Cộng điểm ưu tiên là chủ trương tốt, đầy nhân văn không chỉ áp dụng ở nước ta mà cả quốc gia khác. Tuy nhiên, hiện nay tình hình thay đổi, mức chênh lệch điều kiện ở các khu vực 1, 2, 3 đã khác xưa, phải điều chỉnh cho phù hợp.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia năm nay |
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã nhận định điều này, trước vấn đề cộng điểm ưu tiên khu vực và đối tượng đã và đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận suốt kỳ xét tuyển ĐH-CĐ sư phạm năm nay.
Thí sinh trúng tuyển từ chối nhập học là không khó hiểu
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, hiện tượng 110.000 thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học là không quá khó hiểu. Vì “chất lượng kéo theo số lượng”, trường nào chất lượng tốt sẽ được nhiều người học quan tâm, lượng thí sinh trúng tuyển đăng ký nhập học cao hơn. Phải chấp nhận các cơ sở giáo dục có cạnh tranh, phân tầng chất lượng. Lý giải về hiện tượng kỳ thi THPT quốc gia 2017 có nhiều điểm 10, được ví như “mưa điểm 10”, Bộ trưởng đã đề cập đến những mặt tích cực của hình thức thi trắc nghiệm, cho rằng hình thức này được nhiều hơn chưa được. “Nếu như năm ngoái, điểm 10 thường rơi vào trường hợp rất giỏi hoặc học tủ thì năm nay có thay đổi một chút. Bởi đề thi trắc nghiệm khách quan kiểm tra kiến thức trải rộng, tạo cơ hội cho nhiều học sinh có cơ hội được điểm cao. Hơn nữa năm nay nội dung thi chỉ tập trung trong chương trình lớp 12, trong quá trình học tập học sinh có 3 lần được làm quen với dạng thức đề thi, tạo thuận lợi cho thí sinh ôn tập. Tuy kết quả có nhiều điểm tuyệt đối hơn nhưng theo số liệu thống kê, điểm 9-10 cũng chỉ chiếm 3% trong phổ điểm cả nước”, Bộ trưởng nhận định.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng chỉ ra thêm, cái được lớn nhất là việc thay đổi hình thức thi đã cho kết quả rất minh bạch, khách quan, giảm tốn kém cho xã hội. Số điểm 9-10 tuy có nhiều hơn nhưng trung vị vẫn là 4-6 điểm chứ không hẳn là “mưa điểm 10” như dư luận bình luận.
Đề thi năm tới phân hóa rõ hơn
Nhắc đến hiện tượng “30 điểm vẫn trượt ĐH”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, năm nay chúng ta áp dụng minh bạch, công khai thông tin trong tuyển sinh. Điều này được công nghệ thông tin hỗ trợ rất tốt nên nhiều thí sinh cùng đăng ký vào một số trường tốt, ngành “hot” như y, dược, công an, quân đội… trong khi chỉ tiêu các trường này không tăng, thậm chí là giảm tới 50%, nên điểm chuẩn các trường/ngành này cao là điều dễ hiểu. “Tuy vậy, ngành giáo dục sẽ khắc phục bằng việc rút kinh nghiệm ra đề thi phân hóa rõ nét hơn nữa. Năm đầu tiên chúng ta triển khai đề thi trắc nghiệm chuẩn hóa, kết quả như vậy đã là một sự cố gắng lớn, tuy nhiên cần phải hoàn thiện về mặt kỹ thuật để năm sau đề thi có sự phân hóa tốt hơn nữa”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Khoảng 41% học sinh tốt nghiệp THPT vào ĐH, CĐ Thống kê của Bộ GD-ĐT, năm học 2016-2017, học sinh tốt nghiệp THPT vào ĐH, CĐ khoảng 41%; vào CĐ nghề, TC khoảng 23%; học nghề tại trung tâm đào tạo nghề khoảng 13% và đi làm khoảng 10%. Trong kỳ thi THPT quốc gia và đăng ký xét tuyển ĐH năm nay, tỷ lệ học sinh không đăng ký xét tuyển ĐH là 26%. Thực tế cho thấy đã có sự chuyển biến về nhận thức của học sinh trong việc lựa chọn ngành nghề và hướng đi phù hợp với năng lực của mình. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng nhìn nhận, hệ thống thông tin thị trường lao động còn thiếu và chậm cập nhật, chưa đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp cho học sinh, nhất là đối với học sinh THCS trong bối cảnh tâm lý chạy theo bằng cấp còn nặng nề. |
Đối với vấn đề “nóng” khác được dư luận “mổ xẻ” nhiều những ngày qua là điểm đầu vào ngành sư phạm ở mức thấp, Bộ trưởng cho rằng cần nhìn nhận toàn diện và thấu đáo. Nếu phân tích, không phải ngành sư phạm nào năm nay cũng có đầu vào quá thấp. Có những phân ngành điểm trúng tuyển vẫn khá cao hoặc ở mức tương đối nhưng cũng có phân ngành điểm thấp, nhất là ở các trường CĐ có đào tạo ngành sư phạm. Bên cạnh đó, qua theo dõi thực tế nhập học, đa số thí sinh nhập học có điểm thi cao hơn điểm trúng tuyển mà trường công bố.
T.Trân
Bình luận (0)