Núp bóng dưới dạng xe hợp đồng, xe du lịch, nhiều “xe dù” vẫn chạy và đón khách ở các tuyến cố định một cách bình thường mà không phải vào bến. Kéo theo đó, nhiều bến xe lậu cũng hình thành, hoạt động dưới dạng bãi đỗ xe.
“Xe dù” bắt khách ngay trên quốc lộ 1 đoạn giáp ranh giữa TP.HCM và Bình Dương. Ảnh: I.T |
Nhan nhản “xe dù”
Theo Vụ Vận tải (Bộ GTVT), dựa trên báo cáo các sở GTVT, kết quả xử lý vi phạm đối với đơn vị vận tải, lái xe khách của 44 địa phương trong năm qua lên đến 5.624 trường hợp, tổng số tiền xử phạt hơn 8 tỷ 364 triệu đồng. Các loại “xe dù” thường sử dụng hợp đồng vận chuyển khách đã được doanh nghiệp, hợp tác xã ký khống trước khi vận chuyển. Khi lực lượng chức năng kiểm tra, lái xe mới điền đầy đủ thông tin trong hợp đồng để hợp thức hóa việc vận chuyển khách trên hành trình. Nhiều doanh nghiệp vận tải có thương hiệu trên địa bàn tỉnh cũng sử dụng phù hiệu xe hợp đồng để chạy trá hình tuyến cố định, không vào bến hoạt động.
Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải cho biết: “Mặc dù các ban, ngành chức năng địa phương đã có nhiều biện pháp kiểm tra, xử lý nhưng kết quả đạt được còn khiêm tốn. Tình trạng “xe dù” đóng tuyến cố định vẫn diễn biến phức tạp. Có những doanh nghiệp vận tải đã lợi dụng văn phòng đại diện, phòng bán vé, đại lý bán vé để làm các điểm đón, trả khách gây mất trật tự cho hoạt động vận tải khác. Mặt khác, có những xe đăng ký chạy tuyến cố định, nhưng chỉ vào bến xe ký lệnh vận chuyển tài đầu, khi chạy quay đầu tài 2 thì không vào bến ký lệnh vận chuyển mà chạy theo hợp đồng”.
Theo ông Trần Bảo Ngọc, những xe dù chạy tuyến cố định thường không có hợp đồng vận chuyển theo quy định, chở người không có tên trong danh sách hành khách. Nếu có hợp đồng thuê phương tiện và danh sách hành khách chỉ là hình thức để đối phó lực lượng chức năng. Sử dụng xe không có đăng ký phù hiệu, hoặc lấy phù hiệu hợp đồng của xe khác để hoạt động, sử dụng phù hiệu giả.
Tại TP.HCM, “xe dù” tồn tại trên 30 năm nay, ngày càng mở rộng, diễn biến phức tạp. Trong năm 2015, thực trạng này tăng 25% so với năm 2014. Theo ông Thượng Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Bến xe Miền Đông, hiện khu vực Bến xe Miền Đông có khoảng 50 tụ điểm đón trả khách của các “xe dù” núp bóng danh nghĩa là xe hợp đồng, du lịch và chuyên chở khách tuyến cố định. Mỗi ngày khoảng 400 chuyến với 10 ngàn khách. Còn theo Công ty CP Xe khách Phương Trang (Futa Bus Lines), các loại xe này thường vào các bến xe lậu trong nội thành, trốn không vào bến xe liên tỉnh. Bến lậu hoạt động dưới dạng bãi đỗ xe, bên trong thường tổ chức đón, trả khách. Thậm chí một số bến lậu còn xây dựng phòng chờ, phòng vé, đặt chỗ… Riêng hoạt động bán vé lẻ cho khách có thể thông qua tổng đài đặt vé, phần mềm đặt chỗ, bán vé trực tuyến qua mạng.
Thiệt hại hàng trăm tỷ đồng mỗi năm
Không vào bến hoạt động đúng quy định có thể giúp các “xe dù” né được khoản phí dịch vụ, thuế VAT, thuế thu nhập cá nhân… và thu lợi nhuận cao. Ông Thượng Thanh Hải cho rằng, mỗi năm ngân sách thuế Nhà nước thất thoát hàng trăm tỷ đồng trước thực trạng hoạt động của “xe dù”. Hình thức kinh doanh này còn tạo sự cạnh tranh không lành mạnh, gây bất bình đẳng trong kinh doanh vận tải và gây ra nhiều hệ lụy xấu.
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội An toàn giao thông Việt Nam, “xe dù” hoạt động sẽ khiến lòng đường, vỉa hè trong đô thị bị chiếm dụng làm nơi đón, trả khách gây mất trật tự ATGT. Các điều kiện về ATGT của phương tiện và người lái cũng bị bỏ qua, nên khi có sự cố hay tai nạn xảy ra thì hành khách là người chịu thiệt hại nhiều nhất.
Minh chứng cho lời ông Quyền đó là trong quá trình kiểm tra của các thanh tra sở, nhiều xe chở quá số người quy định, tự ý tháo ghế trên xe, thu giá cước không đúng quy định, thiếu dụng cụ thoát hiểm, chở hàng trên khoang chở khách, đón trả khách không đúng nơi…
Trước thực trạng trên, phía Công ty CP Xe khách Phương Trang (Futa Bus Lines) kiến nghị, đối với địa bàn TP.HCM, Sở GTVT TP.HCM nên rà soát lại tất cả bến xe khách lậu, bãi đỗ xe. Xem xét, phân loại bến, bãi nào xây dựng đúng quy hoạch và đã được cấp phép, phạt nghiêm các bến, bãi xây dựng trái phép. Nên sớm công bố điểm dừng đón, trả khách cho các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh cố định trên địa bàn thành phố theo đúng Nghị định 86 và Thông tư 63. Riêng “xe dù”, UBND TP.HCM nên cho thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, tổ chức mật phục, thanh tra toàn diện và xử lý nghiêm các doanh nghiệp vận tải vi phạm. Sở GTVT thường xuyên rà soát dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình (GPS) của các xe hợp đồng để phát hiện đơn vị vi phạm.
Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải cũng đưa ra giải pháp. Cụ thể tăng cường công tác thanh, kiểm tra “xe dù”, bến xe lậu tại các địa phương trên cơ sở có sự phối hợp chặt chẽ của các lực lượng chức năng. Trước đó đã xảy ra tình trạng đơn vị chức năng xử lý không dứt điểm. Đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa, công khai minh bạch các thủ tục hành chính liên quan tới công tác quản lý. Đặc biệt, phải nghiên cứu khắc phục hiện tượng lợi dụng 1 xe có 2 phù hiệu cùng có giá trị vào cùng một thời điểm để hoạt động.
“Một phương tiện đưa vào hoạt động kinh doanh vận tải có thể có 2 loại phù hiệu như: Vận chuyển hành khách theo tuyến cố định, vận chuyển khách theo hợp đồng. Từ việc tham gia đồng thời hai loại hình vận tải, các doanh nghiệp dễ dàng sử dụng phù hiệu xe vận chuyển khách theo hợp đồng để hoạt động trá hình làm cho việc kiểm tra, xử lý của các lực lượng chức năng gặp lúng túng, khó khăn”, ông Ngọc cho biết.
Trinh Ngọc
Bình luận (0)