Nhiều chuyên gia đặt nghi vấn nguyên nhân cháy xe là do xăng dầu kém chất lượng, còn ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng SP hàng hóa khẳng định không có chuyện này.
Sáng 25/4, buổi hội thảo "loại bỏ xăng lẫn tạp chất vì sự an toàn động cơ" diễn ra đã thu hút nhiều nhà khoa học, quản lý thuộc lĩnh vực xăng dầu. Mở đầu, PGS.TS. Hoàng Mạnh Hùng, Giám đốc trung tâm tư vấn, giám định dân sự (VUSTA) nhấn mạnh: "Những người làm ra xăng rởm là người có kiến thức chuyên môn vững, họ đang cố tạo ra những bất an xã hội, đe dọa lợi ích người tiêu dùng".
Cũng theo ông, xăng được pha dầu hỏa hoặc các hỗn hợp chất tương tự sẽ dẫn đến máy nóng, hiệu suất động cơ kém, chất thải khói đen nhiều, gây ô nhiễm môi trường và hơi dầu không cháy hết, rò rỉ ra ngoài gây ra hiện tượng cháy xe.
PGS.TS. Hoàng Mạnh Hùng, Giám đốc trung tâm tư vấn, giám định dân sự (VUSTA). Ảnh: L.H.
|
Giải thích việc tại sao các "chuyên gia" làm xăng rởm vẫn có thể qua mặt các đoàn kiểm tra, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: "Khi các đoàn kiểm tra đi lấy mẫu khi đo chỉ số RON, thì họ cho thêm xăng vào một số chất oxygenat chẳng hạn MTBE để nâng chỉ số octan tăng, vì vậy rất khó phát hiện".
Còn nếu cho thêm methanol vào xăng với hàm lượng cao sẽ dễ dàng tạo nên hỗn hợp cháy nổ, khi hỗn hơp này nằm trong giới hạn nổ cháy oxy trong không khí, gặp nhiệt độ cao sẽ gây ra cháy, khi bình xăng còn nhiêu liệu lửa bén vào sẽ gây nổ nguy hiểm đến tính mạng. Đối với dầu DO, việc pha chế dầu tái sinh chế biến sẽ ảnh hưởng đến độ nhớt của dầu, không chỉ gây ra những hư hại cho nguyên liệu liên quan đến đông cơ, mà còn phát sinh hỗn hợp phát tán hơi dễ hàng gây ra hiện tượng cháy nổ xe, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
TS Đinh Ngọc Ân, Trưởng khoa cơ khí động lực, công nghệ ô tô, ĐH Sư Phạm kỹ thuật Hưng Yên . Ảnh: L.H.
|
TS Đinh Ngọc Ân, Trưởng khoa cơ khí động lực, công nghệ ô tô, ĐH Sư Phạm kỹ thuật Hưng Yên quả quyết: "Xăng có vấn đề, nhưng chỉ là nguyên nhân gián tiếp, vì nếu xăng bị pha thêm các chất phụ gia quá mức, gây giãn nở và làm hỏng các ống cao su, các doăng cao su, từ đó rò rỉ xăng, đặc biệt với các xe phun xăng, dễ gây cháy nổ".
Cũng theo ông, do tác phong thợ sửa xe làm ẩu, thay ống xăng rởm, xe ít được bảo dưỡng… cũng làm ảnh hưởng tới tuổi thọ của động cơ. Còn xét ở góc độ nhiên liệu thì chất phụ gia trong xăng nói riêng và trong nhiên liệu nói chung có ảnh hưởng rất lớn đến tuổi thọ động cơ đặc biệt và những chất tạo ra axit.
PGS.TS Lê Văn Hiếu, Viện Khoa học kỹ thuật, ĐH Bách Khoa Hà Nội cũng đồng tình khi cho rằng các hợp chất độc hại trong xăng bao gồm chì, benzen, các hợp chất phi RH như lưu huỳnh, các phụ gia cồn, MTBE, axeton và chất vô cơ như nước, tạp chất cơ học cũng dễ gây cháy nổ.
Ông Nguyễn Quang Kiên, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam. Ảnh: L.H.
|
Ông Nguyễn Quang Kiên, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cho biết: "Một số cây xăng bẩn là do gian lận thương mại, yêu cầu phải đóng cửa những cửa hàng đó luôn chứ không phải phạt tiền như hiện nay". Ông Kiên khẳng định, chưa ai kết luận xăng là nguyên nhân gây ra cháy nổ xe mà chủ yếu do xe không đảm bảo chất lượng.
Hiện tại, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam nhập nhiều hệ thống đo chỉ số chất lượng nhập từ Mỹ nên chất lượng luôn được đảm bảo. Nói đến việc xăng pha nước, ông Kiên quả quyết: "Ai pha được một chai nước 330 mm vào một tấn xăng tôi sẽ thưởng cho người đó". Ông cho rằng, nước có trong xăng phụ thuộc vào nguồn gốc của xăng và có trong quá trình chưng cất.
Nói về trách nhiệm của tổng đại lý xăng dầu, ông cho biết, sau khi tổng đại lý ký hợp đồng cho tư nhân họ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn mẫu xăng giao cho nơi đó, tuy nhiên tư nhân sau đó mở ra nhiều công ty nhỏ, nên quản lý mẫu xăng và chất lượng không đơn giản. Hiện tại có 13.000 cửa hàng nhưng chỉ có 3.000 của Nhà nước, còn 10.000 của tư nhân, ông Kiên giãi bầy.
Ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa. Ảnh: L.H.
|
Còn theo ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, cục thường xuyên kiểm tra các ô xăng dầu và cửa hàng không đạt chất lượng của Bộ đề ra. Tính từ đầu năm 2012 chưa phát hiện lô xăng dầu nào vi phạm.
Ông cũng khẳng định: "Xe cháy nổ không phải do xăng dầu, vì chưa có kết luận cuối cùng của cơ quan công an điều tra, thậm chí có những cây xăng kém chất lượng như cây xăng trên Mai Dịch, nhưng sau đó cũng không có ai đến kêu lên mình mua xăng ở nơi đó bị cháy xe".
Lê Hiếu
Theo infonet
Bình luận (0)