Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 năm 2021 tại TPHCM. Ảnh: Nguyễn Dũng |
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, nói rằng, sau khi phân tích phổ điểm cũng như dựa vào số thí sinh có điểm thi trên 8 điểm/môn, dự báo điểm chuẩn trường tốp trên sẽ có nhiều biến động. “Do số chỉ tiêu xét tuyển theo điểm thi THPT còn ít vì nhiều trường xét học bạ và đánh giá năng lực, điểm chuẩn dự báo sẽ tăng.
Cụ thể, ở tổ hợp môn A00 (Toán, Lý, Hoá) dự kiến sẽ tăng từ 0,5-1 điểm; A01 (Toán, Lý, Anh) tăng 1-2 điểm; B00 (Toán, Hoá, Sinh) tăng 1-1,5 điểm; D01 (Toán, Văn, Anh) tăng 1,5-2,5 điểm; D07 (Toán, Hoá, Anh) tăng 1-2,5 điểm”, ông Dũng phân tích. Ông cho rằng, thí sinh điểm cao vẫn có thể rớt nếu đăng ký ít nguyện vọng vào các trường đại học tốp trên.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh và truyền thông, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, cũng nhận định điểm chuẩn năm nay sẽ biến động theo chiều hướng tăng. “Nguyên do là điểm thi năm nay cao hơn năm ngoái nhiều; có nhiều trường đã cắt giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT và thay vào đó là nâng chỉ tiêu xét học bạ, đánh giá năng lực…”, ông Sơn nói.
Ông dự đoán, điểm chuẩn năm nay sẽ tăng từ 0,5-3,5 điểm tùy ngành, tùy trường. “Cụ thể, điểm chuẩn của khối A00, B00, D01, A01… các ngành của các trường ở tốp trên khoảng từ 24 điểm trở lên mới trúng tuyển, các trường tốp giữa thì điểm trúng tuyển cũng từ 20-22 điểm trở lên. Các ngành, trường có khối ngành xã hội cũng có điểm cao hơn năm ngoái chừng 1 điểm trở lên vì điểm môn Tiếng anh, Văn, Địa lý, Giáo dục công dân có phổ điểm rất cao”, ông Sơn nhận định.
Đối với khối ngành Y dược, thạc sĩ Trương Tiến Sĩ, chuyên gia tư vấn tuyển sinh, giảng viên Trường ĐH Ngân hàng TPHCM, cho biết, so với năm 2020, tổng chỉ tiêu đào tạo ngành y khoa của cả nước không có nhiều thay đổi (khoảng 5.500 chỉ tiêu). “Tổng số thí sinh khối B đạt mức điểm trên 26 điểm của năm 2021 là 6.867 em, so với 7.268 em của năm 2020, giảm 401 em.
Số thí sinh có mức điểm trên 23 điểm của 2 năm 2020 và 2021 gần như bằng nhau (năm 2020 là 53.252 em và năm 2021 là 53.289 em). Với những số liệu này, dự kiến điểm chuẩn ngành Y khoa và các ngành liên quan của các trường thuộc khối y dược sức khoẻ sẽ không có nhiều biến động”, ông Sĩ nói. Ông dự đoán, Trường ĐH Y dược (thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội), ĐH Y Dược Hà Nội và ĐH Y dược TPHCM sẽ tiếp tục dẫn đầu về mức điểm chuẩn trúng tuyển năm nay.
Điểm Tiếng Anh cao do đề dễ
Kết quả công bố điểm thi, phổ điểm thi tốt nghiệp THPT ngày 26/7 của Bộ GD&ĐT cho thấy, điểm thi môn Tiếng Anh năm nay có sự bất thường khi điểm đột ngột tăng cao, phổ điểm có 2 hình chóp. Các giáo viên, chuyên gia cho rằng, điểm thi cao là do đề quá dễ, không phải do chất lượng dạy học trong trường phổ thông tăng lên.
Trong số 866.993 bài thi môn Tiếng Anh, có hơn 4.345 điểm 10 (năm ngoái chỉ có 225 bài). Có tới 101.000 thí sinh đạt điểm 9 trở lên. Điểm trung bình là 5,84, tăng so với các năm trước chỉ ở mức 4,3-4,5 điểm. Điều này khá bất thường so với phổ điểm môn thi này trong kỳ thi những năm trước. Năm ngoái, môn tiếng Anh xếp đội sổ vì điểm trung bình là 4,57. Số lượng thí sinh điểm 10 chỉ có 225 em. Năm 2019, môn Tiếng Anh có tới 68,74% bài thi có mức điểm dưới trung bình; gần 38.000 bài thi điểm 2 trở xuống.
Cô Bùi Nguyễn Hương Giang, giáo viên Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội, nhìn nhận, những năm trước, phổ điểm môn Tiếng Anh luôn lệch trái với đa số thí sinh đạt điểm thấp. Năm nay phổ điểm 2 đỉnh, trong đó đỉnh thứ nhất ở mức 4 điểm với 29.505 bài thi (chiếm 3,4%); đỉnh thứ hai ở mức 9 điểm với 24.471 bài thi (chiếm 2,82%). Cô Giang cho rằng, nguyên nhân là đề thi có khoảng 80% câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu, thậm chí nhiều câu kiến thức dành cho học sinh các khối thấp hơn THPT. Bên cạnh có, một tỉ lệ học sinh đã đầu tư cho môn học này.
TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Đại học FPT, nói rằng, kết quả thi môn Tiếng Anh năm nay khá trùng lặp với phổ điểm Tiếng Anh thi lớp 10 của Hà Nội vừa qua với 1 đỉnh dành cho số đông và 1 đỉnh cho đối tượng đầu tư tiếng Anh nhiều. Trong đó, số đông đạt mức điểm thấp, bên cạnh đó có tỉ lệ học sinh được đầu tư học ngoại ngữ, đặc biệt là trẻ ở thành phố.
Phản ánh đúng thực tế dạy và học?
Trả lời phóng viên Tiền Phong chiều qua về phổ điểm môn Tiếng Anh năm nay, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng – Bộ GD&ĐT, cho biết Bộ đã phân tích chi tiết phổ điểm môn Tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Phổ điểm của cả nước khá đồng dạng với phổ điểm của một số tỉnh, thành phố lớn vốn có sự khác biệt rõ về điều kiện dạy học, nhất là điều kiện dạy học môn ngoại ngữ. Cục Quản lý chất lượng đã phân tích phổ điểm của từng nhóm thí sinh ở các vùng miền khó khăn và vùng miền có điều kiện dạy học thuận lợi. Từ việc phân tích cho thấy, đề thi môn Tiếng Anh năm nay đã phản ánh khách quan kết quả học tập của thí sinh cũng như phản ánh trung thực điều kiện dạy học của các trường là khác nhau, đặc biệt giữa các trường ở vùng thuận lợi và vùng khó khăn.
Chất lượng dạy và học môn ngoại ngữ trong trường phổ thông gần đây được chú trọng, đầu tư hơn; xu hướng đổi mới dạy học ngoại ngữ những năm gần đây đã thu hút nhiều học sinh đầu tư vào học Tiếng Anh. Số lượng học sinh dùng điểm thi môn Tiếng Anh trong tổ hợp xét tuyển vào các trường đại học khá nhiều, trong đó có cả trường tốp trên. Bên cạnh đó, nhiều học sinh phấn đấu để đạt được chứng chỉ ngoại ngữ uy tín để sử dụng tuyển sinh trong nước và du học nước ngoài.
Theo Nguyễn Dũng/TPO
Bình luận (0)