Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Xét học bạ: Làm thế nào để dễ đậu?

Tạp Chí Giáo Dục

Nhu cầu nhân lực bị tác động và thay đổi như thế nào trong bối cảnh dich Covid-19, chọn học ngành nào để dễ có việc làm… là những thông tin được các chuyên gia đưa ra trong Chương trình tư vấn trực tuyến năm 2021 “STEP UP YOUR FUTURE” do Tạp chí Giáo dục TP.HCM phối hợp với Trường ĐH Kinh tế- Tài chính TP.HCM (UEF) tổ chức.


Các chuyên gia tư vấn trong chương trình

Chương trình cũng dành ra những lời khuyên hữu ích cho thí sinh trong việc xét tuyển bằng phương thức học bạ, để tăng cơ hội trúng tuyển, học tập tại các ngành học yêu thích.

Dịch Covid-19 có làm thay đổi nhu cầu nguồn nhân lực?

Đại dịch Covid-19 đã tác động đến nhiều ngành nghề trên thế giới, làm đứt gãy nhiều chuỗi trung chuyển trong các ngành nghề. Tuy vậy, đứng ở góc độ nhu cầu nguồn nhân lực, ông Trần Anh Tuấn (chuyên gia Dự báo nhu cầu nhân lực, TP.HCM), khẳng định, nhu cầu nhân lực trong đại dịch vẫn rất khát, nhất là nhân lực theo xu hướng chất lượng cao với kỹ năng nghề nghiệp tốt, ngoại ngữ vững.

“Bất cứ nghề nào cũng có thể thất nghiệp chứ không riêng gì trong bối cảnh dịch Covid-19. Vậy học như thế nào để dễ tìm việc làm?. Thị trường lao động đòi hỏi sự kiên trì vươn lên, nhất là có am hiểu về công nghệ, có ý chí làm việc, trang bị tư tưởng học tập suốt đời, hoàn thiện các kỹ năng mềm để doanh nghiệp thừa nhận”.

Chuyên gia nhân lực này nhận định, trong bối cảnh dịch bệnh cộng với cuộc CMCN 4.0 thì CNTT vẫn là ngành học chiếm ưu thế chủ đạo, song các nhóm ngành khác như công nghệ kỹ thuật, kinh tế tài chính, hành chính, khoa học xã hội vẫn rất khát và cần nhân lực cao. “Điều quan trọng vẫn là sự phù hợp. Chỉ cần chọn được ngành nghề phù hợp, xây dựng được giá trị nghề nghiệp của bản thân thì việc làm vẫn nằm trong tầm tay, khối óc của mỗi người”.

Trước câu hỏi của thí sinh, làm thế nào để tấn công thị trường lao động, lời khuyên được TS. tâm lý Tô Nhi A đưa ra là người học phải có năng lực thực sự, tên ngành học, trường học không phải là “bảo chứng” để có việc làm. “Trong môi trường toàn cầu hoá hiện nay, người học cần phải có mục tiêu phấn đấu, xây dựng kế hoạch và lộ trình cụ thể để hiện thực hoá mục tiêu đó”.

Một lưu ý nữa, chuyên gia này nhấn mạnh, đó là dù làm việc trong lĩnh vực nào thì người học cũng cần phải rèn luyện khả năng giao tiếp, nếu làm việc trong môi trường đa văn hoá thì phải trang bị thêm khả năng am hiểu về văn hoá, ngôn ngữ. “Các doanh nghiệp quan tâm đến khả năng làm việc thực tế của bạn chứ không hẳn là quan tâm đến bằng cấp tên trường mà bạn theo học. Các bạn nên cố gắng trang bị kỹ năng sống, cố gắng có chất liệu cuôc sống thực tế càng nhiều càng tốt”, TS.A nói.  

Chọn ngành học thế nào cho phù hợp?

Dành lời khyên cho thí sinh trong việc lựa chon ngành nghề, thầy Đỗ Vũ Ngọc Trung (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thủ Đức, TP.Thủ Đức) chia sẻ, công tác hướng nghiệp hiện nay được các nhà trường rất chú trọng, đẩy mạnh từ năm lớp 10, xuyên suốt năm học với nhiều chương trình, kết nối. Do vậy, học sinh nên tận dụng các cơ hội trải nghiệm để có thể lựa chọn được ngành học, trường học phù hợp nhất với bản thân mình.

Trong khi đó, TS. Lê Thị Thanh Mai (Trưởng ban Công tác sinh viên, ĐH Quốc gia TP.HCM) khẳng định, để chọn được ngành học, trường học phù hợp trước hết thí sinh phải nắm vững thông tin. Theo dõi kỹ thông tin về Đề án tuyển sinh của các trường ĐH, điểm chuẩn hàng năm cung như chỉ tiêu, đồng thời chú ý thêm những điểm mới về quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ của Bộ GD-ĐT. “Lựa chọn bài thi khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội tuỳ thuộc vào định hướng của học sinh chọn học ngành gì, vào trường nào. Cạnh đó còn phải xác định năng lực, tố chất, cơ hội việc làm để ưu tiên chọn lựa ngành học phù hợp”.

Xét tuyển bằng học bạ: Nộp càng sớm, cơ hội trúng tuyển càng cao

Từ ngày 1-3, UEF bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển ĐH bằng phương thức học bạ 3 học kỳ và 5 học kỳ. Điều kiện để xét tuyển bằng phương thức này là tổ hợp học bạ từ 18 điểm trở lên đối xét học bạ 3 học kỳ và từ 30 điểm trở lên đối với xét học bạ 5 học kỳ.

Thông tin thêm về phương thức xét tuyển bằng học bạ, ThS. Phạm Doãn Nguyên (Giám đốc Trung tâm Tư vấn Truyền thông, UEF) nhấn mạnh, đây là hai phương thức có giá trị tương đương và độc lập đối với các phương thức xét tuyển còn lại của trường là xét điểm thi tốt nghiệp THPT và kết quả thi Đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM. Do vậy, khi trúng tuyển người học được thụ hưởng mọi giá trị như nhau, bằng cấp là như nhau không có bất kỳ sự phân biệt nào so với các phương thức khác. “Nếu sử dụng xét tuyển bằng học bạ thì các em nên nộp sớm, không những sẽ giúp các em giảm áp lực thi cử mà còn mở ra cơ hội trúng tuyển cao hơn ở các ngành học phù hợp, nhập học sớm hơn để trải nghiệm cuộc sống sinh viên”.

Theo ThS. Nguyên, số lượng thí sinh sử dụng xét tuyển bằng phương thức xét học bạ ngày càng tăng. Thực tế xét tuyển hàng năm cho thấy, ở đợt xét tuyển đầu tiên thì điểm trúng tuyển chỉ tăng từ 1-2 điểm so với điểm nộp hồ sơ, tuy nhiên càng về các đợt xét tuyển sau, mức điểm trúng tuyển càng cao, thường tăng dao động từ 5-7 điểm. “Xét tuyển bằng học bạ thí sinh có thể đăng ký bằng hình thức online sơ tuyển, qua đường bưu điện hoặc trực tiếp tại trường. Thông tin tuyển sinh thêm thí sinh nên tham khảo trực tiếp qua website của trường”.

Mùa tuyển sinh năm 2021, UEF cũng dành các suất học bổng giá trị từ 25%-100%, không giới hạn cho tân sinh viên ở tất cả các phương thức xét tuyển. Thí sinh là con em giáo viên, lãnh đạo các trường THPT, cán bộ Sở GD-ĐT trúng tuyển bất cứ ngành học nào của trường nhận được học bổng 30% học phí duy trì toàn khoá học. Ngoài ra, khi lựa chọn học ở 12 ngành học: CNTT, Thương mại điện tử, Ngôn ngữ Nhật, Ngôn ngữ Hàn Quốc, Ngôn ngữ Trung Quốc, Quan hệ công chúng, Công nghệ truyền thông, Quan hệ quốc tế, Khoa học dữ liệu, Quảng cáo, Thiết kế đồ hoạ, Tâm lý học, thí sinh được nhận học bổng doanh nghiệp trị giá 30% học phí duy trì toàn khoá học.

Bài, ảnh: Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)