Theo các nhà chuyên môn ở các trường có ngành hot tuyển khối C, năm nay cũng có những ngành điểm chuẩn sẽ đến 29 – 30 điểm.
Theo GS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH-NV (ĐH Quốc gia Hà Nội), có một biến số nhỏ tác động vào điểm chuẩn năm nay là Bộ GD-ĐT xét nguyện vọng (NV) theo mô hình tập trung, nghĩa là thí sinh (TS) dẫu biết mình đã trúng tuyển theo các phương thức xét tuyển sớm (hoặc xét tuyển trước) nhưng vẫn phải đợi đến khi cả nước xét tuyển đợt 1 thì mới biết có thật sự trúng tuyển hay không! Như vậy, có thể TS đã đỗ rồi, nhưng trong thời gian chờ đợi, các em lại điều chỉnh NV nên trường chưa chắc đã nhận được TS.
Cũng theo GS Tuấn có thể nhiều trường sẽ phải linh hoạt trong việc dành chỉ tiêu cho các phương thức đồng thời điểm chuẩn của các ngành sẽ còn phụ thuộc vào việc TS đặt NV vào phần mềm đăng ký của Bộ thế nào. Do đó, mặt bằng điểm chuẩn về căn bản sẽ như năm ngoái, nhưng cũng sẽ tăng nhẹ ở một vài ngành.
Dự kiến năm nay điểm chuẩn nhiều ngành khối C ở mức cao. ĐỘC LẬP
Điểm chuẩn có cơ hội “hạ nhiệt” ?
GS Tuấn cho biết cách xác định điểm chuẩn từng ngành của Trường ĐH KHXH-NV cũng như mọi năm, nghĩa là có chia chỉ tiêu cho các phương thức, các tổ hợp, nhưng chia một cách tương đối, rồi căn cứ vào chỉ tiêu để lấy từ trên xuống cho đến hết chỉ tiêu theo từng phương thức, từng tổ hợp. Mặt khác, năm nay các đơn vị trong ĐH Quốc gia Hà Nội đều dành phần trăm nhất định chỉ tiêu cho phương thức dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực. Do đó chỉ tiêu dành cho phương thức xét điểm thi kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ giảm chút ít, theo đó điểm chuẩn có thể tăng nhích lên.
Tiến sĩ Nguyễn Triều Dương, Phó phòng Đào tạo ĐH, Trường ĐH Luật Hà Nội, cho biết trường vẫn dành 49% chỉ tiêu cho phương thức dựa vào kết quả thi kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nhưng có thuận lợi cho TS là ngành “hot” nhất – luật kinh tế (xét tuyển 4 tổ hợp, gồm A, A1, D, C), năm ngoái có 350 chỉ tiêu thì năm nay tăng thêm 100 chỉ tiêu; trong đó xét tuyển phương thức dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT là 224 chỉ tiêu. Chỉ tiêu cho tổ hợp khối C 30%, các tổ hợp D 30%, các tổ hợp A và A1 mỗi tổ hợp 20%. Vì thế, có thể điểm chuẩn ngành này nhìn chung sẽ giảm. Tuy nhiên, riêng với khối C thì mức 29,25 điểm (phương thức dựa vào kỳ thi tốt nghiệp THPT) chưa hẳn là ngưỡng cao cuối cùng trong lịch sử điểm chuẩn khối C Trường ĐH Luật Hà Nội. “Phổ điểm môn văn và địa khá ổn định, nhưng môn sử tăng, điểm 7 trở lên môn sử nhiều hơn khá nhiều so với năm ngoái. Do đó rất khó dự đoán điểm chuẩn khối C năm nay”, tiến sĩ Dương cho biết.
Tuy nhiên, ông Dương cho rằng do TS đã trúng tuyển bằng các phương thức khác vẫn còn cơ hội điều chỉnh NV nên có thể các trường không tuyển đủ chỉ tiêu cho các phương thức này như dự kiến. Vì thế các trường sẽ tăng chỉ tiêu cho phương thức dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT thì có thể điểm chuẩn khối C vẫn có cơ hội hạ nhiệt.
Điểm chuẩn ngành “hot” khó có thể thấp hơn
Nhưng với các ngành “hot” khối C, GS Tuấn cho rằng điểm chuẩn vẫn sẽ duy trì mức cao, thậm chí là nhỉnh hơn một chút so với năm ngoái, mức tăng sẽ dao động trong khoảng 0,5 – 1 điểm.
Thí sinh khu vực 3 không lo thiệt Theo GS Tuấn, TS khu vực (KV) 3 đã được tạo điều kiện ở việc có các căn cứ xét tuyển khác, như đánh giá năng lực, xét học bạ, xét các chứng chỉ quốc tế… Còn TS các KV khác thì nhiều em chỉ biết trông chờ cơ hội ở kỳ thi tốt nghiệp THPT. Còn tiến sĩ Dương thì cho rằng việc khối C lấy điểm chuẩn quá cao ở các ngành hot không ảnh hưởng nhiều tới TS KV3 trúng tuyển vào các ngành này, vì các em KV3 vẫn có cơ hội trúng tuyển bằng phương thức xét học bạ. |
Theo phân tích của GS Tuấn, những ngành hot năm ngoái sở dĩ điểm chuẩn chạm trần thang điểm thi là bởi năm ngoái các ngành đó có chỉ tiêu xét tuyển thẳng, xét tuyển sớm nhiều, nên số lượng chỉ tiêu còn lại cho xét điểm thi tốt nghiệp THPT ít. Chẳng hạn năm ngoái ngành Hàn Quốc học Trường ĐH KHXH-NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) chỉ có 60 chỉ tiêu, mà đỗ bằng phương thức xét tuyển thẳng đã suýt soát một nửa, nên chỉ tiêu dựa vào kết quả thi cho riêng khối C ngành này chỉ còn khoảng 15 (trong khi có tới 900 – 1.000 NV). Năm nay vẫn áp dụng chính sách cộng điểm ưu tiên như năm ngoái (điểm khu vực tối đa 0,75 điểm, điểm ưu tiên tối đa 2 điểm), do đó TS KV3 chỉ có thể hy vọng trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm, xét tuyển trước.
Còn tiến sĩ Dương thì khuyên TS cũng nên để ý điểm ở tổ hợp khác của mình, để cân nhắc dùng tổ hợp nào dùng đăng ký NV1. Ví dụ, một TS đạt 28 điểm tổ hợp C, còn tổ hợp D thì thấp hơn một chút (27 điểm chẳng hạn), mà muốn đăng ký vào ngành luật của Trường ĐH Luật Hà Nội thì sử dụng điểm của tổ hợp D sẽ lợi hơn dùng điểm tổ hợp C. Hoặc nếu điểm khối D1 cao thì có thể đăng ký ngành ngôn ngữ Anh, luật thương mại quốc tế (các ngành này không lấy khối C), chứ không nhất thiết phải là luật hay luật kinh tế. “Trường ĐH Luật Hà Nội có chủ trương hết năm thứ nhất, với những em học khá trở lên thì được đăng ký học song ngành, khi đó các em có thể đăng ký học luật kinh tế”, TS Dương cho biết.
Theo Quý Hiên/TNO
Bình luận (0)