Theo đó, mức xử phạt được điều chỉnh tăng nặng hơn so với các quy định cũ để có tính răn đe.
Đại úy Trần Thị Hồng Nhung, Phó Đội trưởng Đội Tuyên truyền, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt (PC67, Công an TP.HCM) cho biết theo Nghị định số 46, mức phạt với những lỗi vi phạm thường gặp với người điều khiển xe máy dao động trong khoảng từ 200.000 – 400.000 đồng.
Cụ thể, Điểm g, Khoản 4, Điều 6 cũng quy định, điều khiển xe không đi bên phải theo chiều của mình, đi không đúng phần đường, làn đường quy định hoặc điều khiển xe đi trên hè phố, trừ trường hợp điều khiển xe đi qua hè phố để vào nhà thì bị xử phạt từ 300.000 – 400.000 đồng (tăng 100.000 đồng so với mức phạt cũ).
Quy định này được xem là “khó nhằn” nhất đối với người dân ở các thành phố lớn, nhất là TP.HCM và Hà Nội. Khi đường sá ngày càng bị thu hẹp vì hàng quán ven đường lấn chiếm mà lượng phương tiện thì ngày một tăng nên việc đi không đúng phần đường hay đi trên hè phố là điều khá phổ biến.
Căn cứ Điểm c, Khoản 4 và Điểm b, Khoản 12, Điều 6 của Nghị định này thì người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông sẽ bị phạt tiền từ 300.000 – 400.000 đồng, tước GPLX từ 1 – 3 tháng (tăng 200.000 đồng so với mức phạt cũ).
Xe quá nhiều nhưng đường lại hẹp, việc chạy không đúng phần đường, làn đường quy định diễn ra rất thường xuyên ở TP.HCM. Ảnh chụp trên đường Điện Biên Phủ (quận 3) Ảnh: Vũ Phượng
|
Một lỗi vi phạm nữa mà khá nhiều người dân vi phạm hiện nay là vừa điều khiển xe vừa sử dụng điện thoại di động, thiết bị âm thanh (headphone để nghe nhạc) thì bị xử phạt từ 100.000 – 200.000 đồng (mức xử phạt cũ chỉ là từ 60.000 – 80.000 đồng)
Ngoài ra, các lỗi vi phạm như không đội mũ bảo hiểm hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách tham gia giao thông trên đường bộ phạt tiền từ 100.000 – 200.000 đồng. Việc điều khiển xe máy chạy trong hầm đường bộ mà không sử dụng đèn chiếu sáng gần cũng bị xử phạt từ 500.000 – 1.000.000 đồng.
Bên cạnh đó, đại úy Nhung còn cho biết trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe mà cá nhân vẫn điều khiển xe thì sẽ bị xử phạt từ 800.000 – 1.200.000 đồng, tạm giữ xe 7 ngày đối với người điều khiển mô tô có dung tích xi lanh dưới 175 cm3; phạt tiền từ 4.000.000 – 6.000.000 đồng, tạm giữ xe 7 ngày đối với xe có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên (các mức phạt này giữ nguyên so với quy định cũ).
Vũ Phượng (TNO)
Bình luận (0)