Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Xét tuyển ĐH, CĐ 2016: Các trường lo hồ sơ ảo

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Đã đến những ngày cuối nhận hồ sơ xét tuyển đợt 1, theo ghi nhận, các trường ĐH, CĐ đã nhận được khá nhiều hồ sơ đăng ký. Tuy nhiên, theo nhận định của đại diện nhiều trường, năm nay những trường tốp dưới, tốp giữa khó tránh khỏi hồ sơ ảo.

Thí sinh đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội. Ảnh: T.L

Khó khăn cho trường ngoài công lập

Ông Vũ Văn Hóa (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội) cho biết trường đã nhận hơn 4.000 hồ sơ, trong tổng chỉ tiêu hơn 5.000. “Nhưng tôi nghĩ đến ngày nhập học, thí sinh không đến được nhiều thế” – ông Hóa cho hay. Hiện nay, nhiều trường ĐH tốp cao lấy điểm chuẩn rất thấp, ví dụ như Trường ĐH Y Hà Nội, điểm chuẩn vào trường hàng năm rất cao nhưng năm nay, mức điểm nhận hồ sơ cũng chỉ từ 18. Nhiều trường khác cũng chỉ lấy điểm chuẩn từ 14-15 nên rất khó khăn cho các trường ngoài công lập.

Theo GS. Trịnh Minh Thụ (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi) cho biết thời điểm này trường nhận được 2.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 và khoảng vài ngàn hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 2. Tuy nhiên, hiện tại trường chưa thống kê xem có bao nhiêu thí sinh chỉ nộp 4 nguyện vọng trong nhóm GX, bao nhiêu thí sinh đăng ký “nửa trong nửa ngoài”. Do đó, trường cũng không đoán được tỷ lệ ảo như thế nào. Nhưng theo ông Thụ, do đã có kinh nghiệm trong tuyển sinh nên vấn đề này cũng không đáng lo ngại.

“Năm nay, thí sinh được phép đăng ký 2 trường với 4 nguyện vọng, Bộ GD-ĐT tạo thuận lợi cho thí sinh nhưng các trường sẽ vất vả hơn. Tuy nhiên, vì quyền lợi của thí sinh nên các trường đều chấp nhận” – ông Thụ cho hay.

“Năm nay, thí sinh được phép đăng ký 2 trường với 4 nguyện vọng, Bộ GD-ĐT tạo thuận lợi cho thí sinh nhưng các trường sẽ vất vả hơn. Tuy nhiên, vì quyền lợi của thí sinh nên các trường đều chấp nhận” – GS. Trịnh Minh Thụ (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi) cho hay.

Tại buổi làm việc cuối tuần qua với Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, một số trường ở tốp cao cũng lấy điểm đầu vào là 15, bằng với mức điểm sàn. Bộ trưởng chia sẻ: “Nếu động vào thì các trường sẽ bảo đó là việc của tôi. Đúng thật, tuyên bố điểm sàn là 15 thì về mặt luật pháp cớ gì mà ngăn cấm? Nhưng cái văn hóa của ta là tận thu, không tính đến một cách nghiêm túc của người học, và cũng không nhìn thấy các trường tốp dưới. Đây là vấn đề văn hóa, vấn đề ứng xử với cộng đồng. Đối với những trường này là vấn đề tận thu, nhưng vô hình trung đối với rất nhiều thí sinh là trượt, bởi vì cứ tin như thế, rồi không được rút ra. Điều này khiến tôi rất lo lắng”.

Thí sinh phải biết lượng sức mình

Năm nay thí sinh được nộp hồ sơ vào hai trường ĐH với 4 nguyện vọng, tuy nhiên, theo ghi nhận, thí sinh đã rất cân nhắc khi chọn trường. Lãnh đạo Trường ĐH Thủy lợi cho biết, dù điểm nhận hồ sơ của trường là từ 15 trở lên nhưng thí sinh đăng ký đều có mức điểm tương đương mức điểm chuẩn năm 2015. Không có thí sinh điểm thấp hơn.

Tương tự, tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, các thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào trường đều tự lượng được sức mình. Có được kết quả này là do công tác truyền thông của trường tốt nên hầu như những thí sinh đạt từ điểm 20 trở lên mới nộp vào trường. Còn tại các trường ngoài công lập, thí sinh nộp hồ sơ thường ít điểm cao, chỉ sát mức điểm trường nhận hồ sơ xét tuyển. Như vậy, thí sinh đã biết cách tự “phân luồng” lựa chọn của mình để chọn trường vừa sức.

Tuy nhiên, để tránh cho thí sinh bị “mắc kẹt” trong điểm sàn của trường, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cũng lưu ý thí sinh nên tham khảo điểm chuẩn vào các ngành, các trường yêu thích để quyết định nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển phù hợp với kết quả thi của mình. Hiện nay, một số trường ĐH tốp trên, có tính cạnh tranh rất cao nhưng vẫn thông báo nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển từ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ GD-ĐT (15 điểm).

Thứ trưởng Bùi Văn Ga nói: “Thí sinh lưu ý, đây là ngưỡng tối thiểu chứ không phải điểm chuẩn vào trường. Rút kinh nghiệm đợt 1, trong các đợt xét tuyển bổ sung, các trường nên quy định ngưỡng nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển gần với điểm chuẩn dự kiến hơn để tránh gây hiểu nhầm đối với thí sinh và tránh gây khó khăn cho các trường tốp dưới”.

Thiên Lam

Nhiều hồ sơ sai sót

Tính đến ngày 9-8, nhiều trường ĐH phản ánh, hồ sơ thí sinh chuyển về qua đường bưu điện có nhiều sai sót. Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết đến ngày 8-8 có 65 hồ sơ không hợp lệ. Lỗi chủ yếu của thí sinh là dùng nhiều hình thức đăng ký. Trong khi đó, Trường ĐH Giao thông vận tải cho biết có tổng cộng 48 hồ sơ sai sót với các lỗi chủ yếu là đăng ký 2 nguyện vọng trùng nhau; sai mã đăng ký xét tuyển; đăng ký 2 phiếu vào 2 trường trong nhóm GX, đăng ký 3 nguyện vọng vào một trường… Trường ĐH Xây dựng cũng có 85 hồ sơ không hợp lệ. Có khá nhiều lỗi sai trong hồ sơ như nguyện vọng 1-2 chưa đăng ký chuyên ngành; đăng ký thừa nguyện vọng; cả 4 nguyện vọng đều đăng ký vào 1 trường; đã đăng ký online nhưng vẫn nộp hồ sơ trực tiếp; đăng ký xét tuyển theo nhóm GX nhưng lại không dùng đúng mẫu đơn đăng ký xét tuyển của nhóm; gửi sai trường đăng ký xét tuyển; chưa đăng ký mã ngành xét tuyển; tổ hợp môn không hợp lệ; mã xét tuyển không hợp lệ…

Trong khi đó, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng có 25 hồ sơ không hợp lệ. Theo đó, sai sót của thí sinh chủ yếu là sai mã ngành, đăng ký thừa nguyện vọng. Thậm chí có thí sinh còn in phiếu đăng ký dự thi năm 2015.

T.Lam

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)