Dự kiến năm nay việc đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và đăng ký xét tuyển đại học sẽ được tách rời, thực hiện vào 2 thời điểm khác nhau.
Riêng xét tuyển đại học (ĐH), thí sinh (TS) sẽ đăng ký sau khi thi và được điều chỉnh nguyện vọng (NV) thoải mái trong thời gian Bộ GD-ĐT quy định.
Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT (ảnh), cho biết Bộ đang xây dựng phần mềm để TS đăng ký dự thi THPT trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ.
Đăng ký xét tuyển ĐH sau khi thi tốt nghiệp THPT
Còn quy chế tuyển sinh ĐH 2022 có thay đổi nào không, thưa bà?
Điều đầu tiên tôi muốn khẳng định là quy chế tuyển sinh năm 2022 về cơ bản như các năm vừa qua. Nếu có điều chỉnh thì cũng chỉ điều chỉnh một số động thái kỹ thuật nhằm giảm một số vướng mắc, bất cập đã có trong những năm vừa qua. Có thể sẽ có một số sửa đổi về kỹ thuật sao cho thuận lợi nhất cho TS cũng như các cơ sở đào tạo trong quá trình xét tuyển. Mặt khác, quy chế cũng sẽ phải cập nhật các quy định hiện hành của pháp luật.
Trước hết, năm nay sẽ tiếp tục thúc đẩy việc tổ chức triển khai công tác đăng ký thi tốt nghiệp THPT, đồng thời đăng ký xét tuyển vào ĐH, theo phương thức trực tuyến, không chỉ tại cổng thông tin của Bộ mà còn tại cổng dịch vụ công quốc gia. Riêng việc đăng ký xét tuyển của TS sẽ thực hiện chủ yếu theo hình thức trực tuyến. Trường hợp đặc biệt vẫn đăng ký trên giấy, nhưng chủ trương là ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyển sinh.
Học sinh lớp 12 năm trước nộp hồ sơ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH cùng lúc. Năm nay, 2 khâu này sẽ tách riêng. ĐÀO NGỌC THẠCH
Khi nào TS sẽ đăng ký thi tốt nghiệp THPT cũng như đăng ký xét tuyển ĐH, thưa bà?
Kế hoạch tuyển sinh phụ thuộc vào thời điểm thi THPT. Bộ đang tham vấn các bên liên quan để cố gắng công bố trong thời gian sớm nhất.
Sau khi có thông tin chính xác về thời điểm thi, Bộ sẽ thông báo cụ thể kế hoạch tuyển sinh. Dự kiến việc đăng ký thi tốt nghiệp THPT các em thực hiện bình thường như mọi năm, tức là đăng ký trước khi thi trong một khoảng thời gian nhất định theo quy định của Bộ. Nhưng khi đăng ký thi tốt nghiệp THPT thì chưa cần đăng ký xét tuyển ĐH ngay, khi nào thi xong mới đăng ký.
Với việc mở cổng đăng ký xét tuyển sau khi thi và kéo dài cho tới sau khi các em biết điểm thi, thì nhu cầu điều chỉnh nguyện vọng theo kiểu trước đây không còn nữa. Với kỹ thuật mới được áp dụng, các em sẽ được điều chỉnh nguyện vọng thoải mái trong thời gian Bộ mở cổng đăng ký xét tuyển. Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT |
Vậy đây có phải là một điều chỉnh về kỹ thuật trong quy định công tác tuyển sinh năm nay không?
Đúng vậy. Trước đây TS đăng ký chủ yếu trên giấy, cần nhập dữ liệu vào hệ thống nên phải đăng ký xét tuyển cùng lúc với đăng ký thi THPT cho tiện. Giờ công nghệ đã phát triển, TS tự đăng ký trực tuyến nên nếu yêu cầu phải đăng ký xét tuyển lúc đăng ký thi sẽ không thêm được lợi ích gì cho TS cả. Đồng thời việc đăng ký xét tuyển lại liên quan tới việc thu lệ phí xét tuyển. Chúng ta thu tiền lúc các em đăng ký, sau khi biết điểm thi, các em lại điều chỉnh NV và phải trả lại tiền cho các em, thủ tục rất phức tạp. Trong khi đằng nào rồi chúng ta cũng phải mở cổng cho TS điều chỉnh NV sau khi biết điểm thi.
Vì thế, chúng tôi dự kiến đề xuất Bộ quy định chỉ mở cổng tuyển sinh một lần, trong một khoảng thời gian nhất định (khoảng 3 – 4 tuần) sau khi các em thi tốt nghiệp THPT. Nên bỏ bớt đi một bước, vừa thuận tiện cho hệ thống, vừa tiết kiệm cho xã hội.
Muốn điều chỉnh thông tin bao nhiêu lần cũng được
Những năm trước, nếu TS đăng ký xét tuyển cùng lúc với đăng ký dự thi thì sẽ có quyền điều chỉnh NV xét tuyển sau khi biết điểm. Nhưng nếu năm nay Bộ chỉ mở cổng đăng ký xét tuyển một lần thì các em sẽ không có bước điều chỉnh NV nữa?
Với việc mở cổng đăng ký xét tuyển sau khi thi và kéo dài cho tới sau khi các em biết điểm thi, thì nhu cầu điều chỉnh NV theo kiểu trước đây không còn nữa. Với kỹ thuật mới được áp dụng, các em sẽ được điều chỉnh NV thoải mái trong thời gian Bộ mở cổng đăng ký xét tuyển.
Trước đây, chúng ta có tận 3 bước chứ không chỉ 2 bước. Có một bước nữa là tập dượt đăng ký xét tuyển trước khi Bộ mở cổng chính thức, vì các em chỉ được thay đổi trong số lần giới hạn. Năm nay, nếu kỹ thuật đăng ký xét tuyển mới được áp dụng thì ngay cả bước tập dượt cũng không cần, vì trong khoảng thời gian 3 – 4 tuần mở cổng các em muốn điều chỉnh thông tin bao nhiêu lần cũng được. Bộ sẽ thông báo thời điểm đóng cổng, các em lưu ý thời điểm này để chốt việc đăng ký NV của mình vì sau khi đóng cổng sẽ không thay đổi được nữa.
Việc này nếu thực hiện được sẽ là thuận lợi cho thí sinh?
Đúng vậy, thời gian đăng ký xét tuyển bắt đầu sau khi các em thi tốt nghiệp, kéo dài cho đến khi biết điểm. Thi xong, các em biết khả năng của mình đến đâu để cân nhắc NV. Như vậy, với thay đổi trên, các em không mất quyền lợi gì, mà chúng ta không phải lo lắng thiết kế việc điều chỉnh NV cho thí sinh.
Sẽ rà soát chính sách ưu tiên khu vực, đối tượng Theo bà Nguyễn Thu Thủy, quy định về các NV của TS khi đăng ký xét tuyển vào các ngành, các trường khác nhau vẫn không thay đổi. Các em vẫn đăng ký không hạn chế NV, sắp xếp NV của mình từ cao xuống thấp. Các em sẽ trúng tuyển ở NV tốt nhất, theo năng lực, theo kết quả thi thực tế hoặc kết quả học tập của mình. Như vậy, cũng như năm 2021, mỗi TS sẽ trúng tuyển NV cao nhất mà các em đã đăng ký, vì tất cả các NV của TS theo các phương án tuyển sinh của cơ sở đào tạo sẽ được lọc ảo chung trên hệ thống. “Chúng tôi cũng dự kiến sẽ rà soát chính sách ưu tiên khu vực, đối tượng, áp dụng có lộ trình tạo thuận lợi cho các trường trong việc xác định ưu tiên như thế nào là tốt nhất cho mình. Chúng tôi cũng đề nghị các sở GD-ĐT rà soát kết quả học tập của TS ở cấp THPT, làm sao để học bạ điện tử của các em cập nhật được lên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành, nhằm phục vụ công tác xét tuyển vào ĐH. Như vậy sẽ tạo thuận lợi cho TS và các trường, nhất là đối với TS có sử dụng kết quả học tập để xét tuyển”, bà Thủy cho biết. |
Theo Quý Hiên/TNO
Bình luận (0)