LTS: Trước thềm xuân Giáp Thìn, trò chuyện với phóng viên Giáo dục TP.HCM, GS.TS Huỳnh Văn Sơn – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM – cho rằng nếu còn quá tập trung vào một số môn học để đáp ứng thi cử thì những vấn đề liên quan đến bạo lực học đường có nguy cơ leo thang và biến đổi thành các hình thức phức tạp, khó kiểm soát hơn. Xem nhẹ giáo dục phẩm chất tựa như trồng một cái cây mà rễ không bám vào lòng đất…
GS.TS Huỳnh Văn Sơn
Tầm quan trọng “Giáo dục toàn diện học sinh” của Chương trình GDPT 2018
“Giáo dục toàn diện học sinh” là điểm nhấn quan trọng mà ngành giáo dục quán triệt trong đổi mới giáo dục, điều này hoàn toàn đúng trọng điểm của việc phát triển con người.
Thực tế, tâm lý nặng về điểm số, thành tích vẫn còn chi phối việc thực hiện Chương trình GDPT 2018. Thực trạng xem nhẹ môn học ít tiết hơn hoặc môn học không đánh giá bằng điểm số mà chỉ xếp loại. Quan niệm về một đứa trẻ giỏi là cần giỏi các môn tự nhiên như toán, lý, hóa… còn tồn tại. Hệ lụy đang xảy ra là một số trẻ không được phát huy tiềm năng thực sự của mình, có nguy cơ bị áp đặt, rập khuôn máy móc; học sinh chỉ tập trung vào các môn theo xu hướng các ngành học “hot” thiên về khoa học, kỹ thuật, công nghệ… xem việc học là để thi cử. Tình hình khởi nghiệp, sự thiếu hụt nhân lực chất lượng cao liên quan đến một số ngành về khoa học hành vi có thể xảy ra…
Nếu vấn đề này không được nhận thức đúng và điều chỉnh cách dạy, cách học thì khó phát triển con người một cách toàn diện. Trong bối cảnh hiện nay, con người cần năng lực đa dạng để giải quyết các vấn đề phức tạp, các năng lực này đều là mục tiêu của Chương trình GDPT 2018, đơn cử như nhóm: năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo, năng lực tự chủ vào tự học. Đích đến cuối cùng của năng lực là con người thực hiện các hành vi trong cuộc sống để giải quyết vấn đề hiệu quả, nếu thiếu hiểu biết hay thái độ không đúng thì có thể khiến hành vi đó gây hại cho bản thân lẫn xã hội. Thiếu thái độ, thiếu hệ giá trị đúng đắn thì dễ vấp ngã, hành vi dễ lung lay trước những tiêu cực.
Đặc biệt, nếu vẫn tồn tại quan niệm xem nhẹ môn đạo đức (tiểu học), môn giáo dục công dân (THCS), môn giáo dục kinh tế và pháp luật (THPT) thì là đang xem nhẹ bồi dưỡng phẩm chất. Các môn học này đóng vai trò chủ đạo trong hình thành và phát triển các phẩm chất cho thế hệ Việt Nam tương lai, mà cốt lõi nhất là: Yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm. Xem nhẹ việc giáo dục phẩm chất tựa như trồng cây mà không có rễ bám vào lòng đất.
Bạo lực học đường sẽ leo thang nếu việc học chỉ để đáp ứng thi cử
Vai trò của giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh chưa được đặt đúng vị trí. Việc dạy còn mang tính hình thức chưa đủ đem lại sự rung động sâu sắc cho học trò để hình thành các phẩm chất như nhân ái, trách nhiệm. Hiện nay, học sinh cũng đang gặp nhiều vấn đề về sức khỏe tinh thần do tác động, thay đổi nhanh của xã hội, yếu tố gia đình, tâm sinh lý lứa tuổi. Nếu một nhân cách được giáo dục toàn diện sẽ được trang bị thêm “sức đề kháng” cho tâm hồn, con trẻ không chỉ tư duy tích cực, yêu thương, tôn trọng chính mình mà còn bao dung, tử tế với mọi người.
Chúng ta không thể dạy trẻ năng lực quản lý cảm xúc nếu thiếu giá trị tôn trọng, không thể dạy trẻ kỹ năng giải quyết mâu thuẫn với bạn bè, thầy cô nếu thiếu giá trị yêu thương, hợp tác. Điều này cho thấy, lõi về nhân cách, về giá trị đạo đức là một thành phần không thể thiếu trong giáo dục toàn diện.
Do vậy, nếu còn quá tập trung vào một số môn học để đáp ứng thi cử thì những vấn đề liên quan đến bạo lực học đường có nguy cơ leo thang và biến đổi thành các hình thức phức tạp, khó kiểm soát hơn. Biện pháp phòng ngừa bạo lực học đường cần được ưu tiên hơn can thiệp, xử lý, mà chiến lược quan trọng nhất để phòng ngừa là giáo dục đạo đức học sinh.
Chúng ta cần nhìn lại trách nhiệm của gia đình, tổ chức đoàn thể, xã hội cùng với giáo dục nhà trường phải liên kết chặt chẽ, ý thức cao về trách nhiệm của mình để điều chỉnh, cải tiến một cách tích cực theo định hướng phát triển toàn diện, giáo dục toàn diện học sinh…
Giáo dục toàn diện trong xây dựng trường học hạnh phúc
Một trong những tiêu chí của trường học hạnh phúc là môi trường thân thiện, người dạy lẫn người học đều cảm thấy yêu thương, an toàn và tôn trọng. Xây dựng văn hóa ứng xử trong nhà trường là vô cùng quan trọng để tạo dựng bầu không khí vui vẻ, tôn trọng và tử tế.
Như vậy, quan điểm giáo dục toàn diện cần được triển khai sát sao với những định hướng lẫn biện pháp cụ thể để đưa giáo dục đạo đức cho học sinh (thông qua các môn học) về đúng vị trí. Khi các môn học được tổ chức dạy có hiệu quả thì thái độ, cảm xúc của học sinh sẽ thay đổi tích cực, điều hướng hành vi ứng xử lành mạnh hơn, giảm bớt cho giáo viên những căng thẳng trong tương tác, ứng xử với học sinh, phụ huynh.
Từng môn học, hoạt động giáo dục đều góp phần giáo dục toàn diện, xây dựng trường học hạnh phúc, làm cho học sinh trở nên hạnh phúc. Giáo viên cần điều chỉnh về sự kỳ vọng quá mức ở môn học mình, gieo cảm xúc tích cực với học sinh trong từng buổi học; tạo cảm hứng học tập trong từng hoạt động; tương tác có định hướng để học sinh cảm nhận hạnh phúc trong những cơ hội khác nhau… sẽ góp phần làm học sinh và những bên liên quan hành động tích cực hơn để trường học trở nên hạnh phúc…
Hiểu đúng về giáo dục đạo đức cho học sinh tiểu học
Mục tiêu môn đạo đức (ở cấp tiểu học) là bước đầu hình thành, phát triển ở học sinh những hiểu biết ban đầu về chuẩn mực hành vi đạo đức, pháp luật và sự cần thiết thực hiện theo các chuẩn mực đó; thái độ tự trọng, tự tin; những tình cảm và hành vi tích cực: yêu gia đình, quê hương, đất nước; yêu thương, tôn trọng con người; chăm học, chăm làm; trung thực; có trách nhiệm với thái độ, hành vi của bản thân… Giúp học sinh bước đầu nhận biết và điều chỉnh được cảm xúc, thái độ, hành vi; biết quan sát, tìm hiểu về gia đình, quê hương, đất nước, biết lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch cá nhân, hình thành thói quen, nền nếp cơ bản, cần thiết trong học tập, sinh hoạt…
Chương trình được cập nhật các ngữ liệu, tình huống kế thừa giữa truyền thống và hiện đại trên tính mở để giáo viên phát huy sự sáng tạo, không bị áp đặt bởi sách giáo khoa… Những bài học đạo đức không đơn thuần là lý thuyết mà hướng đến vận dụng, thực hành để chuyển hóa tri thức đạo thức thành hành vi đạo đức…
Tinh thần trong giáo dục đạo đức cho học sinh tiểu học còn tập trung nhiều ở việc giáo dục rung cảm đạo đức, hình thành thái độ tích cực, làm chủ các giá trị đạo đức, giá trị sống để có hành vi, kỹ năng, thói quen phù hợp… Hành trình này phải tác động đồng bộ từ nhận thức đến cảm xúc, các thay đổi bên trong của học sinh sao cho bền vững nhất… Quan trọng nhất vẫn là giúp học sinh cảm thấy hạnh phúc trong từng bài học, phát triển được các phẩm chất và năng lực để hướng đến một nhân cách toàn diện.
Đỗ Giang Quân (ghi)
Bình luận (0)