Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Xét tuyển bằng đánh giá năng lực: Bao nhiêu điểm thì trúng tuyển?

Tạp Chí Giáo Dục

Năm nay, điểm kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM được sử dụng để xét tuyển vào 105 cơ sở đào tạo ĐH và CĐ trong cả nước. Thí sinh xét tuyển bằng phương thức này cần lưu ý những quy định khác nhau về điểm sàn, quy định riêng của các trường và các ngành.

Theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM), năm nay ĐH này dành tối thiểu 45% chỉ tiêu xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực. Các đơn vị thành viên có quy định về mức điểm xét tuyển khác nhau. Trong đó, Trường ĐH Công nghệ thông tin công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển từ 600 điểm cho tất cả các ngành. Trường ĐH Bách khoa công bố ngưỡng điểm nhận hồ sơ xét tuyển với phương thức kết hợp nhiều tiêu chí, trong đó điểm bài thi đánh giá năng lực từ mức 600 trở lên và điểm thi tốt nghiệp THPT 18 điểm trở lên. Trong trường hợp thí sinh (TS) không thể tham gia kỳ thi đánh giá năng lực, có thể thay thế bằng điểm thi tốt nghiệp THPT theo công thức quy đổi điểm do trường quy định.

Các trường ngoài hệ thống ĐH Quốc gia TP.HCM cũng có những quy định mức điểm nhận hồ sơ không giống nhau. Trường ĐH Ngoại thương nhận hồ sơ từ mức 850 điểm, Trường ĐH Kinh tế quốc dân từ mức 700 điểm. Một số trường thành viên ĐH Quốc gia Hà Nội cũng xét tuyển kết quả bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM nhưng đưa ra mức nhận hồ sơ khá cao: Trường ĐH Giáo dục từ 750 điểm; Trường ĐH Quản trị và kinh doanh 750 -760 điểm tùy ngành…

Thí sinh tham gia đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2024

Thí sinh tham gia đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2024. NHẬT THỊNH

Khu vực phía nam, ĐH Kinh tế TP.HCM công bố nhận hồ sơ từ 700-730 điểm các ngành đào tạo tại cơ sở TP.HCM và từ mức 500 tại Phân hiệu Vĩnh Long. Trường ĐH Công thương TP.HCM nhận hồ sơ từ mức 600-700 tùy ngành. Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM quy định TS phải có điểm thi đánh giá năng lực từ 700 trở lên mới được đăng ký xét tuyển vào trường.

Trong số 35 ngành của Trường ĐH Tây Nguyên, trường chỉ nhận hồ sơ xét tuyển với TS đạt điểm thi từ mức 850 trở lên cho ngành y khoa; từ 700 điểm cho ngành điều dưỡng, kỹ thuật xét nghiệm y học và các ngành đào tạo giáo viên (trừ ngành giáo dục thể chất); các ngành khác từ mức 600 trở lên… Trường ĐH Đà Lạt cũng nhận hồ sơ từ mức 800 điểm đối với tất cả các ngành.

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết trường nhận hồ sơ từ 650 điểm các ngành tại TP.HCM và 600 điểm các ngành tại Phân hiệu Quảng Ngãi. Trong đó, riêng ngành dược TS cần có thêm học lực giỏi lớp 12 hoặc điểm xét tốt nghiệp từ 8,0 trở lên theo quy định chung của Bộ GD-ĐT. TS xét tuyển vào trường có thể sử dụng điểm kỳ thi đợt 1 và đợt 2.

Nhiều trường khác thông báo nhận hồ sơ từ mức 500 đến trên 600 điểm.

Dự báo mức điểm chuẩn

Thạc sĩ Phùng Quán, chuyên gia tuyển sinh Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết năm nay có nhiều trường ĐH và CĐ sử dụng phương thức dùng kết quả điểm thi đánh giá năng lực sẽ dẫn đến thu hút nhiều TS, thêm cơ hội trúng tuyển cho các TS. Số TS có điểm thi đánh giá năng lực từ 800 điểm trở lên gần với năm 2022, do đó dự báo điểm chuẩn xét tuyển từ kỳ thi này của các trường ĐH sẽ tương tự năm 2022 (nếu không có việc đăng ký thi đợt 2 tăng đột biến).

Từ thực tế xét tuyển các năm trước, thạc sĩ Quán cho rằng TS có xu hướng tập trung vào các ngành "hot" như: nhóm ngành công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, kinh tế quốc tế, kinh doanh quốc tế, quản trị kinh doanh, báo chí, truyền thông, tâm lý học, ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Hàn quốc… "Khả năng các ngành "hot" sẽ tiếp tục giữ vững ngôi đầu. Đặc biệt những ngành như khoa học máy tính, trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, điểm sẽ cao và rất cao so với các ngành khác. Các ngành khác sẽ từ 650 điểm đến 800 điểm", thạc sĩ Phùng Quán dự báo.

Năm nay, hơn 100 trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM để xét tuyển. NHẬT THỊNH

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân cũng đưa ra những phân tích từ thống kê phổ điểm của 93.828 bài thi đợt 1. So sánh với kết quả đợt 1 năm ngoái, điểm thi năm nay có nhiều biến động trong từng khoảng điểm khác nhau. Ở khoảng điểm cao trên 1.000, số bài thi năm nay giảm gần một nửa so với năm ngoái. Từ mức trên 800 đến dưới 1.000, kết quả năm nay cũng thấp hơn đáng kể. Nhưng khoảng điểm từ trên 600 đến 800, số bài thi lại cao hơn nhiều. Việc giảm mạnh số bài thi đạt điểm từ mức trên 800 chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến xu hướng điểm chuẩn các ngành xét TS từ mức điểm này ở những năm trước đó. Đồng thời, các TS có điểm bài thi trong khoảng 600 đến dưới 800 của năm nay sẽ cạnh tranh nhiều hơn trong xét tuyển.

Riêng về Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, tiến sĩ Nhân đánh giá: "Năm nay trường dự kiến tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm bài thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM từ 15% năm ngoái lên 20% chỉ tiêu năm nay (tương đương khoảng 1.600 TS). Việc tăng chỉ tiêu cộng với giảm số TS đạt điểm cao so với năm ngoái, điểm chuẩn các ngành của trường theo phương thức này có thể giảm, đặc biệt các ngành lấy điểm chuẩn từ 800 năm ngoái".

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công thương TP.HCM, cũng bình luận: "Phổ điểm năm nay của TS thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM có 2 xu hướng thay đổi so với năm ngoái: giảm số lượng bài thi từ mức 800 trở lên và tăng số bài thi từ trung bình đến dưới 800. Với kết quả này, đợt thi thứ 2 được dự báo phổ điểm sẽ cao hơn bởi những TS thi cải thiện điểm sau lần đầu tiên".

Từ đó, thạc sĩ Sơn cho rằng điểm chuẩn những trường xét tuyển kết quả TS dự thi cả 2 đợt sẽ còn phụ thuộc vào đợt thi thứ 2. Với các trường chỉ xét điểm đợt 1, điểm chuẩn có thể sẽ biến động theo hướng giảm điểm chuẩn các ngành tốp đầu.

Nhận định thêm, thạc sĩ Sơn nói: "Các trường và các ngành lấy điểm chuẩn ở khoảng giữa, điểm chuẩn dự đoán sẽ tương đương năm ngoái. Trường ĐH Công thương TP.HCM điểm chuẩn có thể trong khoảng 600-730 vì năm nay chỉ tiêu tăng hơn năm ngoái. Trong đó, các ngành điểm chuẩn thuộc nhóm cao hơn có thể gồm: marketing, thương mại điện tử, công nghệ thực phẩm…".

Tuy nhiên, TS cần lưu ý điểm sàn các trường đưa ra chỉ là mức điểm đủ điều kiện nộp hồ sơ xét tuyển. Điểm chuẩn các ngành cụ thể của các trường sẽ có sự khác biệt tùy theo thực tế hồ sơ so với chỉ tiêu. Nhiều ngành, nhiều trường điểm chuẩn chỉ bằng điểm sàn ở mức 500-600 điểm, nhưng có những ngành điểm chuẩn trên mức 1.000. Chẳng hạn, năm ngoái 2 ngành có điểm chuẩn cao nhất trên 1.000 ở phương thức này trong toàn khối ĐH Quốc gia TP.HCM là khoa học máy tính (chương trình tiên tiến) và trí tuệ nhân tạo của Trường ĐH Khoa học tự nhiên.

Theo Hà Ánh/ TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)