Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh có căn dặn thanh niên “Phải không sợ khổ, không sợ khó, thực hiện đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên…”. Viết tiếp lời dạy của Bác, thế hệ thanh niên thành phố mang tên Bác hôm nay tiếp tục phát huy sức trẻ, tinh thần xung kích, đến gần dân và chia sẻ cùng dân.
Hơn 1.500 lít nước ngọt đã được 50 đoàn viên thanh niên P.15, Q.Tân Bình chở bằng xe máy quãng đường xa cả trăm cây số trao đến tận tay bà con miền Tây vùng Tiền Giang – vốn là vùng “ngọt hóa” – đang bỏng khát. Sức người có hạn, lượng nước trao tay bà con dù không nhiều khi chỉ mới đến được 54 hộ dân ấp Lý Quàn 1 (xã Phú Đông, huyện Tân Phú Đông) thế nhưng hành động này đã như một sự chia khó cùng bà con. Để tuyên truyền, Đoàn Thanh niên P.15 đã thiết kế nhiều áp phích với những câu khẩu hiệu “đậm chất thanh niên”: Lá lành đùm lá rách; Đâu cần thanh niên có, Đâu khó có thanh niên, Chở nước ngọt về miền Tây… để mang theo suốt hành trình, với mong muốn sẽ huy động thêm nhiều nguồn lực cùng chung tay “giải hạn” cho bà con miền Tây.
Huyện Tân Phú Đông là một vùng cù lao giữa sông Tiền. Xâm nhập mặn đã biến những vùng cù lao màu mỡ của miền Tây trở thành những ốc đảo. Anh Đặng Khắc Di (Bí thư Đoàn P.15, Q.Tân Bình) – người đưa ra sáng kiến chở nước ngọt về miền Tây, tính toán, đầu tháng 3 vẫn chưa phải là thời điểm hạn mặn đỉnh điểm bởi có khả năng cuối tháng 3, đầu tháng 4 hạn mặn sẽ còn khả năng phá kỷ lục. Anh em Đoàn phường chia nhau lên mạng xã hội kêu gọi đoàn viên, thanh niên trong phường tham gia để chở nước về cho bà con. Trong một ngày, danh sách 50 đoàn viên thanh niên đa phần là học sinh, sinh viên, giáo viên tham gia đã được “chốt”.
Những chuyến “xe yêu thương” rẽ cái nắng nóng của phương Nam chở nước ngọt về miền Tây bỏng rát. Mỗi xe chở từ 2-3 bình nước với tải trọng khoảng 60-100 lít nước.
Từ TP.HCM trở về miền Tây, càng đi vào sâu, độ mặn của xâm nhập mặn càng hiện ra rõ nét, những con sông, con rạch cạn dần đến khi chỉ còn trơ đáy. Thậm chí, nhiều khoảnh sân trước nhà dân đất cũng há miệng toác ra. Nguyễn Thủy Tiên (sinh viên năm nhất, Trường ĐH Lao động Xã hội TP.HCM), Tô Tiến Thành (học sinh Trường THPT Vĩnh Lộc, Q.Bình Tân) vừa mừng vừa xúc động trước ánh mắt rạng ngời của người dân miền Tây khi nhận nước.
Thầy Vũ Thanh Tùng (Tổng phụ trách Đội, Trường TH Cách Mạng Tháng Tám, Q.Tân Bình) đưa nước vào căn nhà nằm cuối đường Rạch Bần. Ấp nghèo, mỗi căn nhà cách nhau cả trăm mét, bắc qua những cây cầu khỉ cheo leo, chỉ cần “sẩy chân” là cả người cả nước ngã nhào xuống rạch. “Học sinh nghỉ học dài ngày mà miền Tây thì bỏng rát. Chung sức làm điều gì đó là việc nên làm. Nhất là khi mình là một giáo viên, việc mình làm còn là để giáo dục học sinh, dạy các em về bài học tiết kiệm nước sạch, bảo vệ môi trường trước sự khốc liệt của biến đổi khí hậu, đó còn là bài học về tình yêu thương, sẻ chia, tinh thần tương thân tương ái”.
Ông Võ Văn Tư (72 tuổi, ấp Lý Quàn 1) không thốt nên lời khi nhận được nước ngọt miễn phí. Với gia đình 5 người già trẻ như gia đình ông, số nước này nếu chỉ dùng để uống, để nấu ăn thì tiết kiệm chắt bóp sẽ dùng được cả tuần. Sống đến tuổi này giữa miền Tây sông nước, ông vẫn không khỏi xót xa, thảng thốt trước hạn mặn khốc liệt năm nay. Cô Vũ Thị Thu Hà (phải) và cô Đào Thị Phương Thảo (hai giáo viên Trường TH Tân Trụ, Q.Tân Bình, TP.HCM) chia sẻ, từ chính chuyến đi này, những bài dạy về bảo vệ môi trường đến học sinh sẽ càng trở nên cấp bách, thiết thực và ý nghĩa hơn. “Có lẽ từ trước giờ việc mình làm vẫn chưa đủ. Các hoạt động giáo dục học sinh bảo vệ môi trường hiện cũng đã rất phong phú, tới đây chúng mình sẽ đẩy mạnh hơn nữa, bắt đầu từ dạy học sinh những hành động nhỏ nhất là tiết kiệm nước sạch, tiết kiệm điện, tiết kiệm đồ ăn”.
Hai bé Lê Thị Kim Tuyền (mũ vàng, 10 tuổi) và Ngô Thị Kim Nguyên (11 tuổi) ngụ tại ấp Bà Tiên 1 (cạnh ấp Lý Quàn) nghe tin có phát nước ngọt miễn phí đã chạy xe đạp 30 phút “xuyên trưa” để xin nước. Hai bé cho hay, lâu rồi chỉ còn “nhúm nước ngọt” để uống còn tắm giặt thì dùng nước sông. “Bình nước to tụi con cũng chở về được, có nước ngọt này ba má con mừng lắm”!
Chị Huỳnh Thị Kim Xuyến (Bí thư Xã đoàn xã Phú Đông, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang) cùng đoàn viên P.15 chở nước ngọt đến tận gia đình trong ấp Lý Quàn. “Thấy có nước ngọt miễn phí, mình mừng lắm, bà con cũng mừng lắm vì cả tháng nay bà con đã sống với nước mặn rồi. Ấp Lý Quàn nghèo, đường đi lại khó. Từ UBND xã mà đi đến ấp cũng mất nửa giờ chạy Honda. Vậy mà các anh chị đoàn viên thanh niên P.15 đã đi quãng đường xa từ thành phố xuống, lại chở nước đến từng hộ dân. Nhiều anh chị chưa quen chạy đường đất, ngã xe ì ạch. Tinh thần và tấm lòng đó, thật trân quý biết bao”, chị Xuyến rưng rưng.
Yến Hoa
Bình luận (0)