Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

“Xẻ thịt” rừng gỗ tếch La Ngà

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều khu rừng tếch hàng chục năm tuổi tại huyện Định Quán, Đồng Nai có đường kính cây từ 30 – 35cm đang bị tàn phá, thay vào đó là những hécta hoa màu, điều, xoài được trồng lên. Đáng nói, những diện tích bị tàn phá này lại cách trụ sở Cty lâm nghiệp La Ngà (Vinafor La Ngà) có nơi chỉ vài trăm mét

Xẻ rừng gỗ tếch để trồng hoa màu

Theo chân một người dân ở xã Thanh Sơn (huyện Định Quán), chúng tôi tiếp cận khu rừng tếch mới bị phá trắng rộng khoảng 2ha, rất gần UBND xã Thanh Sơn. Sau khi khai thác cây tếch, họ trồng xoài, mít và lấy kẽm gai vây lại làm đất canh tác riêng. Dọc theo sông La Ngà, giờ đây là những vườn điều, vườn quýt… đang thu hoạch. Người dân cho biết, trước đây dọc theo hai bên đường là rừng tếch xanh tươi, nhưng giờ đây cũng bị phá đi để trồng các loại cây ăn trái khác.

Nhiều cây gỗ tếch hàng chục năm tuổi chỉ còn trơ gốc.

Tiếp cận một cánh rừng gỗ tếch còn sót lại nằm trong Lâm trường III, tại đây hàng chục cây gỗ tếch bị vàng lá đang chết dần. Bên cạnh những cây gỗ tếch đang xanh tốt còn sót lại thì nhiều gốc gỗ tếch bị đốt cháy đen. Để đốn hạ gỗ tếch, người ta chặt nhiều nhát vào gốc cây và đổ hóa chất vào, chỉ một thời gian ngắn cây tếch sẽ chết và bị đem đi tiêu thụ với giá từ 7 – 10 triệu đồng/m3.

Không chỉ gỗ tếch, các loại cây lồ ô, cây mum cũng bị lâm tặc khai thác cạn kiệt. Tại tiểu khu 14, cây mum còn lại rất ít, chủ yếu là các cây từ 1 – 2 tuổi. Một công nhân cho biết, cây mum bị chặt và nẹp thành từng bó có đường kính từ 20 – 30cm, dài từ 1,6 – 2m chất thành từng đống và chở đi. Nhiều khu đất bên trong rừng gỗ tếch cũng biến mất, thay vào đó là những ao lớn được đào lên để lấy nước tưới cho hoa màu.

Hợp thức hóa rừng để phá rừng

Ông Chu Văn Hòa – nguyên Bí thư xã Thanh Sơn – cho biết, mặc dù rừng tếch được đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước nhưng rất nhiều diện tích rừng tếch được hợp thức hóa việc phá rừng bằng cách giao cho người dân. Sau khi được hợp thức hóa, gỗ tếch được khai thác và đem đi bán với lập luận là cây tếch do các hộ này tự trồng.

“Tuy nhiên, những diện tích rừng gỗ tếch này được Nhà nước đầu tư trồng từ những năm 80 về trước” – ông Hòa bức xúc. Ngoài ra, năm 2011, tại 5 tiểu khu gồm tiểu khu 10,11,12,15,18 thuộc địa phận quản lý của Lâm trường II, hàng trăm hécta lồ ô, mum, le bị chặt phá ngoài khu vực được phép khai thác.

Bên cạnh đó, từ năm 1995 đến năm 2011, Vinafor La Ngà ký 109 hợp đồng giao khoán đất lâm nghiệp cho tư nhân khoảng 200ha nằm trong diện tích rừng sản xuất (rừng gỗ tếch) tại Lâm trường III, IV. Diện tích này Vinafor La Ngà không thực hiện việc thanh lý rừng sản xuất theo quy định để trình lên cấp thẩm quyền phê duyệt trước khi ký hợp đồng. Trong đó, đã có hơn 103ha rừng tếch bị xâm hại nghiêm trọng để các hộ dân này trồng xoài, điều, quýt.

Ngày 16.5, ông Nguyễn Thành Công – GĐ Cty Vinafor La Ngà – cho biết, về số cây lồ ô, mum bị lâm tặc lấy đi, nguyên nhân là do gặp phải thời tiết mưa gió nên lực lượng bảo vệ rừng kiểm tra không kiểm tra thường xuyên nên có một số điểm bị khai thác. Có 2,3ha bị khai thác tại 3 lâm trường, số cây bị chặt phá khoảng 3.000 cây lồ ô và 3.500 cây mum.

Nguyên nhân giao khoán rừng lâm nghiệp cho một số cá nhân, ông Công giải thích: “Do có khu vực gỗ tếch bị thưa, dễ bị cháy nên Cty đề xuất khoán cho một số anh em cán bộ để giữ gìn, bổ sung cây keo để giữ rừng, tránh tình trạng bị chặt hạ. Sau đó TCty kiểm tra quá trình khoán thấy chưa đúng các thủ tục nên đã yêu cầu thu hồi. Trong 8 hồ sơ đã thu hồi lại đó có cán bộ công nhân viên Cty, người dân cũng có, kiểm lâm cũng có nhưng đều đứng tên vợ nên tôi không rõ những người đó là ai”.

Hà Anh Chiến – Sỹ Lê

Theo Lao Động

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)