Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Xe khách chờ… khách

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ GTVT vừa ban hành dự thảo quy định về tổ chức hoạt động vận tải hành khách (VTHK) trong thời gian các địa phương nới lỏng biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Đây là cơ sở để các nhà xe chuẩn bị phương án hoạt động trở lại, đưa dịch vụ, giao thương trở lại trong trạng thái bình thường mới.

Xe khách nằm bãi chờ khách tại Bến xe Miền Đông

Ngưng hoạt động để chống dịch

Ghi nhận của phóng viên Báo SGGP tại ở Bến xe Miền Đông và Bến xe Miền Tây cho thấy hoạt động VTHK rất đìu hiu. Anh Võ Văn Đồ, nhân viên nhà xe Kumho cho hay, toàn bộ các chuyến xe của hãng tại 2 bến xe đã dừng hết, tài xế, nhân viên đều nghỉ việc nhiều tháng nay.

Tương tự, HTX Đông Bắc do ông Hoàng Duy Kha làm giám đốc cũng đang trong tình trạng tê liệt, lái xe và nhân viên nghỉ việc hàng loạt. Bà Đặng Thị Kim Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Việt Tân Phát (đơn vị hoạt động tuyến TPHCM – Tây Nguyên) cho biết, đợt bùng dịch Covid-19 lần thứ 4 khiến công ty từ tình trạng “mệt mỏi” sang “thoi thóp”, tất cả xe khách hiện tại đều nằm bãi, gánh thêm các loại chi phí như văn phòng, bến bãi…

“Hơn 3 tháng không hoạt động, không phát sinh doanh thu nhưng tiền lãi và gốc vay ngân hàng vẫn phải trả. Đây là một áp lực đè nặng, chỉ mong ngân hàng đừng tính lãi, hoặc giảm lãi”, bà Thủy nói.

Cũng trong tình trạng ngưng hoạt động toàn bộ hơn 3 tháng nay, ông Hồ Văn Hưởng, Chủ tịch HĐQT HTX Xe khách LT-DL Thống Nhất cho biết, HTX của ông đang trong tình trạng “chết lâm sàng”. Ông Hưởng chia sẻ, ngoài những chi phí bến bãi, thuê văn phòng…, điều ảnh hưởng quan trọng nhất đối với HTX của ông và nhiều doanh nghiệp, HTX khác chính là vay vốn ngân hàng, mỗi tháng phải trả nợ hàng tỷ đồng, trong khi xe nằm bãi, doanh thu không có.

“Mới nhất, ngày 7-9, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 14/2021 cho phép các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí gồm cả khoản nợ phát sinh từ ngày 10-6-2020 đến trước 1-8-2021. Nhưng các ngân hàng yêu cầu phải trả hết các khoản nợ cũ rồi mới bắt đầu cơ cấu lại. Lấy đâu ra tiền mà trả nợ cũ đây”, ông Hưởng lo lắng.

Ráng cầm cự

Bộ GTVT vừa ban hành dự thảo mới nhất quy định về tổ chức hoạt động vận tải hành khách trong thời gian các địa phương nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, không tổ chức hoạt động vận tải phục vụ nhu cầu đi lại của người dân đang cư trú tại địa phương hoặc địa bàn đang thực hiện Chỉ thị 16. Tại các địa phương hoặc địa bàn đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15 hoặc Chỉ thị 19 thì tổ chức vận tải hành khách theo mức độ hạn chế tỷ lệ phương tiện kinh doanh vận tải, tỷ lệ hành khách của từng phương thức vận tải.

Đối với VTHK theo tuyến cố định liên tỉnh, Sở GTVT hai đầu tuyến tham mưu để UBND cấp tỉnh cho phép hoạt động lại theo tuyến cố định liên tỉnh. Trong quá trình thực hiện từng giai đoạn, căn cứ vào tình hình dịch Covid-19 tại các đại phương, Sở GTVT địa phương hai đầu tuyến thống nhất áp dụng thực hiện theo từng giai đoạn phù hợp. 

Với kế hoạch nói trên của Bộ GTVT, nhiều đơn vị VTHK đang rục rịch tái hoạt động. Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, đã trao đổi với các hiệp hội vận tải địa phương và đưa ra đánh giá chung, bình quân lượng VTHK đều sụt giảm 70-80% so với trước dịch. Hầu hết các đơn vị đều gặp khó khăn, nhưng đang nỗ lực để chuẩn bị hoạt động phục vụ đời sống xã hội trở lại. Tuy nhiên, ông Quyền cho rằng, ngoài việc Bộ Tài chính đã có thông tư giảm 30% mức phí sử dụng đường bộ đến hết năm 2021, thì Bộ GTVT, Chính phủ cần xem xét hỗ trợ cắt giảm thêm các loại thuế, phí khác như phí đăng kiểm, phí cao tốc, trạm BOT, phí bến bãi… 

Trong khi đó, theo ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách liên tỉnh và du lịch TPHCM, phải mất tối thiểu 2 đến 3 năm sau khi công bố hết dịch, ngành VTHK mới có thể phục hồi. Do vậy, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp, nhất thiết phải có hỗ trợ từ Nhà nước.
Ông Tính kiến nghị nhanh chóng giảm 50% mức phí đăng kiểm hoặc kéo dài thời gian đăng kiểm lần đầu; lùi thời gian lắp đặt camera ít nhất đến ngày 1-7-2023 thay vì chỉ đến 31-12-2021; giảm phí bảo trì đường bộ 30-50% và kéo dài thời gian giảm phí đến hết tháng 12-2022…
“Gánh nặng đối với đơn vị vận tải vẫn là nợ ngân hàng, nên cần giảm ít nhất 30-50% mức lãi suất cho vay hiện nay. Cùng với đó là kéo dài thời gian miễn đóng phí BHYT, BHXH, bảo hiểm thất nghiệp đến tháng 6-2022 hoặc cuối năm 2022”, ông Tính kiến nghị.

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM đã ban hành bộ tiêu chí dành cho hoạt động giao thông vận tải trên địa bàn TPHCM trong phòng chống dịch Covid-19. Đối với VTHK, người điều khiển, người phục vụ đi cùng trên phương tiện phải đáp ứng điều kiện đã tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19, mũi tiêm gần nhất đủ 14 ngày; có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính còn hiệu lực; không sử dụng máy lạnh; vận chuyển không quá 50% sức chứa…

Theo Minh Nghĩa/SGGPO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)