Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Xem lại mình trước khi phê bình học sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Những buổi sinh hoạt tập thể như thế này sẽ rất bổ ích: giáo dục ý thức đạo đức, lòng tự hào dân tộc.   Ảnh: T.Tr

Tôi là hiệu trưởng trường THCS N., có thể nói tôi rất nghiêm khắc, luôn quan tâm đến hoạt động giáo dục đạo đức học sinh. Tôi đã đề xuất ý kiến làm hộp thư “Điều em muốn nói” dành cho học sinh để các em có thể nói lên ý kiến, tâm tư nguyện vọng của mình đối với hiệu trưởng và hội đồng sư phạm nhà trường. Một hôm mở hộp thư, tôi nhận được một lá thư được bỏ trong bì rất trịnh trọng:
“Cô ơi! Sáng thứ hai tuần rồi, em thật buồn khi cô phê bình một số bạn trong đó có bạn em lúc chào cờ không hát Quốc ca. Trong khi chính cô là hiệu trưởng mà có bao giờ em thấy cô hát đâu? Cô có biết không, hôm đó bạn em mới cắt a-mi-đan mà.
“Em kính tặng cô bức ảnh này thay cho điều thứ hai muốn nói! (Đó là bức hình chụp cảnh cô hiệu trưởng cùng chồng trên chiếc hon đa đang vượt đèn đỏ ở một ngã tư nhỏ.)” .
Quả thật đúng như lời em học sinh nói, cả tôi, cả mọi thầy cô giáo trong trường và người tổng phụ trách đội, cứ mỗi lần chào cờ đầu tuần chỉ biết đứng lên nhận xét lớp này lớp nọ không hát Quốc ca hay hát quá nhỏ không nghe được gì cả… cả một hội đồng sư phạm nhà trường từ lâu đã không thực hiện được điều ấy, cứ đến lúc hát Quốc ca, chỉ biết dõi nhìn học sinh hát như thế nào, có to rõ hay không mà quên đi rằng hát Quốc ca chính là lòng tự hào dân tộc. Đấy là những sai sót rất lớn mà tôi tin chắc rằng không chỉ cá nhân bản thân tôi, tập thể giáo viên của trường; đấy là sai sót lớn của hầu hết giáo viên ở các trường đã và đang mắc phải.
“Điều em muốn nói” thứ hai cũng là một khiếm khuyết lớn của tôi, có thể đó là lúc vội vàng vì công việc, tuy nhiên như vậy cũng đã vi phạm luật giao thông, không nên biện hộ biện minh mà thẳng thắn nhận khuyết điểm.
Buổi chào cờ đầu tuần sau, trong bài phát biểu của mình, tôi sẽ đọc công khai lá thư ấy cho toàn thể giáo viên và các em học sinh trong trường nghe để xem đó thực sự là bài học quý cho mọi người cùng rút kinh nghiệm và thực hiện, để về sau không mắc phải sai lầm ấy một lần nào nữa.
Đồng thời tôi sẽ khuyến khích em học sinh đã viết bức thư đó mạnh dạn đứng lên để tuyên dương trước toàn trường và mong rằng toàn thể học sinh trong trường hãy noi gương, hãy mạnh dạn đóng góp ý kiến để cùng xây dựng ngôi trường phát triển và hoàn thiện hơn. Không bao giờ có chuyện tôi ghét bỏ hay xử lý em học sinh ấy mà thật sự tôi cảm ơn vì em đã cho mình một bài học quý.
Qua câu chuyện trên, điều tôi thật sự muốn nhắn gởi đến mọi người, đặc biệt là những người có cương vị trong tập thể, hãy là những người luôn luôn thực hiện đúng mọi nội quy, quy định. Có như thế mới có thể làm gương cho cấp dưới, mới có thể nhận xét người khác. Bởi vì, nếu mình sai phạm thì không thể nào phê bình người khác được.
Ngoài những sai phạm như em học sinh nói trên đã nêu ra, tôi nghĩ rằng còn nhiều sai sót nữa mà tôi và các bạn giáo viên đang mắc phải. Chúng ta luôn bắt buộc học sinh phải lễ phép, phải đưa bằng hai tay cho người lớn, thế nhưng thử hỏi trong khi họp phụ huynh, chúng ta đã đưa sổ liên lạc cho phụ huynh bằng hai tay hay chỉ là một tay dù biết người phụ huynh ấy là lớn hơn mình đến 20, 30 tuổi.
Bên cạnh đó, mỗi lần học sinh vi phạm về ý thức, văng tục thô thiển là chúng ta lại bắt viết kiểm điểm, yêu cầu học sinh mời phụ huynh vào trường và ra sức chỉ trích. Nhưng có bao giờ chúng ta xét lại bản thân xem, trong cuộc sống gia đình chúng ta có những lúc cãi vã, chửi nhau và thậm chí đánh nhau với chồng (vợ)?
Chưa hết, trong mỗi lần lên xe buýt, chúng ta cứ “hồn nhiên” xé vé, vứt bỏ khắp sàn xe thế mà vẫn cứ mạnh miệng “dạy” học sinh phải có ý thức bảo vệ môi trường.
Rồi chưa kể đến, mỗi khi đứng trước thang máy ở siêu thị, trường học… chính chúng ta có những lần chen lấn xô đẩy nhau, và điều đó đã tạo cho học sinh một cái nhìn khác về chúng ta.
Còn nữa, đấy là chuyện cấm học sinh hút thuốc, thế mà nhiều giáo viên vẫn phì phèo thuốc lá ngay trong giờ học. Đã nói mà không thực hiện thì làm sao học sinh có thể noi theo?
Còn rất nhiều câu chuyện khác mà những công chức, những người có địa vị trong xã hội hay những người giáo viên đang mắc phải. Ngay từ lúc này hãy cố gắng hoàn thiện mình, hãy cố gắng sửa những khuyết điểm đã từng mắc phải để những khuyết điểm, sai lầm ấy không tái phạm nữa. Có như vậy mới “dạy” được học trò!
Nguyễn Thanh Nam (Đại học Tôn Đức Thắng)

Bình luận (0)