
Bên cạnh tình trạng vắng khách khiến HTX bỏ tuyến, vấn đề giải ngân trợ giá chậm cũng gây khó khăn cho hoạt động của các HTX vận tải. Trong đó, trường hợp của HTX Vận tải số 28 là một ví dụ. Được biết đơn vị này tăng cường đầu tư xe buýt sử dụng khí nén thiên nhiên (CNG) thân thiện với môi trường, nhưng do thiếu kinh phí hoạt động nên đang nợ Công ty cổ phần Kinh doanh khí miền Nam gần 700 triệu đồng chi phí nhiên liệu. Trong trường hợp không thanh toán nợ kịp, công ty sẽ tạm ngưng cung cấp nhiên liệu cho đơn vị này. Đang trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan, HTX Vận tải số 2 vừa được Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP tạm ứng kinh phí hoạt động của tháng 10 để thanh toán số nợ nói trên.
Được biết, trong 1.000 tỉ đồng trợ giá xe buýt năm 2018, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng mới giải ngân được 447 tỉ đồng. Trong văn bản kiến nghị khẩn cấp gửi đến chính quyền TP và cơ quan chức năng, các HTX xe buýt đề xuất tăng mức tạm ứng tiền trợ giá lên 80% để các đơn vị có thêm chi phí hoạt động. Bên cạnh đề xuất tăng tiền tạm ứng, các đơn vị vận tải cũng đề nghị Sở GTVT TP “du di” (không xử phạt) những HTX không đủ kinh phí hoạt động hoặc phải tạm ngưng. Thậm chí nếu kiến nghị không được giải quyết sớm, các HTX khó có khả năng hoạt động ổn định kể từ thời điểm sau ngày 15-10 do tình trạng nợ nần quá nhiều. Giải đáp khúc mắc này, ông Trần Chí Trung cho biết, tình trạng khó khăn trên sẽ được giải quyết, vì khoản tiền trợ giá cho xe buýt hoạt động năm nay vừa chính thức được trung tâm ký kết với các đơn vị, HTX vận tải để thanh toán khối lượng vận chuyển hành khách công cộng có trợ giá từ đầu năm tới nay.
Đinh Vũ
Bình luận (0)