Mỗi ngày, TP.HCM có khoảng 700 chuyến xe chuyên dụng cùng hàng ngàn xe “thủ công” thu gom, chở rác đến nơi xử lý. Hầu hết những xe này không đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật nên chạy đến đâu… hôi thối đến đó.
Không phải ngẫu nhiên mà mới đây, khi kết luận vấn đề liên quan đến xử lý ô nhiễm môi trường, lãnh đạo Thành ủy TP.HCM đã yêu cầu UBND TP chỉ đạo Sở GTVT phối hợp Sở TN-MT và Công an TP “kiểm tra toàn bộ phương tiện chuyên chở rác, kiên quyết loại bỏ những phương tiện không đủ điều kiện theo quy định hiện hành”.
Trên thực tế, dù là đô thị lớn nhưng từ nhiều năm qua người dân đã phải hằng ngày chịu đựng mùi hôi thối của “xe rác công ích” mỗi khi ra đường.
Mùi hôi di động
Chiều 19.9, có mặt tại đường Phan Văn Trị (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), chúng tôi chứng kiến cảnh hàng chục chiếc xe lôi, ba gác gom rác trong các khu dân cư đổ dồn ra đường. Mùi rác thải, mùi thức ăn ôi thiu từ những chiếc xe này bốc lên nồng nặc khiến người đi đường phải bịt mũi, ngán ngẩm.
Đến giao lộ Phan Văn Trị – Nơ Trang Long, một chiếc xe chở rác dừng chờ đèn tín hiệu, xung quanh là hàng chục người đi đường cố… nín thở, cầu mong đèn mau chuyển qua xanh để thoát khỏi xe rác càng nhanh càng tốt. Trời đổ mưa lớn, chiếc xe rác len lỏi giữa hàng trăm phương tiện, đi đến đâu nước thải từ trên xe chảy thẳng xuống mặt đường. Đến bãi tập kết rác gần giao lộ Phan Văn Trị – Nguyên Hồng (P.11), chiếc xe “mắc mưa” ấy tiếp tục họp thành đoàn với cả chục xe choán hết 1/3 đường. Rác thải đổ đống dưới đường, để trên xe không che chắn bốc mùi hôi thối cả khu vực.
Theo nhiều người dân, khu vực nói trên thường ngày là “công viên mini” để người dân đi bộ, tập thể dục nhưng kể từ khi rác đổ về tập kết, ruồi nhặng bay đầy khiến họ không dám ra đường. “Ở đây còn có nhà trẻ tư thục nhưng những lúc nắng nóng rác bốc mùi hôi bay khắp xóm; người lớn còn chịu không thấu thì trẻ em sao chịu nổi”, một người dân cho biết.
Trước đó, lúc 14 giờ cùng ngày, mùi hôi nồng nặc từ một xe tải chở đầy rác không che chắn lưu thông trên đường Dương Bá Trạc (Q.8) cũng “tra tấn” người đi đường. Đến cầu Nguyễn Văn Cừ, xe tăng tốc để vượt dòng phương tiện khác khiến rác, bao ni lông từ thùng xe bay xuống đầu người đi đường. Chiếc xe rẽ qua đường Khánh Hội, sau đó về đổ rác ở một HTX xử lý rác trên đường Tôn Thất Thuyết (Q.4). Tại đây, nhiều xe ba gác máy chở rác từ khắp nơi đổ về đậu tấp nập quanh bãi tập kết. Chừng 10 phút, chúng tôi phải rời đi vì… không thở được.
Không chỉ xe rác dân lập, xe tải, nhiều xe chuyên dụng được cho là "hiện đại" của công ty dịch vụ công ích ở các quận cũng là nguồn phát tán mùi hôi khủng khiếp. Đa phần các xe này sau khi gom rác đều không tẩy rửa nên rác, đất dơ bẩn, nhiều xe đã xuống cấp khiến mỗi khi lưu thông trên đường nước rỉ rác chảy thành vệt, mùi hôi thối xộc lên khiến người đi đường muốn ngộp thở.
“Công ích” buông lỏng cho… dân lập
Trả lời Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Giám đốc Công ty dịch vụ công ích Q.2, tỏ ra bất lực. Theo bà Hằng, đội ngũ công nhân của công ty được trang bị phương tiện đúng quy chuẩn, thiết bị bảo hộ lao động đầy đủ nhưng thực tế chỉ được thu gom mỗi phường một ít, còn lại đa phần rác thải từ hộ dân do các đường dây thu gom rác dân lập đứng ra gom. “Bây giờ công ty muốn tổ chức thu gom hết cho bài bản cũng rất khó vì thu gom rác dân lập hoạt động từ trước đến nay và hiện chưa thể thay đổi được thực tế này”, bà Hằng thừa nhận.
Một lãnh đạo Công ty dịch vụ công ích Q.3 cũng cho rằng rác sinh hoạt trên địa bàn Q.3 phát sinh khoảng 200 tấn/ngày, nhưng công ty chỉ thu gom được khoảng 10%, còn lại do các đường dây rác dân lập thu gom. Hệ thống thu gom rác dân lập do phường quản lý, nhưng phường không có đủ lực lượng để quán xuyến nên thực tế việc này bị bỏ ngỏ. “Rác dân lập tự tổ chức thu gom trong từng hộ dân rồi chở đến điểm hẹn để xe rác chuyên dụng của TP câu lên chở đến bãi rác xử lý. Tuy nhiên, hầu hết xe rác dân lập là tự chế nên không ép rác trực tiếp lên xe chuyên dụng được mà phải đổ ra đường hoặc chuyển kiểu thủ công, dẫn đến không chỉ bốc mùi hôi mà còn gây kẹt xe”, vị lãnh đạo này ngao ngán.
Trả lời Thanh Niên, ông Lê Trung Tuấn Anh, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn (Sở TN-MT), thừa nhận có những bất cập trong việc thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt từ nội đô đến các bãi xử lý rác. Ông Tuấn Anh cho biết mỗi ngày lượng rác thải sinh hoạt toàn TP phát sinh khoảng hơn 7.000 tấn. Hầu hết việc thu gom rác trong các hộ dân do khoảng hơn 500 đường dây rác dân lập thực hiện, công nhân dịch vụ công ích 24 quận, huyện thu gom chỉ chiếm khoảng 40%. Rác thu gom từ các đường dây dân lập tập kết tại điểm hẹn rồi xe chở rác chuyên dụng ép lên chở đến bãi rác xử lý. Mỗi ngày bình quân có khoảng 700 chuyến xe chuyên dụng chở rác chạy trên địa bàn TP. Trước đây xe chở rác chuyên dụng chỉ cho chạy vào ban đêm để vận chuyển, nhưng sau đó quy trình có thay đổi và TP cho phép chạy vào ban ngày, bởi nếu không thì không chuyển hết lượng rác thải ở nội đô.
Cũng theo ông Tuấn Anh, xe thu gom rác tự chế “tung hoành” trên các tuyến đường là vi phạm quy định về an toàn giao thông và không đảm bảo quy chuẩn thiết bị trong việc thu gom rác thải. TP đã có chủ trương hỗ trợ các chủ đường dây thu gom rác dân lập chuyển đổi trang thiết bị, phương tiện đúng quy chuẩn, đưa vào các tổ chức hoạt động bài bản chứ không để nhỏ lẻ, tự phát và khó kiểm soát như hiện nay.
Sáng 16.9, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, xe thu gom rác tự chế “tung hoành” trên nhiều tuyến đường ở khu đô thị mới An Phú – An Khánh, P.An Phú (Q.2). Ở khu đô thị này hầu như không lắp đặt thùng rác bài bản.
Trên mỗi tuyến chỉ đặt những thùng phuy nhựa không có nắp đậy để tiếp nhận rác của các hộ dân. Trên đường Vũ Tông Phan, một chiếc xe tự chế đang gom rác tại một thùng phuy nhựa đặt gần chung cư An Hòa. Chiếc xe máy được sử dụng làm “đầu kéo” không biển số, phụ tùng rơi rụng khá nhiều.
Thùng đựng rác phía sau cao khoảng 1 m, dài khoảng 2 m cũng không có nắp đậy, xung quanh móc cồng kềnh các loại bao tải đựng phế liệu. Khi “thùng rác di động” này lao trên đường, không ít người chạy phía sau phải bịt mũi vì quá hôi thối.
Tới đường Trần Não (P.Bình An), đường Quốc Hương, Thảo Điền (P.Thảo Điền), PV cũng chứng kiến những “thùng rác di động” nghênh ngang trên đường phố. Sau khi gom rác xong, các “thùng rác di động” này chở rác đến điểm tập kết nằm ven đường Trần Não, P.Bình Khánh. Môi trường ở điểm tập kết này khá ô nhiễm, ngoài mùi hôi thường trực xộc ra mỗi khi lên xuống rác, rác thải phế liệu còn chất la liệt xung quanh.
|
Tân Phú – Đức Tiến (TNO)
Bình luận (0)