Gần 70 trường ĐH, CĐ đăng ký sử dụng điểm bài thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM để xét tuyển năm 2020. Với từng trường, việc xét tuyển và quy định ngưỡng điểm “sàn” có các mức khác nhau.
Thí sinh dự kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2019 – ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Theo thống kê của ĐH Quốc gia TP.HCM đến thời điểm này, có 66 trường ĐH, CĐ đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển một phần chỉ tiêu của trường. Trong đó, ĐH Quốc gia TP.HCM có 10 đơn vị gồm các trường thành viên, khoa y, viện và phân hiệu đào tạo. Ngoài ra, còn 56 trường ĐH, CĐ, phân hiệu và khoa ngoài hệ thống.
Nhiều trường xét từ 600 điểm
Thời gian xét tuyển khác nhau tùy trường Theo quy định ĐH Quốc gia TP.HCM, các trường trong hệ thống nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển từ ngày 15.7 – 15.8, kỳ thi dự kiến diễn ra vào 16.8, lọc ảo và công bố kết quả từ 24 – 30.8 và dự kiến xác nhận nhập học trước 5.9.
Trường ĐH Kinh tế TP.HCM nhận hồ sơ xét tuyển từ ngày 1.6 đến hết 3.7. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành nhận hồ sơ từ 1.6 – 27.8. Nhiều trường khác chỉ bắt đầu nhận hồ sơ sau khi TS dự thi và có kết quả thi.
|
Năm nay, Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM dành tối đa 50% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển này (tương đương khoảng 800 thí sinh – TS). TS xét tuyển bằng phương thức này được đăng ký tối đa 3 nguyện vọng vào trường, có phân biệt thứ tự ưu tiên và chỉ trúng tuyển nguyện vọng cao nhất. PGS-TS Vũ Đức Lung, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết trường đã công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào chính thức trong đề án, mức điểm từ 600 trở lên.
Theo ông Lung, đây chỉ là mức điểm nhận hồ sơ cho tất cả các ngành. Năm ngoái điểm trúng tuyển phương thức này thấp nhất 690 điểm, có những ngành trên dưới 900 điểm (tổng số điểm bài thi 1.200 điểm). Dù năm ngoái điểm trúng tuyển ở mức khá cao nhưng TS trúng tuyển “ảo” nhiều nên trường không tuyển đủ số chỉ tiêu đề ra theo kế hoạch.
“ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ tiến hành lọc ảo xét tuyển với phương thức xét điểm thi năng lực cho các trường trong hệ thống. Tuy nhiên, chỉ tiêu năm nay của trường dành cho phương thức này tăng lên, số trường tham gia xét tuyển kết quả này cũng nhiều hơn. Vì vậy, có khả năng điểm trúng tuyển các ngành của trường ở phương thức này sẽ thấp hơn năm trước”, ông Lung dự đoán tình hình.
Trường ĐH Bách khoa TP.HCM dành từ 30 – 70% tổng chỉ tiêu cho xét tuyển bài thi đánh giá năng lực (tương đương 1.500 – 3.500 TS). Theo PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo, phương án xét tuyển của trường hướng đến nhóm 30% TS có điểm tốt nhất của kỳ thi đánh giá năng lực. Do đó, nếu nhóm TS này chưa tuyển đủ chỉ tiêu, trường sẽ không xét tiếp mà sẽ chuyển chỉ tiêu còn lại cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Chẳng hạn, năm 2019 tỷ lệ nhập học bằng phương thức này vào trường thấp hơn 10% so với chỉ tiêu dự kiến nhưng điểm trúng tuyển ngành thấp nhất vẫn ở mức 690 điểm.
“Trường không công bố mức điểm nhận hồ sơ trong đề án tuyển sinh vì còn tùy kết quả dự thi và từng ngành. Tuy nhiên dự báo điểm chuẩn các ngành năm nay không thấp hơn mức thấp nhất của các năm trước”, ông Thắng dự đoán.
Lần đầu tiên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM dành 20% chỉ tiêu mỗi ngành cho xét điểm kỳ thi năng lực (tương đương 1.000 TS). Tiến sĩ Nguyễn Quốc Khanh, Trưởng phòng Quản lý đào tạo nhà trường, cho biết hôm nay (3.7) là ngày cuối nhận hồ sơ xét tuyển theo phương thức này. TS được đăng ký tối đa 2 nguyện vọng, nếu trúng tuyển nguyện vọng trên sẽ không được xét tiếp nguyện vọng dưới. Do lần đầu tiên xét tuyển nên trường chưa xác định ngưỡng điểm tối thiểu nhận hồ sơ vì còn phụ thuộc vào kết quả thi của TS.
Ngành sức khỏe, sư phạm có 2 mức “sàn”
Năm nay, một điểm mới trong quy chế tuyển sinh ĐH chính quy là quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào nhóm ngành sức khỏe và sư phạm cho phương thức tổ chức kỳ thi riêng.
Cụ thể, các ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề, TS dự thi phải có học lực lớp 12 xếp loại khá hoặc điểm xét tốt nghiệp từ 6,5 trở lên (với các ngành y khoa, y học cổ truyền, răng – hàm – mặt, dược học) và có học lực lớp 12 từ trung bình trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp từ 5,5 trở lên (các ngành còn lại). Với các ngành đào tạo giáo viên (sư phạm), ngưỡng thi tuyển bậc ĐH là học lực lớp 12 xếp loại khá hoặc điểm xét tốt nghiệp từ 6,5 trở lên. Ngưỡng dự thi bậc CĐ ngành giáo dục mầm non là học lực lớp 12 xếp loại trung bình trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp từ 5,5 trở lên.
Như vậy, khác với các năm trước, năm nay TS tham dự các kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển vào nhóm ngành sức khỏe và sư phạm cần phải đạt 2 mức “sàn”. Thứ nhất là “sàn” về học lực theo quy chế của Bộ như trên. Đồng thời, TS còn cần đạt ngưỡng điểm tối thiểu do các trường quy định dựa trên điểm thi đánh giá năng lực.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết TS xét tuyển vào các ngành sức khỏe của trường bằng kết quả kỳ thi năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM năm nay cần đáp ứng 2 điều kiện. Trong đó điều kiện cần là đảm bảo ngưỡng quy định của Bộ (học lực lớp 12 hoặc điểm xét tốt nghiệp) và điều kiện đủ là đảm bảo mức điểm xét trúng tuyển của trường. Sau khi có kết quả thi, trường sẽ bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển, mức “sàn” chung các ngành từ 600 điểm trở lên (riêng nhóm ngành sức khỏe có thể mức điểm nhận hồ sơ cao hơn).
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng thông báo xét điểm bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM từ 600 điểm trở lên và đạt điểm chuẩn đầu vào theo từng ngành trường xác định sau khi có kết quả. Tuy nhiên, TS khi xét tuyển nhóm ngành sức khỏe bắt buộc phải đạt điểm học bạ lớp 12 hoặc điểm xét tốt nghiệp theo quy định của Bộ.
Trường ĐH Sài Gòn năm nay cũng dành 10% chỉ tiêu cho xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực. Tuy nhiên, theo thạc sĩ Huỳnh Tổ Hạp, Phó trưởng phòng Đào tạo nhà trường, phương thức này chỉ áp dụng cho các ngành ngoài sư phạm. Vì vậy, TS xét tuyển vào trường năm nay không bị ràng buộc ngưỡng điểm học lực hoặc điểm xét tốt nghiệp theo quy định của Bộ với nhóm ngành giáo viên.
Hà Ánh/ TNO
Bình luận (0)