Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Xét tuyển bổ sung: Cơ hội cho thí sinh chưa trúng tuyển

Tạp Chí Giáo Dục

Theo lịch của Bộ GD&ĐT, 30/9 mới kết thúc tuyển sinh đợt 1. Tuy nhiên, đã có gần 100 trường đại học (ĐH) thông báo xét tuyển bổ sung, trong đó có những trường chỉ tiêu lên đến hàng nghìn.

Ghi nhận tại khu vực phía Bắc, không chỉ các trường ngoài công lập mà một loạt trường ĐH công lập cũng thông báo xét tuyển bổ sung. Trường ĐH Nông lâm, ĐH Thái Nguyên xét tuyển bổ sung đối với 23 ngành đào tạo bằng 3 phương thức: xét kết quả thi tốt nghiệp THPT (từ 15 – 20 điểm); xét kết quả học bạ (15 – 17 điểm); xét kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội (55/150 điểm).

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Nam Định thông báo bổ sung 480 chỉ tiêu đối với 3 phương thức xét tuyển tương tự Trường ĐH Nông lâm, ĐH Thái Nguyên. Trường ĐH Quản lý và Công nghệ Hải Phòng bổ sung 671 chỉ tiêu cho 7 ngành đào tạo. Trong đó, ngành Ngôn ngữ Anh xét tuyển bổ sung nhiều nhất với 192 chỉ tiêu.

Nhiều trường khác cũng thông báo xét tuyển bổ sung như Trường ĐH Điều dưỡng Nam Định, Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam, Trường ĐH Công nghệ và Quản lý hữu nghị, Học viện Phụ nữ Việt Nam, Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia Hà Nội)…

Xét tuyển bổ sung: Cơ hội cho thí sinh chưa trúng tuyển ảnh 1

Thí sinh vẫn còn nhiều cơ hội trúng tuyển ĐH trong các đợt xét tuyển bổ sung. Ảnh: Như Ý

Ở khu vực phía Nam, đã có nhiều trường thông báo xét tuyển bổ sung trên website. Trường ĐH Hùng Vương TPHCM tiếp tục dành đến 2.000 chỉ tiêu cho đợt xét tuyển bổ sung (tổng chỉ tiêu của trường này năm nay là 2.045 sinh viên). Trường ĐH Đà Lạt xét tuyển bổ sung 640 chỉ tiêu cho 32 ngành học với mức điểm xét kết quả thi tốt nghiệp THPT là 16,5 -18 điểm; xét kết quả học bạ từ 18-25 điểm; xét kết quả thi đánh giá năng lực.

Trường ĐH Xây dựng Miền Tây cũng xét tuyển bổ sung đến 580 chỉ tiêu vào 15 chuyên ngành theo phương thức xét học bạ với mức điểm sàn 18 điểm và 14 điểm đối với phương thức xét kết quả thi THPT (thấp nhất hiện nay).

Để có hội trúng tuyển trong đợt bổ sung, thí sinh nên chú ý khoảng cách an toàn là 3 điểm so với điểm chuẩn đợt 1. Thí sinh cũng nên đăng ký vào ngành mong muốn nhất và ngành gần với ngành đó. Đợt xét tuyển bổ sung không đăng ký trên cổng thông tin của Bộ GD&ĐT nên thí sinh có thể đăng ký trực tuyến và trực tiếp theo hướng dẫn cụ thể của từng trường ĐH.

Thời gian qua, sau khi có kết quả lọc ảo, các trường công bố danh sách thí sinh trúng tuyển, năm nay có tình trạng nhiều thí sinh đăng ký sai mã trường, mã ngành cũng khiến nhiều em nhận kết quả trúng tuyển không như mong muốn, trúng tuyển nhưng không còn muốn học ngành đã chọn…

Vì thế, có nhiều lý do để thí sinh tiếp tục tham gia vào đợt đăng ký xét tuyển bổ sung của các trường ĐH.

Ước trượt nguyện vọng 1

Việc chọn nhầm ngành, trúng tuyển nhầm ngành năm nào cũng xảy ra. Nhưng với những điều chỉnh của tuyển sinh năm nay, sai lầm này còn do thí sinh không nắm chắc quy chế. Chị Nguyễn Hương Giang (Nam Định) chia sẻ, thấy con đỗ ĐH cứ tưởng mừng nhưng thực tế, lại mong con trượt nguyện vọng 1 để trúng tuyển nguyện vọng 2.

Theo chị Giang, nguyện vọng 1 con đăng ký vào Học viện Tài chính, nguyện vọng 2 đăng ký vào Trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội. Đến khi con trúng tuyển, gia đình mới biết con trúng tuyển ngành không mong muốn.

Tại chương trình Tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề “Làm gì nếu không trúng tuyển đợt 1” vừa được tổ chức, một thí sinh băn khoăn đã trúng tuyển ngành Điều dưỡng nhưng giờ suy nghĩ thấy ngành này vất vả nên muốn đổi. ThS Nguyễn Trần Ngọc Phương, Giám đốc Trung tâm Marketing và phát triển thương hiệu, Trường ĐH Công nghệ TPHCM, tư vấn thí sinh nên chờ các trường công bố xét tuyển bổ sung để đăng ký. Đồng thời nêu ra một số ngành thí sinh có thể xét tuyển bổ sung như trong khối ngành sức khỏe có Kỹ thuật xét nghiệm y học, Y sinh… hoặc một số lĩnh vực phù hợp như Dinh dưỡng, Khoa học thực phẩm hay các ngành liên quan đến tổ hợp B00 (Toán, Hóa, Sinh) như Môi trường, Công nghệ thực phẩm, Dược…

Không ít thí sinh đã quyết định đổi ngành học trong phút chót. Thủ khoa tổ hợp B00 năm 2022 Bùi Đức Anh (cựu học sinh lớp 12A1 Trường THPT Quỳnh Côi, Quỳnh Phụ, Thái Bình) cho biết, ở lần đăng ký xét tuyển nguyện vọng đầu tiên, em vẫn để nguyện vọng 1 vào ngành Y khoa của Trường ĐH Y Hà Nội.

Tuy nhiên, ở giai đoạn Bộ GD&ĐT mở cổng cho phép thí sinh đăng ký chính thức, em đã quyết định thay đổi. Do đó, em không dùng tổ hợp khối B – khối thi mà em là thủ khoa để xét tuyển nguyện vọng 1 ĐH.

Thay vào đó, em sử dụng tổ hợp D07 (Toán, Hóa học, Tiếng Anh) để đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành Kinh tế của Trường ĐH Ngoại thương và Đức Anh đã trúng tuyển. Đức Anh cho biết, nguyên nhân chính là muốn học ngành Kinh tế ở Trường ĐH Ngoại thương vì thời gian học ngắn hơn nếu so với theo học ngành Y và bản thân có thể có việc làm sớm hơn. Ngoài ra, em nhận được nhiều lời khuyên, tư vấn của mọi người về sự phù hợp với bản thân mình nên đã suy nghĩ lại.

Theo quy định, điểm xét tuyển nguyện vọng bổ sung phải bằng hoặc cao hơn đợt đầu nên thí sinh cần nghiên cứu xem trường nào xét bổ sung và số lượng chỉ tiêu xét tuyển. Cũng nên quan tâm đến điểm chuẩn trúng tuyển đợt 1 của các trường. Vì đó là căn cứ quan trọng nhất để xác định cơ hội trúng tuyển đợt bổ sung.

Theo Nghiêm Huê/TPO

 

Bình luận (0)