"Có thể vào đầu tuần sau, chúng tôi sẽ họp xem xét vấn đề này. Cô Thư là một giáo viên năng nổ, nhiều lần được huyện khen thưởng vì có thành tích đóng góp cho ngành giáo dục. Không hiểu hôm đó tâm lý thế nào mà hành xử với học trò như vậy", sáng 5/3, ông Vũ Ngọc Nhã, Trưởng phòng GD – ĐT huyện Giồng Riềng cho biết.
Theo ông Nhã, phòng đã nhận được hồ sơ, kiến nghị hình thức kỷ luật của Trường THCS Mai Thị Hồng Hạnh đối với cô giáo Thư. "Do một số đồng chí trong phòng giáo dục đang đi công tác nên chưa thể tổ chức họp hội đồng kỷ luật của phòng để chuyển hồ sơ qua UBND huyện ra quyết định kỷ luật được".
Ông Nhã cho rằng, theo ý kiến cá nhân, hình thức cảnh cáo toàn ngành giáo dục huyện và buộc chuyển công tác đến đơn vị công tác khác là phù hợp. "Hoàn cảnh gia đình cô Thư cũng khó khăn, chồng công tác ở huyện khác, vợ đi dạy, phải ở nhờ nhà người thân…”.
Bà Trần Thị Huệ, hiệu trưởng cho hay, việc cô giáo đánh HS là có thật, nhưng chỉ có một em có vết hằn ở mông. Sau khi tìm hiểu, hầu hết phụ huynh đều thông cảm với hành động của cô giáo Thư. Bởi, mục đích đánh chỉ nhằm giáo dục HS.
"Tuy nhiên, hành động của cô Thư đã vi phạm đạo đức nhà giáo, vi phạm luật giáo dục. Hội đồng kỷ luật nhà trường đã họp, thống nhất hình thức “cảnh cáo toàn ngành giáo dục, buộc chuyển công tác về trường khác sau khi năm học này kết thúc”, bà Huệ nói.
Trao đổi với chúng tôi, cô Thư bày tỏ: “Tôi quá tức giận vì các em học sinh không chịu học bài, cho dù đã nhiều lần nhắc nhở, dùng nhiều biện pháp khác nhau, kể cả việc báo cho phụ huynh. Tuy nhiên, tôi cũng không thể biện minh cho việc làm sai trái của mình được. Tôi rất ân hận về hành động thiếu kiềm chế của mình. Đây là một bài học lớn trong nghề sư phạm của tôi”.
Theo báo Kiên Giang số ra ngày 4/3/2009, cô Lê Hoàng Thụy Anh Thư là một GV năng nổ, tích cực tham gia các hoạt động phong trào của trường và địa phương. Từ trước đến nay, cô Thư luôn giữ mối quan hệ, ứng xử tốt với mọi người. Cũng theo bài báo này, cô Thư đã tâm sự trong nước mắt: “Vì quá giận các em nhiều lần không chịu học bài và soạn bài nên tôi đánh đòn các em. Trước đây, tôi yêu cầu các em viết bản tự kiểm, bắt chép bài phạt, thậm chí gửi thư mời phụ huynh đến để thông báo tình hình học tập của các em, nhưng các em vẫn không thuộc bài và làm bài.”
Mai Trâm (Vietnamnet)
**************
Ho ten: Ngô Nam Hải
Dia chi: Nimes France
Tôi thấy cách đưa tiêu đề của bài báo rất giật gân. Lúc đầu, tôi nghĩ sao lại có giáo viên gì mà "dã man" thế? Nhưng khi đọc bài tôi thấy không có điều gì đáng phải làm to tát đến thế cả. Hãy đặt những ai, trong hội đồng xét xử cô giáo Hoàng Thụy Anh Thư vào địa vị của cô ấy xem sao.
Sự việc như vậy, theo tôi, có 2 mặt. Thứ nhất và phía học trò, tại sao khi cô giáo hỏi những ai chưa chuẩn bị bài thì đúng dậy, thì tất cả lớp đứng dậy. Đây là một sự thách thức của học trò với cô giáo, vì tôi cũng đã trải qua cái thời nhất quỷ nhì ma, tôi cũng đã từng làm những trò đối phó với cô giáo như vậy. Nhưng bây giờ, ở tuổi lớn hơn, tôi nhận thấy, những lúc ấy, cô hoặc thầy giáo có thể quật vài cái roi, đấy là việc làm thương học sinh. Việc đánh mỗi học sinh 5 roi vào mông, đây không phải là hành hung, hay sỉ nhục học sinh. Cho tôi hỏi, những ai đã từng thành đạt, từng là giáo sư, bác sỹ … có từng bị roi vọt không, hay chỉ bằng những lời đường ngọt để trưởng thành?
Tóm lại, tôi thấy việc làm của cô giáo Thư là hoàn toàn đúng. Thử hỏi, trong ngành giáo dục có được mấy ai như cô Thư, sẵn sàng cho roi cho vọt. Việc kiểm điểm cô giáo Thư đấy thực sự là vì sự việc này hay vì mục đích khác ?
Ho ten: Nguyễn Hải Định
Dia chi: Hà Nội
Hành động đánh học sinh là không thể chấp nhận. Một lúc đánh 400 roi trên 86 em HS mà cô giáo không thấy chán hay sao? 86 em chắc chắn có em giỏi em dốt, có em chăm em lười, tại sao cả 86 em không thuộc bài? Cô giáo phải tỉnh táo mà để ý điều này mới phải. Đáng lẽ, cô phải hỏi và tìm nguyên nhân xem sao và phải kiên trì giáo dục.
Con tôi, trước lười học một số môn truyền thống và qua nhiều năm, sau khi được một bác giáo viên có tuổi giúp đỡ, cháu học các môn này có khá hơn nhưng đặc biệt là cháu không còn sợ học các môn đó nữa, cũng hết lười học các môn đó. Tôi nghĩ cần phạt để cô giáo cũng như các nhà giáo phải tỉnh táo và nghiêm khắc với mình hơn, với phương pháp dạy sao cho HS cảm thấy yêu thích môn học của mình hơn. Khi đã thích thì không bao giờ chúng lười và sẽ không có tình trạng 86 HS không thuộc bài. Mặt khác, các nhà giáo phải tự tìm giải pháp trong tình huống này chứ không thể bào chữa bất cứ lý do gì cho việc đánh trẻ.
Ho ten: Đào Hoài Nam
Dia chi: Thái Bình
Tôi thấy hành động của cô Thư là không đáng bị cảnh cáo toàn ngành mà chỉ cần kiểm điểm trong cấp trường là quá lớn rồi vì những lý do sau:
Thứ nhất: Trường THCS Mai Thị Hồng Hạnh là trường chuẩn quốc gia đầu tiên của Kiên Giang vậy mà cả 2 lớp học sinh đều không thuộc bài?
Thứ hai: Khi tôi còn là học sinh "hiện nay tôi đã đi làm và có thể nói là thành đạt", lúc đó tôi cũng học không được tốt lắm và tôi cũng bị một số thầy cô bắt đứng úp mặt vào tường trước cả lớp, đánh cho vài roi, chửi cho vài câu. Chính những điều ấy đã làm tôi trưởng thành và có được cuộc sống như hôm nay. Tôi biết ơn thầy cô về những điều này.
Thứ ba: Tôi chỉ xin cô Thư hãy xem lại xem câu hỏi và bài tập cô ra cho các em học sinh có quá không mà cả 86 bạn đều không thuộc bài vậy? Nếu quá khó thì lỗi đó có một phần thuộc về cô và một phần thuộc về giáo án của toàn ngành.
Thứ tư: Tôi biết phụ huynh nào thấy con em mình bị thầy cô giáo đánh cũng thương con, như mong các phụ huynh hãy sáng suất nhìn lại xem cô Thư đánh các em 400roi/86 em như vậy có là quá đáng không, có nhiều không?
Nếu là có thể chấp nhận được để từ đó con em các vị có thể học tập tốt hơn thì hãy thông cảm cho cô Thư. đặt giả sử cô Thư cứ yên phận "cứ dạy, mặc kệ các em học ra sao thì học" thì cô vừa nhàn thân lại vừa không bị mang tiếng thì cô đâu có bị như thế này. Tôi biết hiện nay có rất nhiều người trong ngành giáo dục đi dậy cứ mặc hoặc trò muốn học hay không là tuỳ.
Ho ten: Nguyễn Đăng Thúy Quyên
Dia chi: TP.HCM
Người giáo viên hiện nay không có một sự chỉ đạo thiết thực nào về việc xử lý học sinh vô kỷ luật cả. Đừng so sánh với những trường ở nước ngoài, vì ở đó, người giáo viên nhận được sự cộng tác chặt chẽ từ gia đình và xã hội. Còn ở Việt Nam, chúng tôi chỉ nhận được sự lên án, phải chịu hoàn toàn trách nhiệm khi giảng dạy không đạt chỉ tiêu, khi học sinh lười học, mà không được sự giúp đỡ nào. Tôi thấu hiểu và thông cảm về hành động của cô Thư.
Ho ten: Anh Tuấn
Dia chi: Lạc Sơn-Hoà Bình
Quyết định của ngành giáo dục là không sai. Nhưng theo tôi, khi xử lý kỷ luật 1 giáo viên thì không nên chỉ căn cứ vào 1 chi tiết không xem xét đến toàn bộ quá trình công tác và những công việc của cô giáo đã đạt được trong thời gian qua. Công việc cô giáo đã làm thì cần xem lại có phải chỉ vì nhất thời khi đã cuối buổi học và có phải là có tính hệ thống hay không? Hiện nay, có rất nhiều quy định đối với người giáo viên nhưng còn đối với học sinh thì gần như không có thêm quy định nào về xử lý kỷ luật.
Bình luận (0)