Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Xem phim Mùa hè sôi động (*): Nhắc nhau sống tử tế với đời

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

"Hồi đó, mỗi lần tui nghe mấy bài hát Mẹ là tất cả gì đó, tui thấy sến bà cố… Bây giờ lúc cha mẹ tui mất rồi tui mới thấy…". Chi bật khóc nức nở, còn tôi cũng rơm rớm nước mắt theo nhân vật trong phim.  

Cảnh trong phim Mùa hè sôi động-Ảnh: Hãng phim Hành Tinh Xanh cung cấp

Dõi theo hành trình của sáu nhân vật, có nhiều lúc tôi đã giật mình nhìn lại mình trong quan hệ với học trò và cả với con gái. Rồi tôi tự hỏi mình đã hiểu được học trò hay chưa, đã hiểu được tuổi mới lớn của các em với những suy nghĩ nhiều lúc lập dị, khác thường chưa. Mùa hè sôi động đã nhắc cho tôi điều đó.

Chi và Duy là hai nhân vật để lại nhiều ấn tượng nhất với tôi. Chi luôn hồn nhiên, lém lỉnh để giấu nỗi buồn vào bên trong. Duy luôn láu cá và sắc sảo trong ngôn ngữ diễn đạt. Phim đã giúp các bạn học sinh trang bị những kiến thức mà nhà trường không cung cấp: kiến thức về động đất, sóng thần, cấp cứu người bị chết đuối, leo dây thoát hiểm khi nhà cao tầng bị cháy…

Nhưng trên hết tất cả, tôi cảm nhận được tâm huyết những người làm phim gửi gắm khi thực hiện một bộ phim, mà mỗi câu chuyện đều ẩn chứa những tầng ý nghĩa ngầm phía trong. Tuổi mới lớn luôn đòi hỏi sự rạch ròi trước những đúng sai, tốt xấu trong cuộc đời. Người lớn chúng tôi – là cha mẹ và thầy cô, không phải lúc nào cũng có thể giải thích được trắng đen. Tôi rất thích lời của hướng dẫn viên du lịch Trung sau khi cả nhóm đã cố gắng giành lại đứa trẻ bị bắt cóc từ tay cô ruột của nó.

Khi Hân hỏi: "Mình bắt lại em bé là đúng hay sai anh?", Trung đã trả lời: "Anh cũng không biết là đúng hay sai nữa. Ðể đứa bé ở với cha say xỉn, nghèo khổ như vậy cũng không phải là tốt, mà cho về với bà nội và cô nó thì xa cha mẹ của nó. Cái nào cũng có cái hay và cái dở. Nhưng các em đã làm đúng. Ra đường thấy việc cần giúp đỡ người khác thì mình làm thôi".

Hoặc như một lần khác, khi Hân đem một em bé bị người đàn bà quyền chức quẹt phải đến bệnh viện trong lúc Duy và Quân bằng mọi cách giữ người đàn bà lại, không cho bà ta bỏ đi. Cuối cùng người đàn bà có vẻ như không bị trừng phạt gì cả trong khi cả nhóm phải đến trình diện công an. Các em đã bức xúc hỏi Trung: Tại sao? Trung trả lời chuyện bà ta làm sai hãy để pháp luật trừng trị, bởi vì chúng ta không thể thay mặt cho luật pháp, điều mà chúng ta có thể làm là giúp đỡ những người cần giúp đỡ và sống tử tế với cuộc đời.

Chỉ có vài điều tôi không bằng lòng với các nhà làm phim là các em ăn mặc đẹp quá. Nhất là em Hân – con nhà nghèo mà ăn mặc rất mốt, có khi còn hơi hở hang với áo sát nách và quần short. Hân là nhân vật thất bại nhất của phim này, tôi không thấy em nghèo và cũng không thấy em có nghị lực gì so với các bạn của mình. Phim cũng có đôi chỗ lời thoại tự nhiên chủ nghĩa quá làm tôi hơi khó chịu – không biết có phải vì tôi là giáo viên nên hơi khắt khe hay không.

Trong cuộc sống hiện nay, các giá trị sống đang là niềm trăn trở lớn với những người làm công tác giáo dục. Bộ phim đã chia sẻ được với nỗi lo đó khi các tình huống của 15 tập phim đã chiếu luôn hướng khán giả tuổi teen đến việc biết quan tâm, giúp đỡ những người xung quanh mình.

NGUYỄN THỊ MINH TRANG (Theo TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)