Thị trường xe những ngày gần đây có nhiều thông tin đáng lưu ý. Trong đó là chuyện xe nội đang mong chờ việc giảm thuế phí, đặc biệt hãng xe liên doanh than khó, muốn bỏ lắp ráp để "đi buôn" xe nhập.
Bộ Tài chính "bác" giảm thuế phí xe nội
Trong lúc người tiêu dùng kỳ vọng lớn vào đề xuất giảm phí trước bạ và thuế tiêu thụ đặc biệt xe sản xuất, lắp ráp trong nước của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính lại "bác bỏ" đòi đưa ra vấn đề này khỏi dự thảo Nghị quyết báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội xem xét. Điều này đã khiến nhiều doanh nghiệp, người dân nuối tiếc.
Bộ Tài chính không đồng tình với đề xuất giảm 50% phí trước bạ và ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước
Góp ý vào dự thảo Nghị quyết của Chính phủ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, Bộ Tài chính không đồng tình với đề xuất giảm 50% phí trước bạ và ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước mà Bộ Công Thương, cùng một số hiệp hội nêu ra.
Theo Bộ Tài chính, "ý kiến này vi phạm cam kết về không phân biệt đối xử giữa hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu khi gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO), do đó, đề nghị không đưa vào dự thảo Nghị quyết".
Bộ Công Thương nói gì khi Bộ Tài chính bác đề xuất trên?
Trong khi Bộ Tài chính bác bỏ thì Bộ Công Thương giữ quan điểm giảm phí trước bạ với xe nội địa bởi đây là trường hợp áp dụng trong bối cảnh đặc biệt (dịch bệnh), vì vậy khả năng Việt Nam bị khởi kiện do vi phạm hầu như không có.
Chi phí sản xuất ô tô trong nước cao hơn so với các quốc gia trong khu vực từ 10-20% khiến giá thành xe sản xuất trong nước chịu nhiều bất lợi so với xe nhập khẩu nguyên chiếc
Bên cạnh đó, dẫn chứng về chủ trương ưu đãi xe nội địa, Bộ Công Thương nêu rõ: Nghị quyết số 23/NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định công nghiệp ô tô là một trong những ngành công nghiệp ưu tiên phát triển, đồng thời định hướng thực hiện chính sách miễn, giảm thuế ở mức hợp lý và có thời hạn phù hợp nhằm phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, trong đó có ô tô.
Theo Bộ này, hiện tại chi phí sản xuất ô tô trong nước cao hơn so với các quốc gia trong khu vực từ 10-20% khiến giá thành xe sản xuất trong nước chịu nhiều bất lợi so với xe nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN trong bối cảnh hàng rào thuế qua và kỹ thuật được gỡ bỏ.
Các nước khó có thể kiện Việt Nam vì biệt đãi xe nội địa
Trả lời phóng viên Dân Trí về việc Bộ Công Thương có nghiên cứu kỹ các quy định trong nguyên tắc đối xử quốc gia trong WTO trước khi đề xuất việc giảm 50% phí trước bạ và ưu đãi Thuế tiêu thụ đặc biệt với xe trong nước, đại diện Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương khẳng định: "vấn đề đã được nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và dựa trên tình hình thực tế".
Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho rằng: "Bộ Công Thương đã nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và thấy rằng, trên thực tế một số thành viên WTO và ASEAN cũng có các biện pháp trợ cấp tương tự và vẫn được duy trì mà không gặp phải nhiều phản ứng từ các quốc gia khác".
Cơ quan này dẫn ví dụ như, Philippines hiện nay đang áp dụng hình thức trợ cấp dựa trên năng lực sản xuất để khuyến khích thúc đẩy sản xuất trong nước.
Đồng thời, đại diện Bộ Công Thương khẳng định: Hiện tình hình các hoạt động của Cơ quan Phúc thẩm (AB) về giải quyết tranh chấp của WTO đang bị đình trệ do thiếu thành viên và các vụ kiện phúc thẩm (nếu có) sẽ không thể được tiến hành, chúng ta có thể xem xét thúc đẩy áp dụng chính sách hỗ trợ phù hợp trong một thời gian.
Bộ Công Thương lại đề xuất xóa bất lợi xe nội
Giá bán xe ô tô trong nước vẫn đắt hơn so với các nước trong khu vực, Bộ Công Thương cho rằng nguyên nhân chính là do chính sách thuế bất hợp lý, khiến bất lợi về giá thành giữa ô tô sản xuất trong nước và ô tô nhập khẩu.
Hiện Việt Nam có nhiều dự án sản xuất, lắp ráp tô quy mô lớn
Trong báo cáo gửi Quốc hội, Bộ Công Thương cho biết, hiện Việt Nam có nhiều dự án sản xuất, lắp ráp tô quy mô lớn với mục tiêu không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn hướng tới thị trường khu vực.
Bộ Công Thương cho rằng, do Việt Nam là quốc gia có xuất phát điểm thấp, các ngành công nghiệp của Việt Nam đi sau các nước trong khu vực từ 2 – 3 thế hệ.
Bộ Công Thương kiến nghị việc các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội sớm xem xét thống nhất phương án sửa đổi quy định của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô, khuyến khích gia tăng tỷ lệ giá trị nội địa đối với sản phẩm ô tô sản xuất trong nước.
Theo Bộ Công Thương, đây là biện pháp phù hợp nhằm duy trì và từng bước phát triển công nghiệp ô tô cũng như công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô tại Việt Nam, trình Quốc hội xem xét và thông qua tại kỳ họp gần nhất.
Cửa làm ăn hẹp dần, ông lớn ô tô muốn đi buôn xe nhập
Trong văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc “phối hợp nắm bắt khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19”, Tổng Giám đốc Công ty Honda Việt Nam Keisuke Tsuruzono cho biết, quy mô sản xuất của công ty dự kiến giảm 30% đối với ô tô trong năm 2020.
Quy mô sản xuất của Honda dự kiến giảm 30% đối với ô tô trong năm 2020.
Do tác động của dịch Covid-19, có thể kéo dài sang các năm tiếp theo, công ty khó có thể khôi phục lại sản xuất như kế hoạch đề ra. Sản lượng ô tô sản xuất sẽ giảm, trong khi nhu cầu tiêu dùng của người dân vẫn còn, dẫn đến việc Honda Việt Nam có khả năng chuyển đổi mô hình kinh doanh từ sản xuất sang nhập khẩu.
Được biết, trong tháng 3 vừa qua, Công ty Honda đã quyết định rút khỏi Philippines với việc dừng hoạt động nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô nằm ở phía Nam thủ đô Manila.
An Linh (theo dantri)
Bình luận (0)