Dự án đầy tính nhân văn xe lăn điện giá rẻ Automov cho người khuyết tật của nhóm sinh viên Trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai) vừa đoạt giải nhất cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp – CiC 2021” do Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức.
Nhóm sinh viên Trường ĐH Lạc Hồng mang sản phẩm xe lăn điện đi thi
Dự án trên còn nhận giải thưởng 800 USD ở cuộc thi về kỹ thuật EPICs do Tổ chức Usaid – Mỹ cùng trường ĐH bang Arizona tổ chức tháng 4-2021 và giải thưởng 50 triệu đồng từ cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đồng Nai” tổ chức tháng 11-2021.
Biến xe lăn tay thành xe lăn điện
Theo khảo sát của nhóm sinh viên thực hiện dự án, các sản phẩm xe lăn điện trên thị trường có giá bán khá cao, từ 15-20 triệu đồng. Với mức thu nhập của người khuyết tật ở Việt Nam, việc sở hữu dòng xe này được cho là khó. Trong khi đó, xe lăn tay giá thành rẻ lại dễ gây ra các bệnh lý về tay, vai… cho người khuyết tật khi sử dụng và nhiều sự bất tiện trong sinh hoạt khi đa số vẫn cần người thân hỗ trợ di chuyển.
Nhận thấy vấn đề này, nhóm sinh viên bắt tay thực hiện dự án nhằm chuyển đổi dễ dàng xe lăn tay thành xe lăn điện qua bộ mô-đun (module) gắn ngoài, gồm: Động cơ, ắc quy, xích, đĩa, bộ điều khiển. Cụ thể, khi gắn thiết bị này vào xe lăn thường, xe đó sẽ trở thành xe lăn điện. Người dùng sẽ điều khiển thông qua tay điều khiển Joystick. Đặc biệt, giá thành sản phẩm xe lăn điện này rẻ hơn 2 đến 3 lần xe lăn điện trên thị trường và dễ dàng lắp ráp, bảo dưỡng với chi phí thấp. Việc chuyển đổi này còn giúp giảm thiểu xe lăn tay dư thừa trên thị trường. Sinh viên Đinh Tuấn Anh (trưởng nhóm thực hiện dự án) cho biết, không chỉ tạo ra xe lăn điện giá rẻ nhằm giảm chi phí cho người sử dụng có thu nhập thấp, dự án còn hướng đến phục vụ những người không may bị tai nạn và có nhu cầu sử dụng tạm thời. Do vậy, sản phẩm có những cải tiến nổi trội như giá thành rẻ, linh kiện phụ tùng dễ dàng sửa chữa thay thế, bộ điều khiển do chính nhóm thực hiện tự thiết kế và chế tạo nên không phụ thuộc quá nhiều vào các đơn vị cung cấp. Khách hàng mà dự án hướng tới là các cơ sở kinh doanh thiết bị y tế; cơ sở điều trị, hồi sức cho bệnh nhân cũng như những người khuyết tật mua sử dụng; bệnh nhân trong giai đoạn điều trị, hồi sức… “Hiện nhu cầu sử dụng xe lăn tạm thời cho việc điều trị và hồi phục sức khỏe của bệnh nhân bị tai nạn là rất lớn. Tuy nhiên, thời gian điều trị lại khá ngắn, từ 1-3 tháng, do đó có rất nhiều xe lăn tay bị bỏ phí sau quá trình điều trị. Chưa kể, những bệnh nhân mới tiếp cận và sử dụng xe lăn tay thường không quen dùng và có thể gây ra một số ảnh hưởng về mặt sức khỏe. Dịch vụ cho thuê xe lăn điện của dự án sẽ giúp người bệnh khắc phục được vấn đề này, tự chủ trong quá trình điều trị; giảm gánh nặng cho người thân, điều dưỡng cũng như hạn chế được lượng xe lăn bị dư thừa sau điều trị. Giá cho thuê xe lăn điện dự kiến 25.000 đồng/ngày hoặc 650.000 đồng/tháng”, Tuấn Anh cho hay.
“Đôi chân thứ hai” cho người dùng
Được ví như “đôi chân thứ hai” của người dùng, hiện thiết bị đã có mặt trên thị trường với giá bán cho mỗi sản phẩm xe lăn điện AutoMov là 5,5 triệu đồng và mỗi bộ kit là 3,6 triệu đồng. Trước đó, nhóm đã nghiên cứu, tạo sản phẩm mẫu và chạy thử trong vòng 11 tháng (từ tháng 9-2020 đến tháng 7-2021). Trong quá trình đó, việc tạo ra các sản phẩm mẫu, thử nghiệm cũng bị hư hỏng rất nhiều, cần nguồn kinh phí khá lớn gây khó khăn cho túi tiền hạn hẹp của sinh viên. Về khoản kinh phí này, nhóm có nhờ sự trợ giúp từ phía phụ huynh; về mặt kỹ thuật, kỹ năng thì các giảng viên trong trường đã hết lòng hỗ trợ nhóm. Trong quá trình dự thi, dự án của nhóm cũng đã nhận được lời đề nghị góp vốn từ một số nhà đầu tư. Tuy nhiên, Tuấn Anh cho hay, nhóm vẫn đang trong quá trình nghiên cứu và hoàn thiện mô hình kinh doanh của dự án. Dự kiến, nhóm sẽ tham gia vào chương trình gọi vốn tại “Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia Techfest Việt Nam” sắp tới.
Nằm trong hoạt động thường niên, cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp – CiC 2021” được ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức, thu hút 320 dự án của 1.000 thí sinh từ 174 trường ĐH, CĐ, trung học trên toàn quốc. Cuộc thi nhằm lan tỏa tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; nâng cao kỹ năng – kiến thức; tạo môi trường trải nghiệm thực tế cho học sinh – sinh viên trên toàn quốc. Sau cuộc thi, ban tổ chức sẽ tiếp tục hỗ trợ các dự án tiềm năng gọi vốn đầu tư, tham gia các chương trình ươm tạo, tăng tốc khởi nghiệp trong và ngoài nước. |
Trong thời gian này, nhóm cũng đã có một số kế hoạch như liên tục nghiên cứu, phát triển sản phẩm để tăng độ thẩm mỹ và hoàn thiện hơn, cố gắng giảm tối đa giá thành. Đồng thời, nhóm cũng sẽ làm một số sản phẩm mẫu gửi vào các bệnh viện, trung tâm bảo trợ người khuyết tật để nhận được những góp ý từ phía người dùng. Ngoài ra, nhóm cũng sẽ chạy thử chương trình cho thuê xe lăn điện trong thời gian tới để hoàn thiện hơn mô hình kinh doanh.
M.Tâm
Bình luận (0)