Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Xe điện lập kỷ lục chạy 1.000km sau một lần sạc

Tạp Chí Giáo Dục

Xe điện mặt trời Sunswift 7 vượt qua quãng đường 1.000km trong chưa đầy 12 giờ, đạt tốc độ trung bình gần 85km/h.
Trong thử nghiệm mới, ôtô năng lượng mặt trời Sunswift 7 của Đại học New South Wales Sydney (UNSW) đi được 1.000km trong vòng chưa đầy 12 giờ chỉ sau một lần sạc, New Atlas hôm 19/12 đưa tin. Sự kiện diễn ra tại đường thử nghiệm Highway Circuit tại Trung tâm Nghiên cứu Ôtô Australia, với Sunswift 7 hoàn thành 240 vòng chạy.
 Xe điện Sunswift 7 lăn bánh trên đường.
Xe điện Sunswift 7 lăn bánh trên đường.
Các kỹ sư tại UNSW bắt đầu chế tạo ôtô năng lượng mặt trời từ năm 1996 và trong những năm gần đây, họ lập nhiều kỷ lục tốc độ với xe điện. Sunswift 7 là ôtô năng lượng mặt trời mới nhất của UNSW và chỉ nặng 500kg, bằng khoảng 1/4 trọng lượng của một chiếc Tesla.
Để làm nhẹ xe, nhóm kỹ sư phải loại bỏ hệ thống điều hòa không khí, phanh ABS, túi khí, cần gạt nước kính chắn gió và nhiều tính năng khác. Thay vào đó, họ tập trung vào hiệu quả khí động học và ma sát lăn. Trong khi Tesla Model S có hệ số cản là 0,208, Sunswift 7 có hệ số cản chỉ 0,095.
Nhóm kỹ sư dành hai năm để phát triển Sunswift 7 với mục tiêu lập kỷ lục Guinness thế giới, cụ thể là ôtô điện mặt trời nhanh nhất chạy trên 1.000km trong một lần sạc. Tuy nhiên, không phải mọi việc đều suôn sẻ. Để hoàn thành thử nghiệm mới, họ phải khắc phục sự cố pin và lốp thủng. Việc thay người lái cũng diễn ra vài tiếng một lần. Kết quả, chiếc xe hoàn thành quãng đường 1.000km trong 11 giờ 53 phút 32 giây với tốc độ trung bình gần 85km/h. Nhóm kỹ sư đang chờ xác nhận chính thức về thời gian và dữ liệu đo từ xa của xe để lấy được Chứng nhận Kỷ lục Guinness Thế giới.
"Trong hành trình kỷ lục, mức tiêu thụ năng lượng là 3,8 kWh/100 km, trong khi những chiếc xe điện hiệu quả nhất trên đường hiện nay cũng chỉ đạt mức 15 kWh/100 km và mức trung bình là khoảng 20 kWh/100 km", giáo sư Richard Hopkins, trưởng nhóm kỹ sư, cho biết.
"Sunswift 7 không phải mẫu xe có thể sản xuất hàng loạt trong tương lai, vì chúng tôi đã đánh đổi sự thoải mái tiện nghi và chi phí cũng rất cao. Nhưng chúng tôi đã chứng minh rằng việc chế tạo những chiếc ôtô hiệu quả, bền vững và thân thiện với môi trường hơn là khả thi", Hopkins nói thêm.
HT (theo khoahoc.tv)

Bình luận (0)