Xét kết quả thi tốt nghiệp THPT
Phương thức được 100% các trường đại học (ĐH) sử dụng để xét tuyển sinh năm 2022 là kết quả thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, ở một số trường top trên, tỷ lệ chỉ tiêu dành cho phương thức này đang giảm dần so với các phương thức khác. Từ trên 60% năm 2021, năm nay, chỉ tiêu xét kết quả thi tốt nghiệp của trường ĐH Kinh tế Quốc dân chỉ còn dưới 20%, thấp chưa từng có.
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng chỉ còn 10 – 20%.
Trường ĐH Thương mại tuyển 4.150 chỉ tiêu với 5 phương thức xét tuyển. So với năm 2021, trường có thêm 2 phương thức mới. Với phương thức 5, xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, theo từng tổ hợp bài thi/môn thi trường chỉ dành 45-50% chỉ tiêu…
Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy chế của Bộ GĐ&ĐT và quy định của trường cũng là phương thức được nhiều trường sử dụng như ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM và các trường ĐH khác.
Xét tuyển kết hợp biến hóa đa dạng, học sinh trường chuyên chiếm ưu thế
Đây cũng là phương thức được nhiều trường ĐH sử dụng. Trường ĐH Ngoại thương áp dụng 3 hình thức xét tuyển kết hợp: giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả học tập dành cho thí sinh hệ chuyên và hệ không chuyên; hoặc kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và chứng chỉ năng lực quốc tế (SAT, ACT, A-level), áp dụng cho các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh và Ngôn ngữ thương mại; giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022, áp dụng cho các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh và Ngôn ngữ thương mại.
ĐH Kinh tế Quốc dân có đề án xét tuyển riêng, trong đó có 4 nhóm đối tượng theo hình thức kết hợp.
Ngoài phương thức kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và điểm thi tốt nghiệp THPT, trường ĐH Kinh tế Quốc dân còn xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế với kết quả thi Đánh giá năng lực của ĐH quốc gia; thí sinh là học sinh hệ chuyên của các trường THPT chuyên/THPT trọng điểm quốc gia với điểm 2 môn thi tốt nghiệp THPT; thí sinh đã tham gia vòng thi tuần/tháng/quý/năm Đường lên đỉnh Olympia hoặc đoạt giải HSG cấp tỉnh hoặc giải khuyến khích quốc gia kết hợp điểm thi tốt nghiệp THPT.
Năm 2022, việc xét tuyển kết hợp còn có thêm hình thức xét kết hợp các tiêu chí để đánh giá toàn diện năng lực thí sinh bao gồm năng lực học tập, hoạt động xã hội, hoạt động văn thể mỹ, bài luận, thư giới thiệu, phỏng vấn, dự kiến được áp dụng tại ĐH Bách khoa TPHCM.
Xét chứng chỉ quốc tế
Trường ĐH Kinh tế Quốc dân nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh có điểm SAT từ 1200 hoặc ACT từ 26 điểm trở lên. Phương thức này chiếm 1-3% tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường…
Xét kết quả thi Đánh giá năng lực, Đánh giá tư duy
Năm nay, trường ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến tổ chức kỳ thi Đánh giá tư duy và dùng kết quả để xét tuyển 60-70% tổng chỉ tiêu. Đây là phương thức tuyển sinh chiếm tỷ trọng lớn nhất của trường.
Để tham gia kỳ thi, thí sinh cần có điểm trung bình chung 6 học kỳ của mỗi môn học ở bậc THPT từ 7 trở lên thuộc một trong những tổ hợp môn trường đưa ra.
Năm nay, hai ĐH quốc gia là ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM đều tổ chức kỳ thi Đánh giá năng lực. Theo thông tin từ ĐH Quốc gia Hà Nội, đến nay, số lượng các trường ĐH đăng ký sử dụng kết quả từ kỳ thi này để tuyển sinh đến thời điểm hiện tại là gần 50 trường.
Ngoài ra, một số trường ĐH khác cũng dự kiến tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng để chọn được thí sinh như mong muốn.
Theo Nghiêm Huê/TPO
Bình luận (0)