Đây là thông tin được các chuyên gia nêu ra trong chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần thứ 14 năm học 2021-2022 diễn ra tại Trường THPT Tân Phong (Q.7) và Trường Trung học Thực hành Sài Gòn (Q.5) mới đây.
TS. Lê Thị Thanh Mai tư vấn trực tuyến cho học sinh Trường THPT Tân Phong
Chương trình do Tạp chí Giáo dục TP.HCM phối hợp với Sở GD-ĐT TP.HCM, ĐHQG TP.HCM và Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam (Bộ GD-ĐT) tổ chức, cùng sự đồng hành của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM và nhiều trường ĐH, CĐ trên địa bàn thành phố.
Mức lương phụ thuộc vào kiến thức
Thu nhập sau khi tốt nghiệp là vấn đề được nhiều học sinh quan tâm trong chương trình. Cụ thể, tại Trường Trung học Thực hành Sài Gòn, một học sinh nam bày tỏ: “Em muốn học ngành CNTT. Không biết học ngành này ra có kiếm được nhiều tiền?”. ThS. Phùng Quán (Trưởng phòng Thông tin và Truyền thông Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP.HCM) trả lời: CNTT là ngành mũi nhọn trong thời đại công nghiệp 4.0. Ngành này có nhiều trường đào tạo nhưng không đủ cung cấp nhân lực cho thị trường lao động. Theo dự đoán, đến năm 2025, cả nước có cả triệu doanh nghiệp về CNTT. Do đó nhu cầu về công việc của ngành này rất lớn, vấn đề là người học có đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp không. Nếu người học vững chuyên môn, kiến thức, kỹ năng sẽ có cơ hội làm việc trong các công ty, tập đoàn lớn với mức lương cả ngàn đô la/tháng. Ngược lại, nếu người học không giỏi, thiếu kỹ năng và chuyên môn thì chỉ đạt mức lương tầm 6-7 triệu/tháng. “Mức lương cao hay thấp phụ thuộc rất nhiều vào kiến thức, tài năng của bản thân người học. Do đó, khi học ngành CNTT hay bất cứ ngành nào các em cũng phải cố gắng, chăm chỉ, nâng cao khả năng tự học để đạt được những điều mà bản thân mong muốn”, ThS. Phùng Quán khuyên.
ThS. Phùng Quán tư vấn trực tuyến cho học sinh Trường Trung học Thực hành Sài Gòn
Giải đáp thắc mắc cho một số học sinh về ngành thiết kế thời trang, bà Đào Thanh Xuân (Trường CĐ Việt Mỹ) cho biết, đây là một trong những ngành đào tạo của nhà trường, xét tuyển với 2 phương phức: Dựa theo học bạ và tuyển thẳng. Ngành thiết kế thời trang yêu cầu cao về sáng tạo, khéo tay, yêu thích cái đẹp. Khi thiết kế trang phục phải có hồn, giúp khách hàng tự tin, mặc trang phục cảm thấy đẹp nhất. “Với sự phát triển của xã hội, nhu cầu thời trang của mọi người cũng được nâng cao. Trang phục khi mặc không chỉ thoải mái mà còn phải đẹp, truyền tải được thông điệp trong cuộc sống. Vì vậy, đây là một ngành học có tiềm năng. Sinh viên ra trường có nhiều cơ hội phát triển công việc”, bà Xuân cho hay. Tương tự, giải đáp thắc mắc cho một nhóm học sinh về ngành y khoa, ThS. Nguyễn Vũ Hảo (Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) cho hay, với ngành y khoa, nhà trường sử dụng tổ hợp môn duy nhất là toán, hóa, sinh. “Ngành y khoa đào tạo trong thời gian 6 năm. Trong quá trình học tập, nhà trường giới thiệu sinh viên đi thực tập tại các bệnh viện lớn như Chợ Rẫy, Gia Định, 175, Thống Nhất… nên sinh viên không phải lo tìm nơi thực tập”, ThS. Hảo thông tin.
Đăng ký nguyện vọng xét tuyển vừa phải
Tư vấn cho học sinh Trường THPT Tân Phong, TS. Lê Thị Thanh Mai (Trưởng ban Công tác sinh viên, ĐHQG TP.HCM) cho biết, do việc đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ không giới hạn số lượng nguyện vọng (NV) nên học sinh có thể đăng ký nhiều NV. Tuy nhiên, các em cũng không nên đăng ký chỉ một NV hoặc quá nhiều NV. Theo đó, các em có thể đăng ký từ 5-6 NV trở lại. Cụ thể, NV1, 2, 3 dành cho ngành các em mong muốn lựa chọn, những NV còn lại dành cho các ngành liên quan. Điều đặc biệt là các em không nên đăng ký nhiều NV cho một ngành mà phải đăng ký mỗi NV vào một ngành. Ví dụ, các em muốn chọn học ngành công nghệ sinh học thì nên dành cho NV1. Còn NV2 dành cho ngành có liên quan, NV3 cho ngành khác. Như vậy, lỡ không may trượt ngành công nghệ sinh học thì các em còn có thể học ngành liên quan mà mình mong muốn. Nếu các em chỉ chọn một NV cho một ngành thì khả năng không trúng tuyển rất cao. Bởi hàng năm có nhiều thí sinh có điểm cao nhưng vẫn trượt ĐH, CĐ.
NGÀNH KINH TẾ QUỐC TẾ VÀ KINH DOANH Trong chương trình tư vấn tại Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3), em Đặng Thanh Trúc (học lớp 12D1) bày tỏ: “Em rất quan tâm đến ngành kinh tế quốc tế và kinh doanh quốc tế. Hai ngành này khác nhau như thế nào?”. TS. Nguyễn Hữu Hảo (Trưởng khoa Kinh tế và Quản trị Trường ĐH Hoa Sen) cho biết, ngành kinh tế quốc tế cung cấp cho sinh viên kiến thức tập trung vào hai lĩnh vực quan trọng là thương mại và đầu tư quốc tế. Sinh viên tốt nghiệp ngành này có cơ hội làm việc trong các ngành: Ngoại giao, vận tải quốc tế, hàng không… Trong khi đó, ngành kinh doanh quốc tế cung cấp cho người học kiến thức chung về quản trị kinh doanh và kiến thức chuyên môn thuộc lĩnh vực kinh doanh quốc tế như đầu tư quốc tế, logistic và vận tải quốc tế, thanh toán quốc tế, marketing quốc tế… Tốt nghiệp ngành kinh doanh quốc tế có thể làm việc tại các phòng kinh doanh, phòng nghiệp vụ xuất nhập khẩu của các đơn vị sản xuất kinh doanh, công ty thương mại. Năm nay, Trường ĐH Hoa Sen tuyển sinh 4 hình thức: Dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT; dựa vào học bạ; dựa vào kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM và phương thức riêng của trường.
|
Nói về phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM, ThS. Trần Vũ (Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP.HCM) cho biết, đây là phương thức chiếm 60% chỉ tiêu của trường. Kỳ thi diễn ra 2 đợt, thí sinh có thể tham gia 2 đợt, lấy điểm đợt cao nhất. Lưu ý, thí sinh thi đợt 1 NV nào thì đợt 2 thi NV đó. Khi có kết quả có thể điều chỉnh NV. “Với Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, sinh viên học các ngành khoa học cơ bản như toán, lý, hóa, sinh, tốt nghiệp muốn đi dạy phổ thông có thể học thêm chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Đây là một hướng đi đối với những em có mong muốn làm giáo viên. Hướng đi này giúp người học dễ tiếp cận với chương trình giáo dục phổ thông mới, mang vào áp dụng cho học sinh”. ThS. Vũ nói.
Bài, ảnh: Hồ Trinh
Bình luận (0)