Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Xem phim Cổ vật: Lời cảnh báo cần thiết

Tạp Chí Giáo Dục

Cảnh trong phim Cổ vật – Ảnh: VF

Dựa trên một câu chuyện có thật ở làng gốm Chu Ðậu, Hải Dương nhưng Cổ vật không chỉ là lời cảnh báo về nạn chảy máu gốm quý mà còn là sự mất mát những giá trị tinh thần quý báu khác…

 Hiện đang phát sóng đến tập thứ 11 trên kênh VTV1 lúc 20g10 các ngày từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần, bộ phim truyền hình dài 20 tập (đạo diễn: Bùi Huy Thuần, biên kịch: Nguyễn Long Khánh) hấp dẫn khán giả bởi sự độc đáo trong đề tài: thế giới ngầm của những kẻ buôn lậu cổ vật và cuộc chiến giành lại cổ vật của những người trẻ.

Cuộc sống bình yên của gia đình ông Bùi Luận (Phát Triệu) không còn nữa kể từ khi phát hiện một lô cổ vật gốm đời Ðường mà một viên quan đời Minh đã tặng cho tổ tiên mười mấy đời nhà ông. Hàng lô lốc người đã bị kéo vào cuộc: ông Bùi Luận, con trai ông – Tùng (Thanh Tùng), con dâu tương lai Hà Vân (Diệu Hương), chủ tịch xã, cán bộ bảo tàng tỉnh, các giáo sư khảo cổ. Nguy hiểm hơn cả là những đường dây tội phạm cũng lao vào săn tìm: mafia, buôn lậu đồ cổ trong nước và cả những kẻ buôn lậu từ Hong Kong. Mỗi người một mục đích. Người thì muốn bảo vệ cổ vật (con trai và con dâu ông Bùi Luận), kẻ muốn cướp đoạt (Voòng Sanh, Phan Hàm…)…

Cả một thế giới tội phạm không từ thủ đoạn nào để sở hữu cổ vật quý báu. Khi mờ mắt trước con số triệu đô, không ít người đã dễ dàng bỏ quên tình yêu, tình cảm gia đình. Có những kẻ như Kim Tước (Hương Dung) sẵn sàng phản bội chồng và thậm chí bán đứng con gái mình. Có những kẻ như Phan Hàm – chồng Kim Tước – sẵn sàng để vợ mình mồi chài người đàn ông khác để rồi uy hiếp và giành lợi thế về mình trong cuộc tranh giành cổ vật. Có những kẻ như Voòng Sanh (Hồng Sơn) – mafia từ Hong Kong sang – dùng mọi thủ đoạn hết sức ngang ngược để chiếm đoạt cổ vật.

Mỗi nhân vật thuộc đường dây săn đuổi cổ vật đều được khắc họa sắc sảo. Như một Kim Tước với tính cách đa chiều, bị cuốn vào vòng xoáy vật chất nhưng rồi cũng có lúc nghiêng hẳn về phía những người tự trọng. Chính những chi tiết bất ngờ như vậy đã để lại trong người xem nhiều thiện cảm. Tuy nhiên, có một điều khá tiếc nuối là những người tốt được xây dựng khá mờ nhạt, cách chiến đấu với cái xấu gần như là thụ động.

Bộ phim đã đi được một nửa đường. Những âm mưu đã bại lộ, người ngay – kẻ gian cũng đã lộ diện. Vấn đề còn lại là những người tử tế sẽ làm gì và làm như thế nào để bảo vệ gốm cổ Chu Ðậu, bảo vệ những giá trị tinh thần đang bị mai một giữa vòng xoáy kim tiền. Những kẻ rắp ranh cướp di sản quý báu của tổ tiên người Việt rồi sẽ phải trả giá, bởi cổ vật có linh hồn của nó và linh hồn đó sẽ mãi mãi ở lại trong con cháu người Việt mà không bao giờ chấp nhận sống cùng những kẻ cưỡng đoạt văn hóa.

Không thể không nghĩ về những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần của đời sống VN hiện nay khi xem phim. Sự say sưa, trầm trồ, mua đi bán lại, thậm chí cướp đoạt cổ vật bằng mọi cách để kiếm lợi chỉ là phần nổi của tảng băng. Phần chìm còn lại chính là những mất mát vô hình về những giá trị sâu xa của văn hóa truyền thống, di sản tinh thần của cha ông để lại. Bởi lẽ một mặt, những cổ vật trong phim là các thực thể có giá trị vật chất cao, mặt khác đó còn là biểu tượng cho những giá trị tinh thần quý báu tự ngàn đời.

  Là một đề tài lạ giữa “rừng” phim truyền hình hiện nay, bản thân câu chuyện Cổ vật đã tạo một sức hút lớn với khán giả xem truyền hình. Nhưng không chỉ là một bộ phim để khán giả tò mò, Cổ vật còn là lời cảnh báo đúng lúc. Bởi vì trong thực tế đời sống hiện nay, có không ít cổ vật quý báu của VN đang trôi nổi khắp nơi, bị mua đi bán lại và giới buôn lậu đồ cổ quốc tế từ các nước trong khu vực, trên thế giới vẫn tìm đến VN để săn cổ vật.

LAM LINH (Theo TTO)

Bình luận (0)