Bưu điện Việt Nam trong thời gian gần đây đã nỗ lực thiết kế những mẫu tem đẹp – đặc biệt là tem Tết – nhằm cố gắng đáp ứng sự trông đợi của các nhà sưu tập tem.
Như thông lệ hằng năm, năm nay nhân dịp Tết Canh Tý 2020, Bưu điện Việt Nam phát hành mẫu tem Tết theo phong cách thiết kế mới thân thiện với công chúng và người chơi tem, gắn liền với bản sắc văn hóa dân tộc về ngày Tết của người Việt. Bộ tem Tết Canh Tý – 2020 do họa sĩ Nguyễn Quang Vinh thiết kế gồm 2 mẫu:
Mẫu tem số 1
Mẫu 1 (giá mặt 4.000 đồng) có hình ảnh chú chuột mặc áo hoa, với gương mặt rạng rỡ đang vỗ tay, hào hứng khui quà là một chiếc bánh chưng. Con tem thể hiện niềm vui và hạnh phúc (vui khi nhận được quà và hạnh phúc trong cuộc sống ấm no).
Mẫu tem số 2
Mẫu 2 (giá mặt 15.000 đồng) có hình ảnh cô chuột áo hoa bầu bĩnh đang lém lỉnh hướng mắt vào cặp bánh tét. Nội dung con tem thể hiện niềm tin và hy vọng (tin tưởng vào những điều tốt lành gói trong chiếc bánh ẩn dụ, hy vọng vào tương lai tươi đẹp).
Bộ tem được thiết kế theo phương pháp “cutting layer” (lớp cắt) – phong cách đang được nhiều nước trên thế giới sử dụng thiết kế tem Tết – một minh chứng cho sự bắt đầu hội nhập của tem Tết Việt Nam theo trào lưu thiết kế tem quốc tế. Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất của tem chuột Canh Tý năm nay so với tem Tết thế giới chính là sự thể hiện rõ nét các quy luật của triết lý âm dương trong bộ tem.
Bộ tem khắc họa hình ảnh hai bé chuột, một nam một nữ xinh xắn, sinh động, đáng yêu. Chú chuột trông thật oai vệ, tư thế ngồi bên trên cúi đầu nhìn xuống; trong lúc cô chuột má hoa đào, dáng bầu bĩnh, đang đứng phía dưới thì đầu lại hướng lên trên, như một sự giao hảo, kết đôi bền chặt. Đuôi chú chuột trai vạch một đường vòng dứt khoát, mạnh mẽ, còn đuôi cô chuột uốn cong mềm mại, điệu đà uyển chuyển như một dải lụa ngập ngùng dò hỏi; một bên mời gọi, một bên e ấp, biểu hiện cho âm dương hòa hợp.
Màu sắc tưởng chừng tương phản, đối lập nhưng lại kết hợp hết sức hài hòa theo triết lý âm dương: kết hợp nhiều cặp phạm trù biểu trưng cho thuộc tính âm dương đối lập mà cùng nhau tồn tại trong quan niệm dân gian từ xưa.
Mẫu tem 1 dày đặc các biểu tượng âm tính như bánh chưng hình vuông tượng trưng cho đất vuông, cùng hoa đào đại diện cho Tết xứ Bắc, thì lại hiển hiện ở vị trí trung tâm hình ảnh chú chuột với một chiếc bánh (số lẻ), trên nền đỏ dương tính. Ngược lại, trong mẫu tem 2 có vô vàn các biểu tượng âm tính như bánh tét hình tròn tượng trưng cho trời tròn với hoa mai biểu trưng của Tết phương Nam, thì lại xuất hiện hình ảnh cô chuột cùng cặp bánh (số chẵn), ở giữa không gian tem nền xanh âm tính.
Rõ ràng, bộ tem thể hiện triết lý âm dương in dấu tự bao đời trong tâm thức người Việt: Không có gì hoàn toàn âm hoặc hoàn toàn dương, trong âm có dương, trong dương có âm; âm dương hòa hợp, gắn bó mật thiết với nhau và luôn chuyển hóa cho nhau.
Nhìn ngắm kỹ bộ tem, ta thấy tác giả đã thể hiện khá nhiều cặp yếu tố đối lập trên 2 mẫu tem, với màu sắc tươi tắn, tương phản mà hài hòa giữa gam nóng và gam lạnh, thần thái linh vật là hai bé chuột Canh Tý lanh lợi, sống động, âm dương hòa hợp, bộ tem tràn ngập không khí mùa xuân, ẩn chứa thông điệp của tác giả gửi đến muôn phương, cầu chúc mọi nhà một cái Tết tươi vui, đầm ấm và năm mới sung túc, thịnh vượng. Ngoài ra, người xem còn có thể suy tưởng, cảm nhận từ các hình tượng trên tem chuột Canh Tý nhiều tính chất khác như: tính truyền thống, tính thời trang – hiện đại, tính luân hồi…
Bộ tem Tết Canh Tý còn chứa đựng khá nhiều ẩn ý ở tầng sâu, khơi gợi nhiều suy ngẫm trong tư duy người xem, chờ bạn đọc nhân những ngày xuân thong thả, trong hương đào sắc mai dìu dặt, nhấm nháp lát mứt gừng, khề khà ly trà ấm, mà thỏa sức khám phá, chiêm nghiệm.
ThS. Đỗ Thành Dương
Bình luận (0)