Các bác tài xe ôm tại TP HCM có thể sẽ không được hoạt động riêng lẻ mà phải đăng ký vào đơn vị quản lý như tổ, đội, nghiệp đoàn và trang phục phải có logo..
Trước nay, xe ôm tại TP HCM là một nghề tự phát, không được quản lý. Một người chỉ cần có một chiếc xe máy, dựng chống đứng bên lề đường và bắt khách, chở đến một địa điểm nào đó sau khi đã thỏa thuận giá cả.
Để siết chặt quản lý dạng vận chuyển hành khách này, Chính phủ đã ban hành nghị định 34 thay thế cho nghị định 146 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có hiệu lực vào ngày 20/5, trong đó quy định xe ôm phải có biển hiệu, trang phục riêng, nếu không sẽ bị phạt tiền từ 40 đến 60.000 đồng.
Xe ôm hiện nay tại TP HCM là một nghề tự phát, không được quản lý. Ảnh: Kiên Cường |
Trước thời điểm 20/5, UBND TP HCM cũng vừa ban hành dự thảo quản lý và hướng dẫn sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, môtô hai bánh, môtô ba bánh vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn thành phố để áp dụng vào đời sống người dân. Dự thảo đang được đưa tới các quận huyện để lấy ý kiến.
Cụ thể, người hành nghề xe ôm sẽ không được hoạt động riêng lẻ, tự phát mà phải hoạt động trong các đơn vị quản lý như tổ, đội, nghiệp đoàn. Các tổ, đội, nghiệp đoàn phải đăng ký với UBND quận, huyện về nơi hoạt động.
Sau đó, các tổ, đội, nghiệp đoàn này phải có trách nhiệm lập thủ tục đăng ký với quận, huyện để được cấp biển hiệu hoạt động hành nghề xe ôm cho từng cá nhân trong đơn vị mình. Biển hiệu hoạt động sẽ có hiệu lực 5 năm kể từ ngày cấp.
Ngoài ra, tổ, đội, nghiệp đoàn cũng buộc đăng ký với quận, huyện về mẫu trang phục và logo (biểu trưng) của đơn vị mình và gắn trên tay áo bên trái của người điều khiển phương tiện.
Đặc biệt, giới xe ôm sẽ không có tự do dừng xe bắt khách ở bất cứ đâu như trước nay mà các điểm đỗ, đón khách phải được UBND quận huyện tổ chức, có bố trí, kẻ vạch.
Dự thảo cũng nêu rõ trách nhiệm của UBND quận huyện là phải tổ chức các bộ phận tiếp nhận hồ sơ và giải quyết công tác cấp, tái cấp biển hiệu, in biển hiệu theo đúng quy định để phục vụ người dân thuận lợi, nhanh chóng.
Thanh tra Sở Giao thông được giao trách nhiệm kiểm tra, xử lý các phương tiện vi phạm. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, UBND quận huyện và các ngành liên quan phải báo cáo với UBND TP HCM để xem xét, sửa đổi, bổ sung quy định cho phù hợp.
Kiên Cường (VnExpress)
Bình luận (0)