Những người làm nghề đạp xe xích lô, xe ôm truyền thống ở Sài Gòn trong suốt năm 2018 luôn phải suy nghĩ bài toán chi tiêu chừng mực mới có thể trụ lại được trên đất Sài Gòn thời 4.0.
Nghề đạp xích lô bây giờ có vẻ đã "lỗi thời". Ảnh: Phạm Hữu
Còn vài ngày nữa là hết năm 2018, đối với các bác, các chú và cả các chị em… chạy xe ôm, xích lô, năm 2018 là một năm của tiếng thở dài: “Năm nay còn tệ hơn những năm về trước”.
Lay lắt sống qua ngày
Nghề đạp xích lô khi xưa đã cực, thời nay còn cực hơn nhiều. Nhất là các bác xích lô "chuyên" chạy đêm, ngủ ngoài đường đôi khi còn nhiều hơn ở nhà. Cực bởi vì thời buổi bây giờ đạp xích lô, tiền ít, không có khách mấy.
Xích lô bây giờ lưa thưa, "vắng bóng giang hồ" bởi người dân có nhiều lựa chọn di chuyển hơn xưa. Đi xe buýt, bắt xe ôm công nghệ, đi taxi hoặc đặt xe ô tô qua ứng dụng. Việc kiếm cơm từ nghề chạy xích lô thời 4.0 gặp muôn vàn khó khăn.
“Tóm lại một câu là năm nay làm ăn bập bềnh, mông lung, bết bát, lay lắt sống qua ngày. Càng ngày, nghề đạp xích lô không còn có ăn nữa, nhất là 2 năm trở lại đây”, ông Nguyễn Ngọc Phước làm nghề đạp xích lô có "thâm niên" cho hay.
Ông Phước, 73 tuổi, biệt danh “Phước xích lô đỏ” đạp xích lô từ năm 1978 tới nay. Khi xưa, mặc dù có nhà ở đường Trần Xuân Soạn (Q.7) nhưng ông quen ngủ khắp lề đường xó chợ. Vợ ông mất gần 5 năm nay.
Mỗi ngày, ông thường đậu xe ở góc đường vắng, chỉ chờ điện thoại của các công ty du lịch gọi chở khách tham quan theo tour. Ông cho biết, một tiếng chở khách ông được trả 50.000 đồng. Một ngày mỗi xích lô dịch vụ kiếm được khoảng 100.000 – 200.000 đồng, trúng mánh thì 300.000 – 400.000 đồng.
“Cũng may khách thường boa thêm 1 – 2 USD chứ không đói nhe răng. Đạp một tiếng liên tục thì mông bắt đầu ê nhức, khách ghé chỗ này nọ tham quan, may ra được hồi sức, còn không thì đuối chết luôn”, ông chia sẻ.
Tuy vậy, không phải lúc nào ông cũng có khách để chạy. Có hôm ông nằm trên xe ngủ từ sáng đến chiều. Bi kịch hơn nữa là có khi 10 ngày và thậm chí là 2 tuần không có một cuốc xe nào. Do vậy, số tiền ông Phước kiếm được bấp bênh không cố định.
Ông Phước chạy xích lô sống lay lắt qua ngày
Những ngày chạy có tiền, ông tiêu xài chắt chiu phòng hờ cho những bữa ế khách. Ông cũng dành khoản tiền nhỏ, bỏ ống để khi xe hư, nổ bán thì lấy ra mà sửa. Còn những ngày không một xu dính túi, ông chỉ biết ra cơm từ thiện 2.000 mà cho qua ngày rồi lại cứ ngóng khách như thường lệ.
“Tôi may mắn là sống một mình, ít khi bệnh tật với lại không bị nợ nần ai hết nên sống cũng khá thoải mái. Có tiền thì ăn ngon mà không có tiền thì ăn ít lại”, ông Phước cho biết.
Nhẩm đi tính lại từ đầu năm 2018 đến nay ông cũng chẳng dư dả được đồng nào. Bởi nghề chạy xích lô không còn là lựa chọn đi lại của số đông người dân nữa. Tháng cao điểm để kiếm tiền nhiều nhất là trước và trong tết, người dân mua sắm nhiều, ông cũng chở hàng hoá để kiếm thêm. Nhưng hiện tại thì "Tết chưa đến" nên ông lại sống chắt mót để dành từng đồng cho những ngày đói kém mà theo như lời ông nói: “Năm nay làm ăn thua rồi”.
Làm chỉ đủ ăn
Tương tự nhi nghề đạp xích lô, nghề chạy xe ôm truyền thống trong năm nay cũng không lấy gì khá hơn. Dù chạy xe ôm truyền thống kiếm được cũng nhiều hơn nghề đạp xích lô.
Thường trực ngồi chờ khách ở góc đường Phạm Hồng Thái – Trương Định (Q.1, TP.HCM) gần 10 năm nay, ông Châu (tài xế xe ôm) cho rằng những năm sau này, xe ôm truyền thống cũng ngày càng… ế vì không còn ai bắt xe nữa và vì sự xuất hiện của xe ôm công nghệ.
Riêng năm 2018, thu nhập từ nghề của ông khá ổn định. Trung bình mỗi ngày ông Châu kiếm được khoảng 200.000 đồng, tính tổng mỗi tháng chừng 6 triệu đồng. Tuy nhiên, với vật giá leo thang như hiện nay, số tiền kiếm được chỉ đủ chi phí ăn uống, cà phê và xăng xe và ông dư được vài chục ngàn đồng bỏ túi mỗi ngày. Lắm lúc ông phải dành tiền tiết kiệm để sửa xe định kỳ. Mỗi lần sửa như vậy cũng mất hơn 1 triệu, ông chia sẻ.
Ông Châu hành nghề chạy xe ôm ở Q.1
“Được như vậy là nhờ những mối đã có từ lâu. Chứ tôi không hề có khách nào thêm”, ông Châu nói.
Ông Châu kể: “Tiền ngày xưa làm ra để dành được này nọ. Làm được 100.000 là bằng 200.000 bây giờ, mà tiền ăn cơm chỉ từ 10.000 đến 15.000 đồng thôi. Còn giờ cái gì cũng cao. Làm nhiêu cũng không đủ chi phí. Mà còn bị cạnh tranh cao nữa”.
Đến giờ, ngẫm lại năm 2018, ông Châu rút ra được kinh nghiệm, nghề xe ôm truyền thống bây giờ phải được xem là việc phụ để kiếm thêm thu nhập. Nghề này không thể là trụ cột chính như ngày xưa nữa.
Theo Phạm Hữu/TNO
Bình luận (0)