Khách tham quan phòng trưng bày chuyên đề “Chân dung Bà mẹ Việt Nam anh hùng miền Nam và TP.HCM”
Phòng trưng bày chuyên đề “Chân dung Bà mẹ Việt Nam anh hùng miền Nam và TP.HCM” tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ vừa được khánh thành. Đây là lần đầu tiên bảo tàng sử dụng ứng dụng “Smart Museum” (giải pháp “bảo tàng thông minh”) nhằm phục vụ khách tham quan một cách trực quan sinh động thông qua những thiết bị công nghệ hiện đại.
Bà Nguyễn Thị Thắm (Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ) cho biết, chuyên đề được trưng bày trang trọng với 70 hình ảnh và 60 hiện vật của bà mẹ Việt Nam anh hùng thuộc các tỉnh thành miền Nam và TP.HCM. Đó là hình ảnh của những người mẹ nông dân chân chất, trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt vẫn cật lực lao động để nuôi sống gia đình nhưng vẫn kiên tâm tiếp tế lương thực, thực phẩm, thuốc men phục vụ cho kháng chiến. Đó là hình ảnh của những bà mẹ anh dũng trong vai trò là người giao liên, dẫn đường cho bộ đội ra vào hoạt động, tham gia tải thương, biểu tình, chống dồn dân vào ấp chiến lược. Hay là hình ảnh những bà mẹ kiên cường làm công tác binh vận, dân vận, tình báo, hoặc trực tiếp tham gia lực lượng võ trang và trở thành những nữ tướng cầm quân xuất sắc.
Theo bà Thắm, chuyên đề “Chân dung Bà mẹ Việt Nam anh hùng miền Nam và TP.HCM” là kết quả của quá trình nghiên cứu thuộc Dự án “Nghiên cứu sưu tầm, trưng bày tư liệu về bà mẹ Việt Nam anh hùng TP.HCM” trong thời gian dài, từ những ngày đầu thành lập cho đến nay. Qua đó nhằm khắc họa rõ nét chân dung của những bà mẹ Việt Nam anh hùng để giới thiệu đến khách tham quan và các thế hệ sau.
Ghi nhận nỗ lực của bảo tàng với chuyên đề ý nghĩa, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM) khẳng định: “Sự kiện khánh thành phòng trưng bày về chân dung bà mẹ Việt Nam anh hùng là sự thể hiện tình cảm quý trọng, tôn vinh của nhân dân với công lao đóng góp và sự hy sinh to lớn của các mẹ Việt Nam anh hùng đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc”.
Bên cạnh sự kiện khai mạc phòng trưng bày tôn vinh mẹ Việt Nam anh hùng, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ nhân dịp này cũng ra mắt “Bộ sưu tập chóe của Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ”. Đây là bộ sưu tập gồm 150 chiếc chóe (vật dụng để đựng muối, gạo, nước…) của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên, được sưu tầm trong hơn 20 năm qua. Đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, ngoài cồng chiêng thì chóe không chỉ là vật dụng cần thiết trong đời sống thường ngày, mà còn đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống tín ngưỡng. Vì đây là vật dụng dùng trong các dịp cúng tế thần linh, cưới hỏi, ma chay… Có thể nói bộ sưu tập đã phần nào thể hiện được nét văn hóa truyền thống trong đời sống của đồng bào trên vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ.
Theo bà Nguyễn Thị Thắm, “Smart Museum” là giải pháp “bảo tàng thông minh” lần đầu tiên được triển khai tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ. Hệ thống do Công ty cổ phần Công nghệ Sao Bắc Đẩu nghiên cứu và phát triển trên nền công nghệ 4.0, bao gồm ứng dụng mobile kết nối các thiết bị IoT. Thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh, máy tính bảng, hệ thống sẽ tự động xác định chính xác vị trí nơi du khách đang tham quan, và sau đó giới thiệu thông tin của các hiện vật gần vị trí mà du khách đang đứng, thông qua các video clip, hình ảnh, thông tin dữ liệu bằng chữ viết…
Bích Vân
Bình luận (0)