Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Xem cách nước ngoài tổ chức thi cử

Tạp Chí Giáo Dục

Chương trình phân ban và kỳ thi tú tài của Pháp là một gợi ý tốt. Cả Pháp và Mỹ chẳng ai quan tâm tỉ lệ đậu cao.
Bàn thêm về việc cải cách tuyển sinh, TS Lê Vinh Quốc, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, giới thiệu kỳ thi tú tài và việc tuyển sinh ĐH ở nước ngoài để nhiều người có thể so sánh với những gì hiện có ở nước ta.
Cứ đến hè là cả nước ta lại rầm rộ tiến hành hai kỳ thi quốc gia (thi tốt nghiệp THPT rồi thi tuyển sinh ĐH-CĐ) tốn rất nhiều công sức và tiền bạc nhưng hiệu lực lại rất thấp. Cách làm này ngược lại với các nước bạn.
Kỳ thi tú tài Pháp
Về hình thức, kỳ thi tú tài của nước Pháp cũng là một kỳ thi quốc gia tương đồng với kỳ thi tốt nghiệp THPT của VN. Nhưng kỳ thi tú tài này thể hiện kết quả của một chương trình trung học phân ban khác với chương trình hiện hành ở nước ta nên nó có hiệu lực rất cao.
Chương trình trung học Pháp bao gồm ba khối: khối Tú tài phổ thông – bac G (được chia thành ba ban: Văn chương, Kinh tế-Xã hội, Khoa học tự nhiên); khối Tú tài công nghệ – bac T (chia làm năm ban) và khối Tú tài nghề – bac P (hai ban). Chương trình phân ban như vậy đã định hướng tương lai nghề nghiệp cho học sinh rất rõ ràng và hợp lý, đồng thời có sự cân đối về khả năng lựa chọn chuyên môn của các ban (trong kỳ thi 2010, ở khối bac G có 49% thí sinh dự thi hai ban Văn chương và Kinh tế-Xã hội, 51% thi ban Khoa học tự nhiên). Thí sinh các ban trong cả ba khối đều phải thi toàn bộ các môn đã quy định trong chương trình trung học. Sự phân biệt giữa các ban được thể hiện ở dung lượng đề thi, thời lượng làm bài và hệ số tính điểm. (Môn chính của ban có đề thi nặng hơn, thời gian làm bài lâu hơn và được tính hệ số điểm cao hơn so với môn phụ.) Ở một số môn, sau khi thi viết thí sinh phải (hay được) vào vấn đáp để đánh giá chính xác hơn (hoặc để gỡ điểm nếu thi viết chưa đạt).
Theo TS Lê Vinh Quốc: Nếu chương trình trung học được phân ban hợp lý và kỳ thi tốt nghiệp THPT bảo đảm được giá trị thực sự thì hoàn toàn có thể bãi bỏ kỳ thi quốc gia tuyển sinh ĐH-CĐ. Trong ảnh: Thí sinh kết thúc buổi thi THPT tại Hội đồng thi  trường Nguyễn Thị Minh Khai, TP. HCM. Ảnh: HTD
Khi bị rớt, thí sinh hiểu rõ nhược điểm trong học vấn của mình để học lại và thi lại vào bất cứ kỳ thi nào mà mình muốn, không phải chịu một áp lực nặng nề nào. Luôn chú trọng vào giá trị đích thực của bằng cấp, người Pháp ít quan tâm đến tỉ lệ đậu hay rớt trong mỗi kỳ thi.
Với bằng tú tài, học sinh có thể thẳng đường vào ĐH hay ra đời kiếm sống (rồi sẽ tiếp tục học lên) theo định hướng mà mình đã lựa chọn.
Tốt nghiệp trung học và tuyển sinh ĐH ở Mỹ
Nước Mỹ áp dụng học chế tín chỉ với chương trình học tự chọn ở các trường THPT (high school – từ lớp 9 hoặc 10 đến lớp 12); trong đó có các môn cơ bản mà tất cả học sinh đều phải học nhưng mỗi người được chọn theo các trình độ cao thấp phù hợp với mình, các môn lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp của học sinh, các môn tự chọn hay “nhiệm ý” (free elective) cho các em học thêm theo sở thích của mình. Học sinh lớp 12 chỉ cần tích lũy đủ điểm số cho những tín chỉ của các môn học đã chọn theo quy định của chương trình là được trường cấp bằng tốt nghiệp trung học. Văn bằng này thường được xếp thành bốn hạng, từ xuất sắc đến giỏi, khá và bình thường. Những ai còn thiếu điểm một số tín chỉ sẽ tiếp tục học cho đến khi đủ điều kiện cấp bằng. Vì vậy, các tiểu bang cũng như toàn liên bang không hề có kỳ thi quốc gia tốt nghiệp trung học, cũng ít ai quan tâm đến tỉ lệ “đậu” hay “rớt tú tài”.
Các trường ĐH Mỹ đều có quyền tự trị nên họ tuyển sinh theo các tiêu chí và thủ tục của riêng mình mà không qua một “kỳ thi quốc gia” nào. Những trường có uy tín chưa cao luôn mở rộng cửa đón mọi học sinh tốt nghiệp trung học.
Nhìn lại hai kỳ thi ở Việt Nam
Cả hai kỳ thi quốc gia của nước ta đều bộc lộ sự bất hợp lý và bất cập. Kỳ thi tốt nghiệp THPT bất cập đối với việc đánh giá mục tiêu giáo dục phổ thông, vì không thi đủ các môn trong chương trình THPT. Xuất phát từ một chương trình học được gọi là “phân hóa” mà cơ bản vẫn là chương trình đồng nhất, kỳ thi này không có tác dụng định hướng nghề nghiệp cho việc tuyển sinh ĐH. Hơn thế nữa, “bệnh thành tích” do cơ chế quản lý điều hành sinh ra đã làm cho giá trị của kỳ thi này (và của bằng tốt nghiệp THPT) bị giảm sút nghiêm trọng, khiến cho kết quả của nó không thể dùng để tuyển sinh ĐH. Vì vậy, chương trình phân ban và kỳ thi tú tài của Pháp có thể được coi là một gợi ý tốt cho việc đổi mới chương trình học và kỳ thi tốt nghiệp THPT ở nước ta.
Kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ với “ba chung” và “bốn khối” thực chất là một giải pháp tình thế thay cho việc phân ban ở trường THPT với kỳ thi tốt nghiệp không đáng tin cậy. Cho “thi lại” kiến thức các môn theo đúng chương trình phổ thông mà lại không đánh giá được đầy đủ những năng lực cần thiết cho việc học ĐH, kỳ thi tuyển sinh này là một sự phân ban bất hợp lý đối với chương trình THPT và bất cập đối với mục tiêu tuyển sinh ĐH. Vì thế, nếu chương trình trung học được phân ban hợp lý và kỳ thi tốt nghiệp THPT bảo đảm được giá trị thực sự thì hoàn toàn có thể bãi bỏ kỳ thi quốc gia tuyển sinh ĐH-CĐ, để các trường ĐH và CĐ nước ta tự tổ chức tuyển sinh theo mục tiêu và điều kiện của mình như ở Mỹ hay ở Pháp.
Theo Lê Vinh QuỐc
(phapluattp)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)