Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Xé rào trong quảng cáo thực phẩm chức năng

Tạp Chí Giáo Dục

Câu chuyện quảng cáo thực phẩm chức năng (TPCN) thổi phồng công dụng hiện nay là vấn đề không mới, thậm chí đã rất nhiều báo đài lên tiếng và cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt nhằm siết chặt vấn đề này. Nhưng rồi, đâu lại vào đấy…

Mượn danh bác sĩ, núp bóng “nhân vật sẻ chia”

Không ít trường hợp tin vào quảng cáo TPCN được thổi phồng công dụng, dẫn tới tiền mất nhưng bệnh không thuyên giảm. Chị Trần Nguyễn Minh Châu (ngụ quận 12) chia sẻ rằng có lần xem chương trình truyền hình về sức khỏe, vị bác sĩ của một bệnh viện lớn tư vấn điều trị về chứng mất ngủ, rối loạn tiền đình và giới thiệu một sản phẩm TPCN hỗ trợ điều trị căn bệnh này. Tin tưởng vào bác sĩ có uy tín, chị đã tìm mua loại TPCN được giới thiệu và uống hơn 4 tháng nhưng vẫn không thấy tác dụng, thậm chí còn bị chóng mặt và buồn nôn mỗi khi sử dụng.

Hay như rất nhiều bài chia sẻ của bệnh nhân về “tác dụng thần kỳ” của  TPCN T. có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh đau dạ dày, được đăng trên không ít tờ báo, trang tin điện tử và các diễn đàn. Theo đó, nhân vật có tên H. (57 tuổi, ở Hà Đông, TP Hà Nội) đã hơn 10 năm bị viêm loét dạ dày, tá tràng với triệu chứng là đau bụng, đầy hơi, ợ chua, mỗi cơn đau kéo dài cả ngày, ảnh hưởng đến cuộc sống. Mặc dù, đã đi chữa trị ở rất nhiều nơi, nhiều bệnh viện lớn, uống đủ các loại thuốc từ đông y sang tây y nhưng bệnh tình không giảm. Được bạn bè giới thiệu sản phẩm T., bà H. uống 3 lọ trong vòng 2 tuần và vui mừng vì triệu chứng đã giảm hẳn, nên bà H. viết thư cảm ơn.

Hầu hết nội dung chung của hình thức “nhân vật chia sẻ” là: trước khi sử dụng sản phẩm thì khổ sở về bệnh tật như thế nào, khi sử dụng sản phẩm một thời gian thì bệnh tình thuyên giảm, khỏi hẳn các triệu chứng do bệnh gây ra. Thậm chí, để tăng thêm tính thuyết phục, những bài chia sẻ đều có tên, tuổi, địa chỉ, hình ảnh cụ thể của nhân vật trải nghiệm.

Khách hàng mua TPCN tại một cửa hàng thuốc trên địa bàn TPHCM

Khó xử phạt hành chính

Nhan nhản những đoạn quảng cáo xuất hiện với tần suất dày đặc trên các website và mạng xã hội, đánh vào tâm lý người tiêu dùng. Các chuyên gia cũng thừa nhận những đoạn quảng cáo này là vô căn cứ và thổi phồng công dụng, nhưng vấn đề “ai xử phạt, xử phạt ai”… vẫn đang là bài toán đau đầu của nhà chức trách.

Mới đây nhất, trên webisite hothanbao.com đã quảng cáo không đúng sự thật về công dụng của TPCN Hỗ thận bảo, sản phẩm do Công ty TNHH Kinh doanh và thương mại Diệu Phương Đường (TP Hà Nội) công bố. Khi phát hiện sai phạm, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã làm việc với đại diện của đơn vị, nhưng giám đốc công ty khẳng định website trên không phải là của công ty cũng như không thực hiện quảng cáo bất kỳ sản phẩm hàng hóa, dịch vụ nào trên website đó. Đây không phải là lần đầu tiên cơ quan chức năng không tìm được chủ thể đã quảng cáo sai, đồng nghĩa với việc không xử phạt được vi phạm về quảng cáo sản phẩm.

Theo một lãnh đạo thanh tra ngành y tế, cơ quan chức năng chỉ có thể xử phạt được nếu chứng minh được cá nhân, doanh nghiệp cụ thể đã thực hiện hoặc phát hành quảng cáo, nhưng quảng cáo trên mạng xã hội thì rất khó và muốn xác thực thì phải mất nhiều thời gian, công sức. Để bảo đảm an toàn sức khỏe cho người sử dụng, tránh việc người dân mua phải sản phẩm không bảo đảm chất lượng, Cục An toàn thực phẩm chỉ có thể thông báo để người tiêu dùng biết rằng quảng cáo đó vô thừa nhận, có thông tin sai lệch và… sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý theo quy định.

Mặc dù danh sách xử phạt các công ty, đơn vị vi phạm về quảng cáo TPCN thổi phồng công dụng ngày càng dài, nhưng dường như Bộ Y tế vẫn chưa “trị” được dứt điểm chiêu trò này. Các đoạn quảng cáo với đủ lời lẽ, thông điệp “có cánh” nhằm móc túi người tiêu dùng, khiến họ rơi vào mê hồn trận TPCN vẫn xuất hiện dày đặc và nhan nhản.

THÀNH SƠN (SGGP)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)