Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Xém mất mạng vì mắc xương cá

Tạp Chí Giáo Dục

Theo các bác sĩ, chỉ cần đến trễ 5 phút là bệnh nhân có thể tử vong vì thiếu oxy lên não, nếu cứu sống thì cũng có thể sống đời sống thực vật.

Sáng 13/6, bác sỹ Võ Quang Phúc, Phó giám đốc bệnh viện Tai Mũi Họng TP Hồ Chí Minh, cho biết bệnh viện vừa cứu sống kịp thời một trường hợp bệnh nhân bị viêm thanh thiệt cấp do mắc phải xương cá.

Đó là bệnh nhân Mai Hưng Duẩn, 41 tuổi, hành nghề bán hàng rong tại quận 7 (TP Hồ Chí Minh). Vào khoảng gần 19 giờ ngày 7/6, anh Duẩn được người nhà đưa đến bệnh viện Tai Mũi Họng TP Hồ Chí Minh trong tình trạng tím tái, mạch và huyết áp bằng 0, trễ 5 phút nữa anh Duẩn có thể sẽ chết não, ngưng hô hấp, ngưng tim, suy hô hấp, tiêu tiểu không tự chủ.

Nhận thấy tình trạng bệnh nhân nguy kịch, bệnh viện Tai Mũi Họng đã kích hoạt quy trình báo động đỏ. Thông qua hình ảnh nội soi, các bác sỹ nhận thấy bệnh nhân bị viêm thanh thiệt cấp, phù nề. Ngay lập tức bệnh nhân đã được đặt nội khí quản thông đường thở, đồng thời hỗ trợ bệnh nhân thở và xoa bóp tim cho bệnh nhân. 

Sau khi bệnh nhân qua cơn nguy kịch, các bác sỹ đã mở một đường thở qua da cho bệnh nhân và tiến hành điều trị kháng sinh. Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Quang Tú, bác sĩ trực tiếp cấp cứu cho bệnh nhân, quá trình cấp cứu gặp khó khăn trong việc đặt nội khí quản do cổ họng bệnh nhân đã sưng to, nhiễm trùng, nhiễm độc cao, bít chặt hoàn toàn đường thở.

Chỉ cần đưa đến bệnh viễn trễ thêm 5 phút nữa là tính mạng của anh Duẩn sẽ nguy kịch.

Sau gần 1 tuần, thanh thiệt của bệnh nhân đã trở lại trạng thái bình thường. Hiện sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, có thể xuất viện trong vài ngày tới. Theo lời kể của anh Hưng Duẩn, 20 ngày trước anh bị mắc xương cá khi ăn cơm, cảm giác vướng ở cổ họng gây khó chịu nên anh khạc liên tục nhiều ngày. Đến ngày 7/6, anh bỗng dưng cảm thấy đau rát cổ, mệt, khó thở, lịm dần và được người nhà đưa đến bệnh viện Tai Mũi Họng.

Bác sỹ Võ Quang Phúc cho biết thêm, thanh thiệt bình thường có kích thước mỏng như cái lá nhưng khi sưng to lên thì sẽ như cái nút chai đậy đường thở lại, gây bít tắc, khó thở. Thanh thiệt dễ bị sưng viêm khi bệnh nhân bị cảm cúm, hóc xương… Bệnh thường gặp ở người lớn tuổi và trẻ em trong thời điểm giao mùa hoặc gặp sự chênh lệch nhiệt độ lớn.

PGS TS BS Trần Phan Chung Thủy, Giám đốc bệnh viện Tai Mũi Họng cho biết: "Viêm thanh thiệt là một cấp cứu y khoa có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Thanh thiệt là một cái nắp sụn nhỏ nằm ở dưới đáy lưỡi có nhiệm vụ ngăn không cho thức ăn đi lạc vào khí quản khi nuốt. Khi bị viêm nhiễm, thanh thiệt có thể làm bít khí quản và gây tử vong do ngạt thở nếu không được khẩn trương cấp cứu".

Viêm thanh thiệt thường xảy ra cấp tính nhưng cũng có thể diễn tiến trong vòng từ vài giờ đến vài ngày. Các triệu chứng thường thấy nhất bao gồm đau họng, khàn giọng, nói khó, sốt, nuốt đau, nhịp tim nhanh, khó thở. Nguyên nhân do vi khuẩn, virus, nấm và các nguyên nhân không do nhiễm trùng gây tổn thương thanh thiệt, như viêm thanh thiệt do nhiệt. Viêm thanh thiệt cũng có thể xảy ra sau khi bị côn trùng cắn gây phản ứng dị ứng phù nề. Chấn thương do vật tù hoặc bị vật gì chặn ở vùng hầu họng cũng có thể dẫn đến viêm thanh thiệt.

Các bác sĩ khuyến cáo, nếu có các dấu hiệu phối hợp các triệu chứng như đau họng, khàn giọng, sốt, không nuốt được, nhịp tim nhanh thì bệnh nhân cần đi khám ngay.

Đan Phương/Báo Tin Tức
 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)