Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Xét tuyển ĐH, CĐ 2012: Thí sinh mừng, trường lo!

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Kỳ thi ĐH, CĐ năm 2012 vừa kết thúc, thí sinh hồi hộp chờ công bố điểm. Lãnh đạo nhiều trường đại học thì người mừng, người lo bởi hình thức xét tuyển mới năm nay.
Kéo dài thời gian xét tuyển: Các trường "tốp trên" không ảnh hưởng
Theo quy định của Bộ GD-ĐT kỳ thi tuyển sinh năm nay, thí sinh dự thi ÐH, CÐ theo đề thi chung của Bộ, nếu không trúng tuyển vào trường đã dự thi (hoặc trường không tổ chức thi, chỉ xét tuyển), nhưng có kết quả thi bằng hoặc cao hơn điểm sàn đối với từng đối tượng và khu vực (không có môn nào bị điểm 0), được trường tổ chức thi cấp hai giấy chứng nhận kết quả thi ÐH, CÐ có chữ ký và đóng dấu đỏ của trường.
Thí sinh sử dụng Giấy chứng nhận kết quả thi có chữ ký và đóng dấu đỏ của trường tổ chức thi hoặc bản sao có công chứng (theo quy định của từng trường) để tham gia đăng ký xét tuyển vào các trường còn chỉ tiêu, cùng khối thi và trong vùng tuyển của trường.
Căn cứ điểm sàn và chỉ tiêu tuyển sinh đã xác định, các trường tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong xét tuyển, không hạn chế số đợt xét tuyển, không quy định điểm trúng tuyển đợt sau cao hơn điểm trúng tuyển đợt trước. Ðiểm trúng tuyển được xác định trên nguyên tắc: Ðiểm trúng tuyển chưa nhân hệ số không thấp hơn điểm sàn; bảo đảm chỉ tiêu đã xác định và thời hạn kết thúc xét tuyển là ngày 30/11.
 Quy định mới của Bộ GD- ÐT sẽ tạo điều kiện cho các trường mở rộng công tác tuyển sinh, tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh. Tuy nhiên, với các trường đại học "tốp trên", quy định mới này không ảnh hưởng tới việc xét tuyển bởi điểm chuẩn luôn cách xa điểm sàn từ 3 – 5 điểm, thậm chí 7 – 8 điểm.
 Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông Lê Hữu Lập cho biết: "Quy định mới này có lợi nhiều hơn cho thí sinh, nhất là những thí sinh đạt điểm sàn hoặc cao hơn điểm sàn một chút. Mặt khác, nếu thí sinh được lợi, trường "tốp dưới" cũng được lợi trong khi trường "tốp trên" hầu như không ảnh hưởng. Bởi vì, đối với những trường "tốp trên" chỉ tuyển nguyện vọng đầu đã đủ chỉ tiêu thì không cần tuyển tiếp. Còn những trường "tốp dưới" những năm trước, do giới hạn thời gian và số lần tuyển, hết đợt sẽ không tuyển được nữa, trong khi thực tế số thí sinh đạt từ điểm sàn trở lên vẫn còn. Cũng có thể có thí sinh điểm tương đối cao nhưng gửi đăng ký vào ngành, trường nào đó mà tuyển cao quá thì coi như mất cơ hội, nhưng nay có thể chuyển trường để có cơ hội trúng tuyển. Vì vậy, việc thay đổi quy chế năm nay để các trường xét tuyển nhiều lần, vừa tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh và tăng cơ hội cho những trường khó tuyển".
 
Thí sinh dự thi đại học năm 2012. (Ảnh: Doãn Công)
"Tốp dưới" lo lắng!
Nhưng ngược lại với quan điểm trên, điều lo lắng nhất với các trường "tốp dưới" hiện nay bởi họ cho rằng quy định mới này sẽ dẫn đến tình trạng trúng tuyển ảo nhiều hơn những năm trước đây vì khó xác định thí sinh trúng tuyển có nhập học hay không. Thí sinh có thể nộp cả chục bộ hồ sơ xét tuyển vào các trường, nhưng chỉ theo học được một trường. Vì vậy, các trường phải tốn nhiều thời gian, công sức cho công tác xét tuyển.
Trao đổi với Dân trí, GS Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng trường ĐH Dân lập Hải Phòng bày tỏ: “Đến giờ phút này tôi vẫn lo bởi một trường ĐH tồn tại phải có sinh viên, năm nào tuyển được đủ chỉ tiêu thì mới phát triển được. Nếu không đủ chỉ tiêu sẽ mất ổn định, nhiều ngành sẽ không có thí sinh và phải đóng cửa”.
“Nếu bộ vẫn cương quyết để thời gian xét tuyển kéo dài như vậy thì các trường ngoài công lập sẽ lao đao gặp nhiều rắc rối bởi giấy chứng nhận kết quả xét tuyển dấu đỏ và photo có giá trị như nhau sẽ tạo ra thí sinh “ảo” lớn cho các trường. Ngay cả các trường nhận bản kết quả thi dấu đỏ của thí sinh cũng sẽ có “ảo” vì thí sinh được quyền lựa chọn. Như vậy đến khi nào chúng tôi mới khai giảng được vì khi nhận các em vào rồi nhưng đến khai giảng các em không đến và chọn trường khác học bởi bản chứng nhận kết quả thi dấu đỏ và photo đều không có sự ràng buộc nào với các trường”.
Đồng quan điểm, GS Đặng Ứng Vận, Hiệu trưởng trường ĐH Hòa Bình cho biết: “Hiện nay tôi cũng lo lắm, chưa biết tình hình xét tuyển thế nào. Nếu xét tuyển liên tục kéo dài như vậy, trường khó xây dựng được điểm chuẩn. Nếu gọi chậm thì thí sinh bỏ đi trường khác. Bộ ra nguyên tắc gọi đến hết chỉ tiêu nhưng Bộ chưa có hướng dẫn xây dựng điểm chuẩn về việc xét tuyển kéo dài này vì các trường ĐH ngoài công lập phải chờ các trường đại học tốp trên xét tuyển xong hết mới đến lượt mình”.
Về điểm sàn năm nay, GS Vận cho rằng: "Nếu Bộ lấy điểm sàn như các năm trước thì các trường dân lập chúng tôi không có học sinh vào trường. Nếu Bộ không thay đổi mức điểm sàn thì nên tính dư 20% thí sinh ở mức điểm sàn thì các trường tốp dưới mới hy vọng có thí sinh". Được biết, trường ĐH Hòa Bình năm nay tuyển sinh theo hình thức xét tuyển, trường có gần 100 thí sinh đăng ký nguyện vọng 1.
Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Thực tế NV1 các thí sinh đã trúng tuyển khoảng 70%, cho nên việc dịch chuyển từ nguyện vọng này sang nguyện vọng kia chỉ xảy ra khoảng 30% còn lại không có nhiều. Việc thực hiện những thay đổi trong kỳ thi, tuyển sinh năm nay nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người học và các cơ sở đào tạo. Mặt khác, những thay đổi này cũng giúp nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm; bảo đảm nguyên tắc dân chủ, công khai cho tất cả mọi người. Ðây chính là tiền đề cho việc thực hiện lộ trình đổi mới thi, tuyển sinh của Bộ.
 
Theo DTO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)