Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Xe buýt TP. Hồ Chí Minh: Đổi mới nhưng chưa hiệu quả

Tạp Chí Giáo Dục

Năm 2010, TP.HCM đã triển khai hàng loạt chương trình đổi mới về quản lý và kỹ thuật để đưa xe buýt trở nên văn minh, thân thiện hơn với hành khách và môi trường. Các chương trình này thực sự là những cuộc cải tổ hình ảnh xe buýt. Tuy nhiên trên thực tế, các phương thức mới này không mang lại hiệu quả như mong đợi.

Chất lượng dịch vụ… đi xuống
Năm 2009, lượng hành khách đi xe buýt đã giảm hơn 62 ngàn lượt/ngày, chỉ còn bình quân 937,6 ngàn lượt khách/ngày. Qua năm 2010, số lượng hành khách đi xe buýt đã tăng lên hơn 1 triệu lượt khách/ngày. Tổng số khách đi xe buýt hằng ngày tăng mạnh lẽ ra là tín hiệu đáng mừng.

Tuy nhiên, mức tăng này chủ yếu dựa vào việc cho mở thêm một loạt các tuyến xe buýt liên tỉnh, tuyến vành đai. Số tuyến xe buýt có trợ giá không giảm được, nhưng lượng khách đi trên các tuyến xe buýt cũ tiếp tục giảm, số chuyến bình quân còn 18.085 chuyến/ngày, giảm 1,8% so với năm 2009.
Trước đó, việc triển khai thí điểm trang thiết bị giám sát hành trình (GPS) trên 3 tuyến xe buýt, thí điểm thùng bán vé tự động trên 6 tuyến buýt, sử dụng thẻ thông minh (Smart card) trên 2 tuyến xe buýt… vẫn còn gặp nhiều khó khăn gây phiền toái cho khách hàng cũng như tài xế. Thẻ thông minh đến nay chỉ có 100 người sử dụng.
Theo Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng (TTQLĐH VTHKCC) TP.HCM, một trong những nguyên nhân hành khách chưa hài lòng với chất lượng của xe buýt là do tài xế phóng nhanh, vượt ẩu (có tới 45%), nhiều ý kiến phản ánh về thái độ phục vụ của tiếp viên, tài xế (chiếm 37%) và 10% phân biệt đối xử với hành khách…
Qua tìm hiểu của chúng tôi, một nguyên nhân khiến hành khách lo lắng đó là trên nhiều xe buýt xuất hiện thông báo “Hành khách đi xe cảnh giác với móc túi” dán ngay cạnh cửa lên xuống.
Nạn trộm cắp hoành hành trên những tuyến xe buýt đông người tới mức báo động nên tháng 8/2010, TTĐH VTHKCC đã phải có văn bản gửi Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội đề nghị hỗ trợ điều tra, truy bắt đối tượng móc túi. Cho tới nay đã có trên 30 đối tượng trộm cắp trên xe buýt bị lực lượng công an bắt giữ.
Không những thế, năm nay nhiều doanh nghiệp xe buýt lâm vào cảnh thua lỗ và không có chi phí để nâng cấp phương tiện, dịch vụ để thu hút hành khách khiến xe buýt ngày càng nhếch nhác và trở nên thiếu thiện cảm trong mắt người dân.
Còn nhiều thách thức
Hiện nay và cả về lâu dài xe buýt vẫn sẽ là công cụ cơ bản để TP.HCM thực hiện mục tiêu vận tải công cộng đáp ứng phần lớn nhu cầu đi lại của người dân. Việc bùng nổ phương tiện này dẫn đến sự lạc hậu của quy hoạch cũ, do đó phải có kế hoạch tổ chức lại mạng lưới luồng tuyến một cách khoa học hơn mới hy vọng sẽ cải thiện được hoạt động xe buýt như tình trạng hiện nay.
Mặt khác, mô hình quản lý xe buýt của thành phố còn nhiều bất cập, trong đó mô hình hợp tác xã xe buýt tỏ ra không còn phù hợp với hiện tại nữa cần được tổ chức lại. Dịch vụ trên các tuyến cấp 1 và cấp 2 nên do khoảng 3 – 4 đơn vị có quy mô lớn và có khả năng quản lý điều hành tập trung cung ứng. Dịch vụ trên các tuyến cấp 3 có thể do các đơn vị có quy mô nhỏ hơn cung ứng…
Việc trợ giá xe buýt cũng đang là một vấn đề “đau đầu” đối với Sở GTVT TP. Muốn giảm mức trợ giá, điều đầu tiên phải làm là tăng lượng hành khách. Điều đó liên quan đến chất lượng phục vụ của xe buýt song cũng liên quan đến các điều kiện vận hành của xe buýt. Nếu xe buýt tiếp tục bị xe cá nhân lấn át như hiện nay, hành trình không đảm bảo sẽ rất khó thu hút hành khách.

Theo ông Lê Hải Phong – Giám đốc TTQL ĐHVTHKCC: “Một trong những kế hoạch để hệ thống xe buýt phát triển tốt hơn trong năm 2011 là kịp thời điều chỉnh lộ trình hoạt động của các tuyến xe buýt do ảnh hưởng phân luồng giao thông phục vụ thi công, cũng như điều chỉnh biểu đồ chạy xe của của các tuyến xe buýt hoặc tăng/giảm chuyến theo cho phù hợp nhu cầu từng ngày trong tuần, từng mùa trong năm để thu hút hành khách”.
Ông Phong cũng cho biết thêm: Trung tâm sẽ tăng cường kiểm tra về vé và thái độ phục vụ hành khách nhằm nâng cao chất lượng thu hút hành khách sử dụng phương tiện xe buýt, hoàn thành chỉ tiêu sản lượng năm 2011. Ngoài ra, Trung tâm tiếp tục phối hợp với lực lượng công an kiểm tra và ngăn chặn tình trạng mất an ninh trật tự trên các tuyến xe buýt, chú trọng việc quay phim các lỗi vi phạm của tài xế về ATGT xe buýt”.
Trong gần 8 năm phục hồi và phát triển hệ thống xe buýt (từ 2002), đến nay hoạt động vận tải hành khách công cộng TP.HCM đã đáp ứng được gần 8% nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, trước mục tiêu phát triển của xe buýt là đến năm 2015 sẽ đáp ứng 12% nhu cầu đi lại của người dân thành phố thì đây sẽ là một thách thức không nhỏ.
Đỗ Loan / Giao thông vận tải


Bình luận (0)