Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Xét tuyển đại học bằng học bạ: Cần tăng cường giám sát để đảm bảo công bằng

Tạp Chí Giáo Dục

Khoảng 120 trường đại học đã công bố phương thức xét học bạ THPT để tuyển sinh năm 2023. Nhìn chung, số trường xét học bạ và tỉ lệ phương thức này tăng dần trong 3-4 năm qua. Các chuyên gia cho rằng cần thêm nhiều giải pháp để phương thức xét tuyển tiên tiến này đảm bảo công bằng.

Học sinh tại TPHCM thi tốt nghiệp THPT năm 2022 để lấy điểm xét tuyển vào đại học - ẢNH: TRẦN HUY

Học sinh tại TPHCM thi tốt nghiệp THPT năm 2022 để lấy điểm xét tuyển vào đại học – Ảnh: Trần Huy

Điểm học bạ cao, điểm tốt nghiệp thấp 

Năm 2019, lần đầu tiên Trường đại học Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) xét tuyển bằng học bạ, với tỉ lệ chỉ 5% tổng chỉ tiêu. Năm 2020 tăng lên 35%; rồi 60% vào các năm 2021, 2022. Năm 2019 cũng là năm đầu tiên Trường đại học  Khánh Hòa xét tuyển bằng học bạ với 25% chỉ tiêu. Tỉ lệ này tăng lên 50% vào năm 2020 và 60% năm 2022. Năm 2020, lần đầu tiên sử dụng phương thức xét học bạ để tuyển sinh, Trường đại học Cần Thơ đã dành đến 40% chỉ tiêu. Tỉ lệ này được duy trì trong các mùa tuyển sinh 2021, 2022.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm 2022, các trường dành khoảng 240.000 chỉ tiêu cho xét học bạ và xét tuyển kết hợp học bạ với các tiêu chí khác, chiếm 40% tổng chỉ tiêu xét tuyển đại học. Năm 2023, khoảng 120 trường đại học đã công bố phương thức xét học bạ để tuyển sinh.

Trong đó, Trường đại học Công nghệ TPHCM dành đến 53% chỉ tiêu cho phương thức xét học bạ. Trường đại học Kinh tế Tài chính TPHCM dành tới 70% tổng chỉ tiêu cho phương thức này. Bên cạnh đó, nhiều trường như Đại học Ngoại thương, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông, Đại học Kinh tế Quốc dân… sử dụng phương thức xét tuyển kết hợp kết quả học tập THPT cùng các tiêu chí khác (như kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, kết hợp thành tích cá nhân thí sinh trong các kỳ thi cấp tỉnh, quốc gia…). 

Nhiều phương thức tuyển sinh sẽ tạo thêm cơ hội trúng tuyển cho thí sinh. Xét tuyển bằng học bạ là phương thức tiên tiến được nhiều trường đại học trên thế giới áp dụng từ lâu. Tuy nhiên, điều dư luận lo ngại là thực tế có sự chênh lệch không nhỏ giữa điểm học bạ và điểm thi tốt nghiệp. Năm 2022, Bộ GD-ĐT công bố kết quả đối sánh thì có những địa phương thuộc nhóm đầu về điểm học bạ nhưng điểm thi tốt nghiệp lại nằm ở nhóm cuối.

Cụ thể: Hà Nội là 1 trong 10 tỉnh, thành phố có điểm học bạ cao nhất cả nước (ở cả 8 môn thi tốt nghiệp). Nhưng kết quả thi, trừ môn ngoại ngữ xếp thứ tư, các môn khác đều không nằm trong nhóm 10. Cụ thể như môn vật lý đứng thứ 28 (điểm học bạ đứng thứ nhất), môn địa lý xếp thứ 37 (điểm học bạ xếp thứ tư), môn giáo dục công dân đứng thứ 39 (điểm học bạ đứng thứ năm). Đặc biệt, môn hóa học và sinh học, điểm học bạ xếp số 1 toàn quốc nhưng điểm thi tốt nghiệp đứng thứ 58/63.  

Các tỉnh Phú Yên, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Hưng Yên cũng xảy ra chênh lệch tương tự ở nhiều môn. Do đó, cuối năm 2022, cử tri tỉnh Thanh Hóa đã đề nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu bỏ việc xét tuyển đại học qua học bạ, bởi hiện nay đang nảy sinh nhiều tiêu cực trong việc “làm đẹp” học bạ và “chạy điểm”.

Những băn khoăn này đã dấy lên từ lâu trong dư luận. Đặc biệt trong mấy năm gần đây – khi tình trạng “lạm phát điểm” – 30 điểm vẫn trượt đại học – diễn ra ngày càng nhiều. Thực tế, đầu vào của một số trường cũng có những chênh lệch nhất định. Tại Học viện Chính sách và Phát triển, nhà trường cho biết có nhiều sinh viên trúng tuyển bằng học bạ đang học năm 1, năm 2 nhưng quá trình học tập tại trường lại không bằng những sinh viên trúng tuyển bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. 

Tăng giám sát để phát huy ưu điểm

Ông Nguyễn Thế Hùng – Phó giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển – cho biết: “Chúng tôi không quá kỳ vọng vào chất lượng thí sinh đăng ký dựa trên điểm học bạ. Điểm chuẩn theo phương thức xét học bạ tăng cao, không đồng nghĩa với chất lượng thí sinh cao”. Còn Trưởng ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Đình Đức chia sẻ: “Các trường tốp đầu dành ít chỉ tiêu xét học bạ, vì chưa tin tưởng kết quả đánh giá ở bậc phổ thông. Chúng tôi cũng chỉ dành 10% xét tuyển bằng kết quả THPT, nhưng với điều kiện phải có chứng chỉ quốc tế IELTS 5.5, và phải qua 1 vòng phỏng vấn của hội đồng tuyển sinh – theo từng ngành đào tạo”.

Các chuyên gia giáo dục cũng như nhiều trường đại học đều nhận định, phương thức xét học bạ có không ít ưu điểm: giảm áp lực thi cử cho cả nhà trường, thí sinh và phụ huynh. Các trường đại học có thể chủ động trong việc tuyển sinh, có thể tuyển sinh sớm (nhiều trường nhận hồ sơ từ tháng Hai, Ba và tuyển nhiều đợt để đủ chỉ tiêu).

Xét học bạ còn giúp học sinh xác định rõ mục tiêu và tập trung được vào các môn thế mạnh; chỉ lưu ý nhỏ là một số học sinh có thể lơ là việc hoàn thành chương trình học – biết mình đỗ đại học trước khi kết thúc lớp Mười hai. Bản thân điểm học bạ cũng là công cụ theo dõi, đánh giá sát sao quá trình học tập của học sinh.

Tuy nhiên, việc kiểm tra, đánh giá, chấm điểm thi ở mỗi địa phương, mỗi nhà trường, thậm chí mỗi lớp, mỗi giáo viên lại có sự “nới”, “chặt” khác nhau nên khó đảm bảo được công bằng. Bên cạnh đó, bệnh thành tích cũng là yếu tố chi phối không nhỏ đến việc đánh giá, chấm điểm học sinh của các giáo viên, nhà trường. Nên học bạ có thể chưa phản ánh chính xác năng lực của học sinh. 

Để hạn chế những mặt trái của phương thức xét tuyển bằng học bạ, nhiều trường đại học xác định học bạ là nền; trên cơ sở đó còn nhiều tiêu chí khác như giải thi học sinh giỏi các cấp, hoặc tham gia đội tuyển, trường chuyên, hoặc chứng chỉ ngoại ngữ…

Về lâu dài, thầy Trần Mạnh Tùng – giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh (TP Hà Nội) – cho rằng quan trọng hơn cả là trách nhiệm của tất cả các bên. Trường THPT trực tiếp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá phải chịu trách nhiệm về tính trung thực, khách quan của kết quả. Các trường đại học chịu trách nhiệm tuyển sinh đúng, không xác định đỗ đại học sớm, nhập học sớm cho thí sinh (trước khi kết thúc năm học lớp Mười hai) bằng bất kỳ hình thức nào. Toàn xã hội (gần nhất là phụ huynh) có trách nhiệm giám sát. 

Đồng thời, cần tổng thể giải pháp – kiểm tra, đánh giá, thi cử, giám sát từ cấp sở phải đầy đủ, nghiêm túc. Bộ GD-ĐT điều phối, yêu cầu các trường THPT công khai thông tin (đề kiểm tra định kỳ, kết quả chung theo lớp, theo khối…) trên trang web của trường. Đây cũng chính là căn cứ để xã hội giám sát và góp phần đánh giá. Tuy nhiên, hiện nay chưa sở GD-ĐT nào thực hiện công tác này. “Hiện mới có kết quả đối sánh điểm học bạ và điểm tốt nghiệp ở cấp tỉnh, thành. Kết quả đối sánh này nên “áp” về tận trường, đồng thời công bố kết quả trên web của Bộ GD-ĐT – như thế buộc các trường, các giáo viên phải minh bạch, công bằng” – thầy Trần Mạnh Tùng nhấn mạnh. 

Việc các trường nâng điểm sẽ ảnh hưởng đến học sinh

Về hệ quả của việc các trường nâng điểm học bạ cho học sinh để chạy theo thành tích, tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT) – phân tích: “Việc nới hoặc nâng điểm sẽ ảnh hưởng đến cả việc lựa chọn con đường học tập của các em. Không ít em thấy mình được điểm cao, rồi lầm tưởng mình học giỏi và đăng ký xét tuyển vào đại học. 

Nếu biết rõ thực lực của mình, có thể các em sẽ chuyển hướng học nghề hoặc có lựa chọn khác để có cơ hội việc làm cao hơn. Việc một số em không đủ năng lực mà vẫn học đại học gây lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc cũng như ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống, tương lai của các em. Bên cạnh đó, việc những em không đủ năng lực nhưng vẫn vào học đại học còn làm ảnh hưởng đến chính sách đào tạo nhân lực chất lượng cao của Nhà nước; đồng thời gây bất bình đẳng trong giáo dục”.

Theo Uông Ngọc/PNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)