Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Xe chất lượng cao: Xem nhẹ tính mạng khách

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Dù hạ tầng giao thông tốt phương tiện chất lượng cao mà ý thức lái xe kém cũng dễ dẫn tới tai nạn nghiêm trọng
Trong những tháng đầu năm, hàng loạt trường hợp tài xế của các hãng xe chất lượng cao gây TNGT khiến hành khách không khỏi e dè…
Thả nổi những “hung thần”
Năm 2013 xảy ra hàng loạt những vụ TNGT nghiêm trọng liên quan tới hãng xe chất lượng cao Mai Linh. Đỉnh điểm là ngày 9-6-2013, xe khách giường nằm Mai Linh chạy tuyến Buôn Mê Thuột – Đà Nẵng trên quốc lộ 1A (đoạn qua Quảng Nam) gây tai nạn văng xuống vực khiến 3 người chết và hơn 30 người bị thương. Sau vụ tai nạn nghiêm trọng đó, lập tức hành khách giảm hẳn độ tin cậy với xe khách Mai Linh và chuyển sang sử dụng xe Phương Trang. “Chuyện cũ lặp lại hãng mới”, trong 4 tháng đầu năm nay, hàng loạt các trường hợp tài xế xe Phương Trang lại liên tục gây TNGT.
Trong năm 2013 và 4 tháng của năm 2014, theo ghi nhận của chúng tôi, xe khách Phương Trang đã có tới 5 vụ tai nạn nghiêm trọng, chưa kể các vụ va chạm, rượt đuổi với hãng xe khác dẫn tới tai nạn. “Mở màn” cho 5 vụ TNGT của hãng Phương Trang là vào ngày 7-4-2013, trên đoạn đường cao tốc Liên Khương – Đà Lạt thuộc địa bàn huyện Đức Trọng (Lâm Đồng), xe khách Phương Trang bất ngờ mất lái, leo lên dải phân cách giữa hai làn đường, tông vào cột điện rồi lật nhào. Vụ tai nạn không có người chết nhưng 13 hành khách trên xe đều bị đa chấn thương. Nguyên nhân vụ tai nạn được xác định là do tài xế điều khiển xe với tốc độ cao, tới khúc cua lại gặp bùn trơn nên mất lái. Rồi vì giành làn đường mà xe khách Phương Trang chạy tuyến Cà Mau – Sài Gòn đã đâm vào xe gắn máy của ông Huỳnh Văn Khâm (65 tuổi), gây tử vong vợ ông ngồi phía sau. Hay trường hợp của nạn nhân Nguyễn Thị Thanh Yến (SN 1994) bị cán chết khi chạy cùng chiều với xe khách Phương Trang trên đường Hồng Bàng (đoạn dưới chân cầu vòng xoay Cây Gõ) vào ngày 7-1-2014. Nguyên nhân vụ tai nạn được xác định là do xe khách chạy ẩu đã kéo lê xe gắn máy rồi cán ngang người khiến nạn nhân chết tại chỗ. Tương tự vào năm ngoái, xe khách Phương Trang với 43 hành khách cũng đã đâm trực diện vào xe tải khi xuống cầu Mỹ Thuận (hướng về Vĩnh Long) khiến nhiều người bị thương nặng.
Ngoài ra, những trường hợp gây tai nạn nghiêm trọng của xe khách chất lượng cao khác như xe khách Thành Lan (Hà Nội) cán chết 1 thanh niên rồi sau đó đâm vào đuôi container làm nhiều người chết vào ngày 12-4. Hay vụ tai nạn trên quốc lộ 14 của xe giường nằm chất lượng cao Minh Quốc (Kon Tum) đấu đầu với xe 4 chỗ, lật nghiêng xuống đường trên tuyến TP.Pleiku – Gia Lai. Rồi các trường hợp xe Quốc Hoàng, Phú Vĩnh Long chạy nhanh, vượt ẩu làm cho người dân không khỏi hoang mang khi đã làm hành khách của những chuyến xe “hung thần” này.
Trách nhiệm người cầm lái
Mặc dù có đầu tư quản lý an toàn, nhưng vì sao vẫn có tai nạn xảy ra? Nguyên nhân chính của những vụ tai nạn thảm khốc đều do sự chủ quan của tài xế: Vi phạm tốc độ, tranh giành khách, vượt ẩu, lấn làn, chạy cho đủ chỉ tiêu, rượt đuổi nhau, không sử dụng đúng đèn chiếu xa trong đêm…
Ông Lê Gia Hưng, Trưởng phòng Dự án 2, Ban quản lý dự án ATGT đã nêu lên thực trạng là “Cả tài xế và doanh nghiệp xe đều ý thức kém thì xảy ra tai nạn là tất yếu”. Hằng năm, các cơ quan quản lý Nhà nước đều vào cuộc, thực hiện các chiến dịch tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho đội ngũ lái phụ xe, doanh nghiệp về đạo đức nghề nghiệp, song các vụ tai nạn vẫn liên tiếp xảy ra. Trên thực tế, dù hạ tầng có tốt, phương tiện chất lượng cao mà ý thức lái xe kém, cố tình phóng nhanh, vượt ẩu, uống rượu bia, ngủ gật… không làm chủ được tay lái thì tai nạn là chuyện tích tắc. Hoặc những chuyến xe đường dài nhưng chỉ bố trí có một lái xe thì dĩ nhiên việc ngủ gật là không tránh khỏi. Bà Lê Ngọc Châu (quận Bình Tân) ý kiến: “Nên bố trí hai người lái cho những hành trình xa. Bởi người này mệt mỏi sẽ có người khác thay thế liền, giảm tải áp lực cho nhau thì việc an toàn của xe đường dài sẽ được đảm bảo”.
Bài, ảnh: Lộc Sâm
Luật Giao thông có quy định lái xe không được làm việc quá 4 giờ liên tục và không được làm việc quá 10 giờ mỗi ngày. Song trên thực tế, lái xe làm việc quá thời gian là không ít. 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)