Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Xem nhẹ… thực hành sư phạm

Tạp Chí Giáo Dục

Được xem là “giảng đường thứ 2” để sinh viên ngành sư phạm có điều kiện thực hành, ứng dụng kiến thức nâng cao tay nghề nhưng việc đầu tư xây dựng trường thực hành sư phạm hiện nay vẫn chưa được quan tâm đúng mức…
Thiếu dấu ấn riêng
PGS.TS Vương Dương Minh (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Tất Thành thuộc ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng, trường thực hành sư phạm có vai trò rất lớn trong việc giúp bổ sung kiến thức và tạo điều kiện cho sinh viên ứng dụng những gì đã học trên thực tiễn. Đây cũng còn là nơi thí điểm các chương trình sách giáo khoa mới của Bộ GD-ĐT, thực hiện đổi mới phương pháp dạy học; xây dựng một mô hình trường học mẫu, chứa đựng những yếu tố tiến bộ. Với tầm quan trọng như vậy, nhiều trường sư phạm, cơ sở đào tạo giáo viên bên cạnh việc liên kết các trường phổ thông, mầm non… trên địa bàn để tiến hành công tác thực tập cho sinh viên còn đầu tư xây dựng các trường thực hành phục vụ cho riêng đơn vị mình. Tuy nhiên, con số các trường sư phạm có trường thực hành riêng còn quá khiêm tốn. Hiện cả nước có 65 trường thực hành sư phạm ở các cấp, đặt trong con số tổng thể của cơ sở đào tạo giáo viên thì mới chỉ đạt tỷ lệ nhỏ. Theo Bộ GD-ĐT, điều này cho thấy quy định bắt buộc các trường sư phạm phải có trường thực hành sư phạm trong các quy chế hiện hành chưa được các đơn vị chấp hành nghiêm chỉnh, gây hạn chế chất lượng hoạt động rèn kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên. Bên cạnh đó, vấn đề chế tài cần thiết nhằm điều chỉnh lẫn cơ chế thúc đẩy phát triển hệ thống các trường “con” này vẫn đang còn bị bỏ ngỏ.
Bộ GD-ĐT cũng chỉ ra rằng, các trường thực hành sư phạm trực thuộc cơ sở đào tạo giáo viên không được cấp kinh phí cho các hoạt động đáp ứng nhu cầu thực hành của sinh viên trong khi vẫn phải “gồng mình” đảm bảo chất lượng giáo dục để khẳng định thương hiệu nhằm thu hút đầu vào, nâng cao chất lượng tuyển sinh. Việc chưa được đầu tư đúng mức khiến cho các trường thực hành sư phạm chưa tạo được dấu ấn riêng khi so với hệ thống các trường thông thường, chưa “ra dáng” trường thực hành sư phạm.
Cần một cơ chế đặc biệt
PGS.TS Vương Dương Minh đặt vấn đề tăng đầu tư tài chính từ bộ cho các trường thực hành sư phạm vì hiện nay nhiều trường hoạt động còn rất khó khăn. Bản thân Trường THPT Nguyễn Tất Thành – một trường bán công, hoạt động dưới cơ chế tự chủ nên không gặp khó về tài chính. Nhưng nếu tài chính nuôi trường được lấy trong kinh phí đào tạo của cơ sở đào tạo giáo viên thì có thể đối mặt với nhiều trở ngại. Theo PGS.TS Minh, cần có cơ chế đặc biệt cho một số trường thực hành sư phạm. Hiện việc sử dụng chung quy chế với các cơ sở khác làm cho các trường thực hành sư phạm không thể hiện được nét đặc thù của mình.
GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc (Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục thuộc ĐHQG Hà Nội) cũng đồng tình, trường thực hành sư phạm để triển khai các nghiên cứu khoa học của giảng viên từ trường sư phạm, cần có cơ chế riêng, đặc biệt, không theo hệ thống đại trà thì những ý tưởng mới của khoa học sư phạm, khoa học giáo dục mới thực hiện được.
GS.TS Lộc nhấn mạnh thêm, thực tế hiện nay, số cơ sở đào tạo giáo viên có trường thực hành sư phạm không nhiều; ít trường sư phạm nào kham nổi việc trả lương cho trường thực hành. Trong khi đó, chúng ta cũng lại thiếu quy định nhằm ràng buộc trách nhiệm của các trường phổ thông đối với vấn đề đào tạo giáo viên. Cũng theo GS.TS Lộc, nếu chúng ta vẫn duy trì kiểu thực tập sư phạm như trước đây, sẽ không có trường phổ thông nào gánh nổi. Bởi khi cả trăm trường đào tạo giáo viên như hiện nay mà đồng loạt ra quân xuống trường thực tập thì sẽ gây áp lực lớn cho chính các trường phổ thông. Với hình thức đào tạo tín chỉ hiện nay, việc yêu cầu các em xuống trường thực tập trong một thời gian nhất định không còn phù hợp. Thay vào đó, tùy năng lực từng sinh viên mà các em đăng ký thứ tự, thời gian thực tập. Như vậy, sẽ có những em bắt đầu thực tập và hoàn thành trước những em khác. Và vì thế thời gian thực tập tại trường có thể kéo dài trong 10 tháng chứ không phải tập trung vào 6 tuần thực tập và 2 tuần kiến tập như hiện nay.
Mê Tâm

Bình luận (0)