Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Xe điện, xe đạp điện : Thấy tiện thì mua (!)

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Người dân đang phân vân khi chọn mua xe đạp điện. Ảnh: THÀNH TÂMSau khi giá xăng tăng, thị trường xe điện, xe đạp điện (XĐĐ) tại TPHCM nhộn nhịp hẳn. Hầu hết doanh nghiệp, cửa hàng buôn bán xe gắn máy chuyển sang buôn bán thêm XĐĐ. Lượng xe bán ra đã tăng khoảng 35%. Điều đáng lo là XĐĐ đã xuất hiện khá nhiều trên đường phố nhưng đến nay các ngành chức năng chỉ mới bàn quy chế kiểm tra chất lượng loại hàng hóa này.

Bỏ ngỏ chất lượng

Phố XĐĐ Võ Thị Sáu (quận 3), An Dương Vương (quận 5), Phan Đăng Lưu (quận Phú Nhuận)… trong những ngày qua tấp nập người mua. Chủ các cửa hàng bán XĐĐ trên đường An Dương Vương cho biết, lượng xe bán ra đã tăng khoảng 35%, riêng Trung tâm Điện máy Chợ Lớn tăng gần 50% so với thời điểm trước khi giá xăng tăng. Theo Công ty TNHH Asama VN (lắp ráp XĐĐ hiệu Asama), do lượng linh kiện nhập khẩu về không kịp nên công ty lắp ráp khoảng 300 xe/ngày, không đủ cung cấp cho các cửa hàng. Rất nhiều doanh nghiệp lắp ráp buôn bán xe gắn máy đã chuyển sang nhập khẩu linh kiện XĐĐ. Như vậy, nhu cầu về loại sản phẩm này thật sự đang “sốt”.

Hiện người dân có tâm lý chung là dùng xe điện, XĐĐ vì không cần bằng lái, không đăng ký biển số cũng chẳng cần đội và giữ nón bảo hiểm… Hơn nữa, chi phí mua một XĐĐ cũng tương đối nhẹ, khoảng 2,5 – 15 triệu đồng/xe nhưng phổ biến ở mức 5 – 7 triệu đồng/xe.

Tuy nhiên, việc kiểm tra chất lượng xe điện, XĐĐ vẫn còn bỏ ngỏ. Nhiều khách hàng không ngại ngần bày tỏ: Thấy tiện thì mua, giống như thời xe gắn máy Trung Quốc giá rẻ. Chất lượng từ từ tính sau. Anh Võ Văn Tùng (quận Tân Bình) cho biết, anh mua một XĐĐ Trung Quốc ở cửa hàng trên đường Trường Chinh.

Vừa hết thời gian bảo hành 3 tháng thì xe bị trục trặc liên tục. Chạy khoảng 1 – 2 km hết bình. Sạc không vô điện, thay bình mới tốn 500.000 đồng nhưng phải chờ gần 2 tuần mới có hàng. Chị Kim Nhạn (quận Bình Tân) mua một XĐĐ hiệu Asama. Trong đợt nước ngập ngày 1-8, bình điện (ắc-quy) bị cháy, xe không chạy được. Chị tốn hơn 1 triệu đồng thay bình mới. Nhiều khách hàng nhận xét rằng XĐĐ có nhiều ưu điểm, giá cả tương đối hợp lý nhưng để mua một chiếc xe chất lượng tốt, ổn định cũng không hề dễ chút nào.

Hiện nay vẫn chưa có tiêu chuẩn cụ thể để thẩm định chất lượng XĐĐ, xe máy điện đang tiêu thụ trên thị trường. Do đó, cùng một kiểu xe có mẫu mã, sử dụng cùng loại phụ tùng lắp ráp, nhưng giá bán ở các cửa hàng không giống nhau. Có trường hợp, buôn bán cạnh tranh không lành mạnh, một số chủ cửa hàng thay bình ắc-quy mới trong xe bằng bình ắc-quy dỏm để giảm giá thành, lừa đảo người tiêu dùng. Theo các nhân viên lắp ráp, sửa chữa XĐĐ ở các cửa hàng, những bộ phận khác cũng hay hư như mạch điều khiển sạc, bình ắc-quy…

Trách nhiệm của ai?

“Việc kiểm tra chất lượng XĐĐ dựa trên cơ sở nào?”, ông Trịnh Minh Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng TPHCM, cho rằng, đây là sản phẩm mới, doanh nghiệp phải có trách nhiệm quản lý chất lượng sản phẩm bán ra thị trường. Nhưng việc kiểm tra loại hàng hóa này theo luật là thuộc trách nhiệm của Bộ GTVT. Ông khuyến cáo, các doanh nghiệp kinh doanh loại hàng này phải công bố thông số an toàn cho khách hàng như nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa. Người tiêu dùng nên mua hàng có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng để có thể khiếu nại khi xảy ra sự cố. Ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TPHCM, cho biết, thị trường XĐĐ đang “nóng” vì vậy sở sẽ họp bàn cùng các ngành liên quan để thống nhất trách nhiệm quản lý cũng như việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng trên thị trường.

Hiện nay, trên thị trường các loại XĐĐ (hay xe gắn động cơ điện) từ Trung Quốc và một số thị trường khác đang nhập khẩu ào ạt vào VN. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có một thông tin chính thức nào để hướng dẫn người tiêu dùng, đặc biệt là những khuyến cáo liên quan đến vấn đề an toàn khi sử dụng loại sản phẩm này. Nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh XĐĐ cho rằng, trên thị trường hiện có quá nhiều nhãn hiệu XĐĐ nên cần có quy định để kiểm soát chất lượng, giá cả để người tiêu dùng không bị “làm giá”, nhằm ổn định thị trường. Đó cũng là biện pháp để tránh việc cạnh tranh không lành mạnh, chụp giựt của một số doanh nghiệp, đồng thời bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng, uy tín. 

QUỐC HÙNG (theo SGGPO)

Bình luận (0)