Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Xe tải… hành dân

Tạp Chí Giáo Dục

Thật lạ lùng, con đường An Dương Vương (ADV) (thuộc địa bàn quận Bình Tân, quận 6, quận 8) có quy định cấm xe tải theo giờ, thậm chí có đoạn cấm tuyệt đối không cho xe tải lưu thông, vậy mà xe vẫn chạy bon bon. Kết cục, chỗ kẹt xe, chỗ thành hồ, chỗ thành sông, ổ voi, ổ gà đủ kiểu.

Đường hay… sông

Đường ADV vốn chật hẹp, lại đông người qua lại, nên xe tải được quy định lưu thông theo giờ. Từ vòng xoay Mũi Tàu Phú Lâm về hai hướng Bình Long và Lý Chiêu Hoàng (quận 8) đều có hai bảng cấm rõ ràng: “Cấm xe tải có tải trọng từ 2,5T trở lên, hoặc có tổng tải trọng từ 5T trở lên lưu thông từ 6 giờ đến 21 giờ. Cấm xe tải dưới 2,5T lưu thông sáng: 6 giờ đến 8 giờ, chiều tối từ 16 giờ đến 20 giờ”. Theo phản ánh của đa số người dân, thì “ai cấm cứ cấm, còn xe tải đủ loại vẫn chạy cả ngày lẫn đêm”.

Điều đáng lưu tâm là đoạn từ vòng xoay về hướng quận 8, những mét đường bóng đẹp ngày xưa không còn. Nay từng đoạn đường bị chắp vá trông giống như những miếng bánh quy được đặt kế nhau, ổ gà, ổ voi dần dà xuất hiện ngày càng nhiều. Tệ nhất là khu vực quận 6 giáp quận 8, có đoạn bị hư hỏng đã được lấp lại khá lâu, nhưng chưa thấy cán nhựa nên bụi bay mù mịt. Đi vào sâu nữa, nhiều đoạn mặt đường bị biến dạng thành ao, thành hồ. Thậm chí, có chỗ diện tích nước chiếm toàn bộ mặt đường chỉ có người dân là “thổ địa” mới biết chỗ sâu để tránh. Nhiều người đành xuống xe dắt bộ. Có người đang chạy ngon trớn thì… tắt máy cái bụp. Có người chạy đại, không ngờ lao vào “hố” sâu nên bị ngã. Chị Hạnh, là chủ quán cà phê có “mặt tiền” như một con sông dài cho biết, hàng ngày chị chứng kiến không biết bao nhiêu trường hợp bị lọt hố, té ngửa, té úp, té ướt như chuột lột ở khu vực này. Có khi phụ huynh chở con đi học, lọt hố, ướt hết cả mẹ lẫn con, cả cặp cả sách. Thế là, đành quay về chịu “mang tiếng” nghỉ học mà không có phép. Cũng có trường hợp chàng thanh niên nọ chở bánh mì đi giao vào buổi sáng, cũng lao vào hố nên cả sọt bánh mì có dịp “rủ nhau”… tắm mát. Để khắc phục phần nào, chị Hạnh và bà con “hy sinh” mấy cái “cần – xé” cũ úp lên những hố sâu để thông báo cho người qua lại biết mà lánh nạn.

Cũng là nạn nhân của những cung đường ao hồ, cha con anh Lâm Tuấn Kiệt bị ám ảnh bởi những buổi sáng phải chở con đến trường thật sớm, để còn kịp đến cơ quan đúng giờ làm việc. Khi lưu thông ở những khúc “đường sông”, anh “ưu tiên” để con ngồi trên xe dẫn bộ cho chắc ăn. Chỉ cần con vào đến cổng trường, là anh vội vã chạy tới cơ quan để… vào phòng vệ sinh: rửa giày, giặt vớ, gột gấu quần cho sạch sẽ rồi mới tự tin bước vào phòng làm việc. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Xuân Mao, tổ trưởng tổ dân phố khu phố 1, phường 16, quận 8 bức xúc: “Đường này được sửa sang, nâng cấp không biết bao nhiêu lần. Thậm chí trước kia nền nhà dân cao hơn mặt đường nửa mét, thì nay mặt đường đã cao hơn nhà dân hết rồi. Vậy mà cứ mưa, triều cường là nước lại tràn vào nhà…”.

 Nhiều xe tải ngang nhiên chạy vào đường cấm

Nguyên nhân xe tải ra vào ADV nhiều là do cánh tài xế muốn tránh trạm thu phí An Lạc, nên vào hoặc ra khỏi thành phố bằng lộ trình Kinh Dương Vương – Hồ Ngọc Lâm – ADV và ngược lại. Họ chạy cho đến khi mặt đường tan nát, thì len vào các con đường nhỏ ở khu vực này để đi. Cho đến nay, các con đường này cũng đã thành “sông”, thành “hồ”, khiến cho học sinh các trường Mầm non Bông Sen, Tiểu học Nguyễn Công Trứ, THCS Bình Đông, Trường THPT – chuyên Năng khiếu TDTT Nguyễn Thị Định đều phải khổ sở mỗi khi đến trường. Đến lúc các khúc đường này tệ hơn cả ADV, thì xe tải lại bắt đầu “tái sử dụng” ADV trở lại. Một điều lạ nữa, góp phần không kém quan trọng vào việc làm cho đường lầy lội thêm là “các ông làm đường” quên không làm cống. Vì không có hệ thống thoát nước, nên mỗi khi thủy triều lên, hoặc mỗi khi mưa lớn thì những chỗ đường cao nước cũng ngập đến nửa bánh xe, những chỗ lầy lội thì người dân tha hồ mà “bơi”.

Vừa chạy xe ôm vừa… thổi còi

“Hạnh phúc” hơn phía ADV (hướng Lý Chiêu Hoàng), đoạn ADV (hướng Bình Long) chỉ bị kẹt xe hàng ngày, chứ không phải chịu cảnh lầy lội đến khổ sở. Điển hình của tình trạng này là ngã tư ADV – Tỉnh lộ 10 – Bà Hom. Ngày nào mà ngã tư này không kẹt xe mới là… chuyện lạ. Từ 9 giờ 30 – 12 giờ trưa 24-7, mục kích tại ngã tư, người viết đã chứng kiến không biết bao nhiêu lượt xe tải hạng nặng lưu thông, mà theo quy định thì không được lưu thông vào khoảng thời gian từ 6 giờ – 21 giờ mỗi ngày. Theo lời “các bác xe ôm”, thì từ sáng đến trưa 24-7, ngã tư nhỏ này kẹt xe đến 4 lần. CSGT quận 6 ngày nào cũng tuần tra nhiều lần, nhưng xe tải vẫn cứ chạy ung dung, dù đã có nhiều tài xế “bị thổi”. Đã vậy, theo quy định, đường Tỉnh lộ 10 và Bà Hom, cả hai hướng đều cắm bảng cấm quẹo trái vào ADV, vậy mà các tài xế xe tải cứ vô tư bẻ vô lăng quẹo trái…. Không chỉ có xe tải mà xe buýt cũng dừng trả – đón khách ngay cạnh bảng cấm dừng đậu ở ngã tư, hoặc có thể dừng đậu chỗ nào tùy ý thích của tài xế…

Tình trạng kẹt xe ở ngã tư này, bao nhiêu năm qua khiến người dân khiếp đảm, có phụ huynh phải tìm đường hẻm để đưa con đi học, cũng có người đưa con đi học từ lúc 5 giờ 30 để tránh giờ cao điểm. Thấy không chịu nổi cái cảnh “thất nghiệp” (không có khách) mỗi khi kẹt xe ở ngã tư này, nên hơn chục “bác xe ôm” tuổi từ 35 – 60 đã tình nguyện bỏ tiền túi ra… sắm còi để thổi khi phân luồng, giảm thời gian ùn tắc. Có người thì được khen, có người thì bị người ta cán lên chân, cũng có người bị chửi: “Ông là gì mà ra đứng đây làm chi, bộ không thấy kẹt xe hả?…”. Không thèm tự ái, họ vẫn tình nguyện làm. Có người từ sáng sớm đến 12 giờ trưa mới chạy xe ôm kiếm được 5.000 đồng, vì bận làm “CSGT” nghiệp dư. Theo kinh nghiệm của các bác xe ôm, nếu xe tải không chạy vào giờ cao điểm, xe buýt không dừng sai chỗ thì mật độ kẹt xe sẽ không tệ như đã kể trên.

Thấy hiệu quả từ việc làm của các bác tài xe ôm, từ năm 2005, Công an phường Bình Trị đông đứng ra thành lập đội Trật tự giao thông tình nguyện với 14 thành viên là các bác tài xe ôm ở ngã tư này. Từ khi có đội tình nguyện, hiếm khi thấy các chú cảnh sát phải đứng chốt. Ông Nguyễn Văn Cứ, Ủy viên MTTQ phường Bình Trị Đông, đội trưởng đội Trật tự giao thông tình nguyện cho biết, sự nhiệt tình của Đội đã được công nhận bằng hàng loạt giấy khen của UBND TP.HCM, Ban ATGT TP, Tổng cục Cảnh sát, Thành đoàn, MTTQ quận Bình Tân. Ông Cứ nói: “Các anh em làm không công nhưng rất nhiệt tình. Làm riết rồi ghiền”. Cho tới thời điểm này, họ chỉ mong có được một hoặc hai bộ quần áo để mặc cho đúng với “phong cách” của người làm công tác giữ trật tự trên đường phố. Chẳng phải họ muốn “ra oai” với bà con! Đơn giản chỉ là để không bị người dân làm khó dễ mỗi khi “tác nghiệp”!

Tuấn Kiệt – Bích Vân

Bình luận (0)